Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc có nên đưa dạy thêm học thêm vào ngành kinh doanh có điều kiện, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, bất kể một giáo viên nào đứng lớp nào cũng đã đáp ứng đủ điều kiện để trở thành một người giáo viên.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan. |
"Triệt" tận gốc dạy thêm, học thêm biến tướng, tràn lan
Theo đó, họ đã được đào tạo, trải qua kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục, đáp ứng đầy đủ điều kiện để đứng lớp và giảng dạy môn học đó. Trong quá trinh giảng dạy, họ còn chịu sự đánh giá, quản lý của các cơ quan chức năng, cơ sở giáo dục, Sở, phòng giáo dục…
“Như vậy, khi họ đã đủ điều kiện để dạy chính khóa rồi, thì vì sao khi dạy thêm lại không đáp ứng điều kiện. Ngoài ra, việc dạy học không giống với việc kinh doanh, và những điều kiện để kinh doanh dạy thêm học thêm cũng rất khác. Cho nên tôi băn khoăn về đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào ngành kinh doanh có điều kiện”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Nhìn nhận dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả phụ huynh và học sinh, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu thực tế, có nhiều học sinh muốn học chuyên sâu thêm, tìm hiểu thêm, hoặc có nhiều em chưa theo kịp được các bạn trên lớp muốn phụ đạo thêm, bồi dưỡng thêm… Tuy nhiên, điều mà xã hội lên án là sự ép buộc, biến tướng của việc dạy này.
Vậy để có giải pháp tốt nhất thì cần tỉm hiểu đến cùng, tận gốc nguyên nhân vấn đề. Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, có một bộ phận giáo viên đặt nặng vấn đề dạy thêm, học thêm để có thêm thu nhập, việc này một phần liên quan đến tiền lương của nhà giáo.
Chúng ta vẫn nói rằng, trong quá trình chống tham nhũng, cải cách tiền lương cũng là một giải pháp, bên cạnh những giải pháp như hoàn thiện thể chế hay có những chế tài xử lý. Vậy để chống dạy thêm, học thêm biến tướng tràn lan, thì cải thiện thu nhập cho giáo viên cũng là một giải pháp.
Ngoài ra, việc ép buộc dạy thêm, học thêm liên quan đến đạo đức nhà giáo, thì cần có giải pháp để nâng cao đạo đức nhà giáo, giải quyết dứt điểm vấn đề này. “Còn đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì tôi cho rằng rất khó”, đại biểu đoàn Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ quan điểm.
Nhiều giáo viên dạy trên lớp “lửng lơ” dành kiến thức cho dạy thêm
Trước đó, trong phiên thảo luận Quốc hội vào đúng ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11 vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cho rằng, nếu các bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính, nhiều người hoạt động ở các lĩnh vực khác đều có thể làm thêm ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì các thầy, cô giáo được dạy thêm là chính đáng.
Theo ông Huy, việc nhiều giáo viên tăng cường dạy thêm để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống là quyền lợi chính đáng. Cùng với đó, nhu cầu học thêm của nhiều học sinh là có thật. Để bồi bổ kiến thức, nâng cao thêm năng lực… thì nhiều học sinh luôn muốn được học thêm để sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi…
Tuy nhiên, ông Huy cũng nhấn mạnh, thời gian vừa qua cũng có nhiều “điều tiếng” không hay về vấn đề dạy thêm, học thêm. Trên thực tế thì không thiếu các hiện tượng “biến tướng” khi nhiều giáo viên dạy bài học trên lớp lửng lơ, nửa chừng và chỉ hoàn thiện ở lớp học thêm. Nội dung kiểm tra, đề thi được giáo viên đưa ra khi dạy thêm khiến điểm số chênh lệch giữa học sinh đi học và không học thêm.
Thế nên, việc cần làm là các cơ quan chức năng có trách nhiệm như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… cần sớm ban hành các quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm - học thêm để cho có hiệu quả, phát triển đúng với nhu cầu của thực tiễn ngành Giáo dục.
Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Huy, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã từng gửi các văn bản đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trong quá trình sửa Luật Đầu tư và có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào năm 2020 đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
"Nhưng không rõ lý do vì sao trong năm 2020, 2021, việc này không được chấp thuận. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Huy cần phải đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học", ông Sơn nói.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc xử lý vấn đề dạy thêm, học thêm cần có giải pháp tổng thể và các phụ huynh phải phối hợp với nhà trường, ngành giáo dục. Bởi việc đưa con đi học thêm rất nhiều cũng một phần xuất phát từ chính phụ huynh.
Theo đó, có người đưa con đến nài nỉ giáo viên vừa dạy, vừa trông giúp. Hay cha mẹ thấy con đi học một ca chưa yên tâm nên sau giờ học cứ nghe thấy đâu có thầy tốt là đưa đến ngay, dẫn đến một tối 3-4-5 ca. Hoặc phụ huynh thấy con mình chưa xuất sắc thì không yên tâm.
Bộ trưởng cũng đề nghị đại biểu Nguyễn Văn Huy trong quá trình đi thu thập thông tin, với trường hợp giáo viên bớt kiến thức ở trường học để đi dạy thêm cần xem đó là ai, ở đâu, trường nào, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp xử lý đến nơi đến chốn.
>>> Mời quý độc giả xem video đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) chia sẻ về truyền thống tôn sư trọng đạo, vai trò của người thày trong việc phát triển nhân cách của học trò:
Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan