Tuyến tàu điện trên cao Nhổn – Ga Hà Nội đi qua 11 trường đại học bao gồm: Đại học Công nghiệp Hà Nội; Đại học Thương Mại; Đại học Sư phạm Hà Nội; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đại học Giao thông vận tải và 6 trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội là Đại học Ngoại ngữ; Đại học Kinh tế; Đại học Y dược; Đại học Giáo dục; Đại học Luật.
Đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy, bao gồm 8 ga: Nhổn (S1); Minh Khai (S2); Phú Diễn (S3); Cầu Diễn (S4); Lê Đức Thọ (S5); Đại Học Quốc Gia (S6); Chùa Hà (S7); Cầu Giấy (S8).
Những ngày qua, rất đông người dân xếp hàng để được trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị này sau hơn 1 thập kỷ mong đợi.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), lượng khách ngày 8/8 (ngày đầu tiên Metro Nhổn- Ga Hà Nội lăn bánh) là trên 34.000; ngày 9/8 là trên 52.000; ngày 10/8 trên 66.000 lượt khách.
Và cao điểm là ngày 11/8, đoạn tuyến metro Nhổn - Cầu Giấy đã đón trên 100.000 lượt khách. Nâng tổng khối lượng hành khách 4 ngày qua lên trên 250.000 lượt.
Con số này đã vượt xa mọi dự tính của cơ quan chức năng và đơn vị vận hành. Như tuyến metro số 2A Cát Linh - Hà Đông - tuyến metro đầu tiên của cả nước, ngày cao điểm nhất (1/5/2023) cũng chỉ đạt trên 58.000 lượt khách.
|
Nhiều người dân xếp hàng để trải nghiệm trong ngày đầu tiên tuyến metro vận hành thương mại. Nguồn ảnh:tienphong.vn
|
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, ông Vũ Hồng Trường chia sẻ: “Chúng tôi thật sự rất bất ngờ trước sức hút của đoạn tuyến metro Nhổn - Cầu Giấy. Đoạn tuyến Nhổn - Cầu Giấy đã phá vỡ mọi kỷ lục cũ của đường sắt đô thị Hà Nội, thiết lập nên những kỷ lục mới, dấu mốc mới vô cùng ý nghĩa. Đó là ngày có lượng khách cao nhất (11/8) trên 100.000 lượt”.
Nếu tính bình quân lượng khách tại một nhà ga, lúc cao điểm nhất tàu Nhổn - Cầu Giấy tiếp đón khoảng 12.500 khách. Bình quân mỗi chuyến tàu đạt 320,5 khách.
Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hanoi Metro, với khả năng vận chuyển mỗi giờ được từ 15.000 đến 20.000 khách, nếu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội hoạt động hết công suất sẽ giảm được lượng lớn xe cá nhân di chuyển trên trục đường QL32 từ Cầu Giấy đi Nhổn. Trong 3 tháng đầu, metro mở tuyến lúc 5h30 và đóng tuyến lúc 22h. Thời gian chạy tàu đều đặn 10 phút/chuyến. Trong thời gian tiếp theo, tùy theo nhu cầu hành khách sẽ điều chỉnh cho phù hợp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến.
Theo nhận định của lãnh đạo Hanoi metro, tuyến Metro Nhổn- Cầu Giấy sẽ hút khách hơn tuyến số 2A Cát Linh- Hà Đông. Đặc biệt, khi tuyến này hoàn thiện cả phần đi ngầm đến Ga Hà Nội thì lượng khách sẽ còn đông đúc hơn rất nhiều.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2010 đến 2030 tầm nhìn 2050 thành phố Hà Nội thực hiện và đưa vào sử dụng 9 tuyến đường sắt đô thị. Bao gồm: Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2A), Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3), Yên Viên - Ngọc Hồi (tuyến số 1), Mê Linh - Sài Đồng (tuyến số 4), Văn Cao - Hòa Lạc (tuyến số 5), Nội Bài - Ngọc Hồi (tuyến số 7), Mê Linh - Hà Đông (tuyến số 8); Sơn Động - Mai Dịch - Dương Xá (tuyến số 9)... Đến nay sau 14 năm thực hiện quy hoạch trên, Hà Nội đã đưa vào sử dụng 2 dự án, gồm Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2A) và đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3).
Về giá vé: Vé lượt (vé chặng), hành khách đi một ga 8.000 đồng và đi cả tuyến 12.000 đồng/lượt. Vé ngày giá 24.000 đồng, hành khách được đi trong ngày và không hạn chế số lượt. Vé tháng hạng phổ thông 200.000 đồng/tháng, học sinh, sinh viên là 100.000 đồng/tháng. Vé tập thể: 140.000 đồng/tháng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Dạo quanh công trường metro làm việc tất bật cuối năm:
Bình Nguyên