Chiều 23/4 tại Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến thăm và làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Đây là hoạt động nhằm tiếp tục động viên, nắm bắt tình hình của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong tình hình mới theo tinh thần của Nghị quyết số 45-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, Kết luận 69-KL/TW của Bộ Chính trị ban hành về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ.
|
Quang cảnh buổi làm việc. |
Cùng dự có đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; Đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đồng chí Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Những kết quả ấn tượng
Báo cáo tại buổi làm việc, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cho hay, trong 3 năm vừa qua, Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch đã đặc biệt chú trọng việc xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động của Liên hiệp hội. Từ năm 2022-2024, Liên hiệp hội đã sửa đổi, ban hành 21 văn bản. Đặc biệt, công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội đã đạt được hiệu quả cao, nhiều dự án quan trọng của đất nước có sự tham gia của Liên hiệp hội.
|
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Mai Loan. |
Cụ thể, năm 2021, Liên hiệp hội đã tổ chức góp ý 03 dự thảo quy hoạch đường bộ, đường sắt, và mạng lưới cảng hàng không và sân bay quốc tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, tham gia góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trên cơ sở đó, đã xây dựng báo cáo tổng hợp gửi Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và một số cơ quan liên quan về những nội dung quan trọng và những vấn đề mà trí thức quan tâm.
Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội cũng đã tích cực đóng góp ý kiến tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 14/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về giáo dục; tổng kết Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về khoa học và công nghệ…
Đặc biệt, hoạt động khoa học và công nghệ đã đổi mới mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao. Các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Liên hiệp hội đã tích cực tham gia vào xã hội hóa các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo… Đã thu hút hàng trăm triệu USD từ các tổ chức quốc tế và hàng ngàn tỷ đồng từ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước triển khai hàng ngàn dự án, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.
|
Các đại biểu tham dự buổi làm việc. |
Theo thống kê chưa đầy đủ từ 434 tổ chức khoa học và công nghệ thì năm 2023 các tổ chức này đã huy động được 1.267 tỷ đồng phục vụ nghiên cứu khoa học và đã đóng thuế gần 155 tỷ đồng, gấp nhiều kinh phí nhà nước cấp. Đây là con số hết sức ấn tượng.
Công tác truyền thông và phổ biến kiến thức được chỉnh đốn và phát triển. Hiện 67 cơ quan báo chí của Liên hiệp hội đã hoạt động có hiệu quả về truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn phổ biến kiến thức, chuyển giao công nghệ, đặc biệt chú trọng tới vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhà xuất bản Tri thức của Liên hiệp hội đã xuất bản hàng nghìn cuốn sách phổ biến khoa học và công nghệ, nổi bật là Tủ sách Tinh hoa Tri thức thế giới. Năm 2022 và 2023 Nhà xuất bản đã đạt giải 3 về giải thưởng sách quốc gia…
Báo Tri thức và Cuộc sống đã thực hiện xong chủ trương quy hoạch báo chí, đã đi vào hoạt động ổn định, ngày càng khẳng định là tiếng nói của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam. Ngày 28/11/2023, Đoàn Chủ tịch đã hoàn thành quy trình và bổ nhiệm Tổng biên tập Báo Tri thức và cuộc sống.
Đi cùng với những kết quả đã đạt được là những khó khăn. Tại buổi làm việc, TSKH Phan Xuân Dũng cũng đã nêu ra những thách thức hiện Liên hiệp hội đang gặp phải, qua đó đề xuất một số kiến nghị để Liên hiệp hội trở thành tổ chức vững mạnh và hoạt động có hiệu quả hơn của trí thức khoa học và công nghệ.
Mong VUSTA tạo nên mái nhà cho khoa học công nghệ phát triển
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái đánh giá, VUSTA đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong quá trình hơn 40 năm xây dựng và phát triển. Đó là đã lãnh đạo đội ngũ trí thức của các hội thành viên đi đúng chủ trương, đường lối của Đảng, tăng cường sự gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và trí thức, lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động chính trị, tư vấn, phản biện, giám định xã hội, tôn vinh các trí thức thông qua các giải thưởng qua các cuộc thi…
|
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái. Ảnh: Mai Loan. |
“VUSTA là một tổ chức không thể thiếu, có vai trò hết sức quan trọng, là hạt nhân kết nối giữa các thế hệ trí thức với nhau”, ông Thái nói và dành lời cảm ơn VUSTA đã phản biện chính sách, giúp Bộ KH&CN hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho hay, người ta thường nói, phát triển đất nước dựa vào khoa học công nghệ, nhưng ông thực sự mong rằng đất nước phát triển bằng khoa học công nghệ.
“Mong rằng VUSTA sẽ là cầu nối giữa Bộ KH&CN và các đơn vị từ trên xuống dưới, với các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người dân để tạo nên một mái nhà cho khoa học công nghệ phát triển”, ông Thái nói.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã đánh giá, phân tích về quá trình quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ, những đóng góp của các nhà khoa học thuộc VUSTA trong thực hiện công tác này.
Cùng với đó là những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong thực hiện các nhiệm vụ về khoa học, công nghệ. Các đại biểu đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất từ thực tiễn hoạt động của các đơn vị để góp ý cho Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ trong tình hình mới.
Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là bồi đắp "nguyên khí quốc gia"
Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Trải qua chặng đường hơn 40 năm xây dựng và phát triển, từ 15 tổ chức Hội ban đầu, đến nay, VUSTA đã trở thành tổ chức tập hợp, thu hút đông đảo nhất đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ với khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức, chiếm gần 1/3 số trí thức trong cả nước…
|
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: Mai Loan. |
VUSTA đã hoàn thiện hệ thống tổ chức ở Trung ương và tất cả các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương với 156 hội thành viên, 53/56 tỉnh có Đảng đoàn, hình thành mạng lưới các tổ chức thành viên và trực thuộc rộng khắp cả nước, đa ngành, đa lĩnh vực...
Trong hành trình xây dựng và phát triển vẻ vang của Liên hiệp hội có rất nhiều tấm gương tiêu biểu với những đóng góp lớn lao cho đất nước và dân tộc, như như GS.VS, anh hùng Trần Đại Nghĩa; GS Tôn Thất Tùng; GS Tạ Quang Bửu; GS Hà Học Trạc; GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, GS.VS Đặng Vũ Minh…
Trong hoạt động chung của đội ngũ trí thức Việt Nam, VUSTA đã đạt được những kết quả to lớn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để vận động, tập hợp trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước vì sự nghiệp của Đảng, của Nhân dân và đất nước.
Để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức nói chung và phát triển VUSTA nói riêng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tham gia tích cực vào các hoạt động tổng kết những vấn đề lý luận, thực tiễn qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và chuẩn bị xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị VUSTA quan tâm và thực hiện một số nội dung:
Quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo…;
Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Liên hiệp hội và các hội thành viên theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW và những định hướng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày 24/3/2023…
Coi trọng công tác thu hút, tập hợp đoàn kết trí thức, nhất là trí thức trẻ, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường công tác xây dựng Đảng nhất là về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong Đảng đoàn Liên hiệp Hội và các hội thành viên; Đẩy mạnh các hoạt động phối hơp công tác giữa VUSTA với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông…
Khẩn trương tiến hành tổng kết, đánh giá bảo đảm thật sự khách quan, toàn diện, khoa học về việc thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước có liên quan đến Liên hiệp hội.
Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội.
“Tôi tin tưởng và kỳ vọng rằng, với khí thế mới, động lực mới, quyết tâm mới, VUSTA nói riêng và đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung sẽ có những bước phát triển mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước phát triển ngày càng phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ.
Mai Loan