|
Toàn cảnh công trình xây dựng với khối nhà 9 tầng trên đảo Huy Gơ (còn gọi là đá Tư Nghĩa, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam) bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép. Ảnh: Viễn Sự. |
TS Hà Anh Tuấn (Học viện Ngoại giao):
Dự báo diễn biến trong thời gian tới sẽ ra sao?
Với việc thực hiện kế hoạch cải tạo, mở rộng trên quy mô lớn và tốc độ nhanh tại các điểm chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, kể từ đầu năm 2014 Trung Quốc đã đẩy mâu thuẫn và tranh chấp trên biển Đông lên một giai đoạn mới, phức tạp và khó lường hơn.
Sau hơn một năm triển khai chương trình, một số điểm đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng đã có diện tích lớn hơn diện tích của đảo tự nhiên lớn nhất ở Trường Sa - đảo Ba Bình.
Những thông tin vệ tinh mà phía Mỹ cung cấp cho thấy hiện Trung Quốc đã bắt tay xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ mục tiêu quân sự như đường băng dài, đủ tiêu chuẩn kỹ thuật cho các máy bay quân sự cỡ lớn cất và hạ cánh; cảng nước sâu, âu tàu cho phép tàu cỡ lớn neo đậu và tiếp liệu; các tòa nhà chỉ huy cao tầng; điểm đỗ của máy bay trực thăng và các điểm lắp đặt trang thiết bị quân sự khác như rađa, ụ súng...
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tung ra các chương trình hợp tác kinh tế, tài chính và kết nối nhằm thúc đẩy hợp tác trên biển Đông, trong đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm.
Một số sáng kiến lớn đáng chú ý như xây dựng con đường tơ lụa trên biển và quỹ Con đường tơ lụa trên biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đề nghị (nhưng không được phía ASEAN chấp thuận) việc chọn năm 2015 là Năm hợp tác biển Trung Quốc - ASEAN.
Riêng ý tưởng xây dựng kênh đào Kra cắt ngang Thái Lan, rút ngắn đáng kể quãng đường từ biển Đông đến Ấn Độ Dương đã được đề cập từ lâu. Những ngày gần đây, có thông tin cho rằng Trung Quốc và Thái Lan đã đạt được thỏa thuận xây dựng kênh đào này.
Tuy các thông tin này tới nay chỉ mang tính đồn thổi, cho thấy mối quan tâm của các nước đối với tham vọng và hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông.
Nhìn vào lịch sử phát triển của các cường quốc trên thế giới và chiến lược phát triển biển của Trung Quốc hiện nay, có thể khẳng định biển Đông đóng vai trò đặc biệt quan trọng cả về ý nghĩa kinh tế, chính trị và địa chiến lược với Trung Quốc.
Nhiều học giả cho rằng với tầm quan trọng của biển Đông và những gì Trung Quốc đã thể hiện, có thể khẳng định mục tiêu thật sự của Trung Quốc là độc chiếm biển Đông.
Tuy cho tới nay chưa có đầy đủ bằng chứng để ủng hộ lập luận này, rõ ràng Trung Quốc đang từng bước phá vỡ nguyên trạng, xác lập sự hiện diện trên thực tế của mình trong khu vực vượt trội so với các quốc gia ven biển khác.
Với xu thế này, trước mắt có thể lập luận Trung Quốc hướng tới nắm quyền kiểm soát hoàn toàn trên biển Đông.
|
TS Hà Anh Tuấn Ảnh: T.L. |
Cục diện này ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam và những nước tuyên bố chủ quyền khác ở biển Đông?
Sau thời gian đầu chưa tìm được các bước đi phù hợp để phản ứng hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc, dường như Mỹ đã có những lựa chọn cụ thể. Thông qua báo chí, trao đổi ngoại giao, tuyên bố và các cuộc thảo luận nội bộ, phía Mỹ khẳng định hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc gây ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, ổn định và hợp tác ở biển Đông.
Trên thực địa, Mỹ đã điều tàu và máy bay đến tuần tra trên biển, gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Hiện nay các tàu và máy bay Mỹ vẫn giữ khoảng cách ngoài phạm vi 12 hải lý đối với các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Bất chấp việc Trung Quốc phản đối quyết liệt, phía Mỹ khẳng định các hoạt động này sẽ tiếp diễn. Thậm chí Mỹ không loại trừ khả năng sẽ tuần tra sâu hơn, vào phạm vi trong 12 hải lý của các đảo nhân tạo.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng tăng cường hiệp ước an ninh với Nhật và quyết tâm thúc đẩy quan hệ tổng thể, trong đó có quan hệ quốc phòng, với các nước đồng minh và đối tác trong khu vực. Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ lập trường trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.
Hoạt động của Trung Quốc và những phản ứng mạnh mẽ của Mỹ khiến tình hình ở biển Đông căng thẳng hơn, đe dọa tới hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc trên biển Đông đã và sẽ gây ra những tác động đa diện, đa chiều.
Việt Nam có thể tận dụng những cơ hội tốt của việc Mỹ tích cực hơn ở biển Đông để phục vụ chiến lược và mục tiêu của mình, đồng thời giảm thiểu các thách thức mà căng thẳng Mỹ - Trung có thể đặt ra.
Mục tiêu hàng đầu trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam là duy trì môi trường quốc tế và khu vực hòa bình, ổn định để tập trung nguồn lực cho phát triển. Do vậy, điều quan trọng là cần tiếp tục đấu tranh để Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế.
Liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá gần đây mà Trung Quốc đơn phương áp đặt trên vùng biển vốn là ngư trường truyền thống của Việt Nam, liệu Trung Quốc chỉ đơn thuần cấm đánh bắt cá hay có âm mưu gì khác?
- Trung Quốc đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực phía bắc của biển Đông từ năm 2009, và hoạt động đơn phương này đã bị Việt Nam và các nước trong khu vực lên án, tuyên bố vô giá trị.
Trên thực tế, việc thực thi các biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên hải sản cho mục tiêu khai thác lâu dài là cần thiết, song cần có sự thảo luận và phối hợp giữa các quốc gia liên quan.
Hoạt động đơn phương cấm đánh bắt cá của Trung Quốc rõ ràng nằm trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc nhằm từng bước khẳng định việc Trung Quốc kiểm soát trên thực tế mọi lĩnh vực ở biển Đông.
|
Ông Jonathan London (giáo sư ĐH Thành Thị Hong Kong) |
Sự vắng mặt của “cộng đồng quốc tế” chính là vấn đề
Thông qua việc xây dựng các đảo nhân tạo và ban hành lệnh cấm đánh bắt cá gần đây, theo tôi, Bắc Kinh đang có ý định thống trị cả biển Đông.
Chúng ta không thể hiểu động thái này theo cách khác. Sự có mặt của Mỹ đang hạn chế hành động bất hợp pháp của Bắc Kinh và sẽ được các nước trong khu vực hoan nghênh. Không ai có thể tưởng tượng Bắc Kinh sẽ làm gì nếu không có sự hiện diện của Mỹ.
Theo tôi, sự vắng mặt của “cộng đồng quốc tế” chính là vấn đề. Muốn Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế, phải có một cộng đồng thật sự mới có khả năng thành công. Không có một cộng đồng nào trở nên mạnh thật sự khi một thành viên được phép coi thường quyền lợi và nguyên tắc xét xử công bằng của các nước khác.
Q.TRUNG ghi
|
Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an). |
Trung Quốc sẽ đề ra “luật rừng”
Chúng ta đã có bài học xung quanh sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hiện nay chúng ta cần nhận thức rõ những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
Từ nhận thức đúng mới có hành động đúng. Việc Trung Quốc ngang ngược cải tạo và xây dựng căn cứ quân sự trái phép trên biển Đông, theo tôi, là nguy hiểm và nghiêm trọng hơn nhiều so với sự kiện giàn khoan nêu trên.
Việc làm đó của Trung Quốc không những đã vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại cam kết của họ, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông mà còn đe dọa an ninh, an toàn hàng hải quốc tế.
Trong hàng nghìn năm, hàng triệu năm lịch sử tự nhiên ở Trường Sa, lần đầu tiên mới có sự cải tạo tự nhiên khủng khiếp như thế do Trung Quốc tiến hành, biến bãi đá chìm chiếm của Việt Nam thành căn cứ quân sự bao gồm sân bay, tàu chiến...
Ảnh vệ tinh chụp ở đá Chữ Thập và Gạc Ma của Việt Nam đã cho thấy rõ ràng điều đó. Trung Quốc muốn khống chế biển Đông, muốn vươn ra Thái Bình Dương thì không thể đi từ Hải Nam, mà phải tìm kiếm vị trí xây dựng căn cứ quân sự trái phép ở phía nam biển Đông.
Ở vị trí này về mặt quân sự cũng để chống tiếp cận, nghĩa là không cho phép máy bay, tàu chiến của nước nào đó có thể đi vào biển Đông và tiếp cận Trung Quốc.
Ý đồ của Trung Quốc là như vậy, xây dựng căn cứ quân sự mà cụ thể là sân bay ở bãi đá chìm chiếm của Việt Nam để Trung Quốc có thể sử dụng chiến đấu cơ thế hệ mới của họ.
Đây là những việc làm để Trung Quốc hiện thực hóa chủ quyền phi lý của họ trên biển Đông. Sau khi hoàn thành cải tạo, xây dựng hai căn cứ quân sự đó, họ sẽ đề ra những “luật rừng”, những điều mà các nhà nghiên cứu đã cảnh báo kiểu như là khu vực nhận dạng phòng không ở biển Đông, rồi yêu cầu các tàu thuyền đi qua khu vực này phải khai báo theo yêu cầu của họ...
Về tốc độ, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ đẩy nhanh để có thể hoàn thành cải tạo trong một, hai năm tới nhằm lợi dụng bối cảnh khu vực và quốc tế đang có những điểm mà họ cho là thuận lợi cho việc triển khai ý đồ của họ.
Trước những diễn biến nêu trên, chúng ta phải có những chủ trương, giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, mạch lạc hơn...
Theo Quỳnh Trung/Tuổi trẻ