Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, công trình xây dựng dự án Nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc xuất khẩu và phụ liệu hàng may mặc do Công ty Quốc tế LV đầu tư tại xã Kim Anh (huyện Kim Thành, Hải Dương) phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo Điều 52 Luật xây dựng năm 2014, được sửa đổi bổ sung tại khoản 10 điều 1 Luật xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Theo Điều 89 Luật xây dựng 2014 sửa đổi 2015, công trình xây dựng dự án Nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc xuất khẩu và phụ liệu hàng may mặc do Công ty Quốc tế LV đầu tư không thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
|
Công ty Quốc tế LV đã san lấp gần 40.000m2 khi chưa phép. |
Theo điểm c khoản 7 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng mà công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng thì bị phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng, đồng thời buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Ngoài hình phạt tiền nêu trên, theo Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP trong trường hợp công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng thuộc trường hợp đủ điều kiện cấp phép xây dựng mà đang thi công, người có thẩm quyền có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình.
Đối với dự án đầu tư xây dựng trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
Nếu như hết thời hạn quy định nêu trên mà tổ chức, cá nhân không xuất trình được giấy phép được cấp, người có thẩm quyền xử phạt ra văn bản thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm tự phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày gửi văn bản thông báo (tính theo dấu bưu điện) hoặc từ ngày có biên bản bàn giao thông báo, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có trách nhiệm thực hiện biện pháp buộc tự phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Trong thời hạn tối đa 5 ngày kể từ ngày tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm xuất trình giấy phép xây dựng người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình xây dựng, lập biên bản ghi nhận sự phù hợp của hiện trạng công trình với giấy phép xây dựng.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng nếu biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp, giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh đã được thẩm định.
Trường hợp hiện trạng công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh đã được thẩm định thì trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày lập biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm buộc phá dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh đã được thẩm định.
Luật sư Hoàng Tùng cho biết, trong thời hạn đang đề nghị làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng mà tổ chức, cá nhân vi phạm tiếp tục thi công thì bị xử lý theo quy định tại khoản 13 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Theo đó, mức phạt đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng từ từ 950.000.000 đồng đến 1.000.0000.000 đồng, buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, để làm rõ những sai phạm của Công ty Quốc tế LV và làm rõ quá trình xử lý của chính quyền địa phương đã đúng trình tự thủ tục và bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật hay chưa, cần làm rõ công trình xây dựng này liệu đã đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng?
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thành phần bắt buộc của hồ sơ xin cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, Công ty LV mới được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất 38.617m2 để thực hiện dự án, trong khi đó phần diện tích 900 m2 còn lại chưa được UBND huyện Kim Thành giao. Công ty LV có thể chưa đủ điều kiện cấp phép xây dựng do chưa thể hoàn thiện được hồ. Do đó, chính quyền địa phương giải quyết sai phạm trong vụ việc này chưa quyết liệt và bộc lộ dấu hiệu khuất tất”, luật sư Tùng nêu ý kiến.
|
Các phương tiện phục vụ thi công được tập kết tại dự án. |
Trước đó, Báo Tri thức và Cuộc sống đã đăng tải bài viết phản ánh, suốt thời gian dài, Công ty TNHH MTV Quốc tế LV đã rầm rộ tổ chức thi công công trình dự án Nhà máy Sản xuất, gia công hàng may mặc xuất khẩu và Phụ liệu hàng may mặc tại xã Kim Anh (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) khi chưa có giấy phép xây dựng.
Cụ thể, công ty LV đã san lấp mặt bằng diện tích 38.617m2 khi chưa có giấy phép xây dựng. Đây là toàn bộ diện tích tại thửa đất số 1257, tờ bản đồ số 8, tỷ lệ 1/2000 của xã Kim Anh đã được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty LV để thực hiện dự án Nhà máy Sản xuất, gia công hàng may mặc xuất khẩu và Phụ liệu hàng may mặc.
Công ty LV cũng đã xây dựng tường bao cao 2,5m, chiều dài 134m, xây dựng từng cao 1,3 m trên chiều dài 21m, đã đổ hố móng bê tông trên chiều dài 180m, dựng cột thép chuẩn bị đổ bê tông 60 hố và cột, đã ép cọc bế tông hố móng 33m.
Đáng chú ý, trong khi đang làm thủ tục xin thuê phần đất công do Quốc phòng bàn giao cho UBND huyện quản lý 900m2, dù chưa được cơ quan thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng công ty LV đã tiến hành san lấp mặt bằng.
Đại diện UBND xã Kim Anh cho biết đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với công ty LV do vi phạm điểm b, khoản 7,điều 16, Nghị định 16 năm 2012 của Chính phủ về quy định xử phạt trong lĩnh vực xây dựng; vi phạm tại điểm b, khoản 1, điều 14, Nghị định 91 năm 2019 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.
“UBND xã Kim Anh đang đề nghị Phòng Tư pháp huyện Kim Thành kiểm tra, đánh giá hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty LV do ông Nguyễn Hữu Hiệp – Phó Giám đốc công ty làm đại diện về vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đất đai để tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền”, đại diện UBND xã Kim Anh cho biết.
Đáng chú ý trong suốt thời gian dài, dù UBND xã Kim Anh đã nhiều lần lập biên bản, yêu cầu dừng thi công nhưng đến nay, Công ty TNHH MTV Quốc tế LV đã san lấp toàn bộ dự án và đang xây dựng một số hạng mục công trình. Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm địa phương trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm đất đai, xây dựng trên?
>>> Mời độc giả xem thêm video Những bất thường của một dự án thu hồi đất cho thuê:
Hải Ninh