Ngày 10/5, tại Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng các văn bản liên quan như Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ.
 |
Toàn cảnh buổi hội nghị. |
Tôn vinh đội ngũ trí thức để tạo thêm động lực phát triển
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định, Nghị quyết 57 phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu, đặt khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển đất nước.
Theo TSKH Phan Xuân Dũng, không có tổ chức hay quốc gia nào đạt được vị thế bền vững nếu không sở hữu nền KHCN hiện đại. Nghị quyết 57 thể hiện tầm nhìn đột phá khi xác định đây là cuộc cách mạng, trong đó Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, còn nhà khoa học là lực lượng chủ lực. Đặc biệt, việc từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” sẽ mở đường cho nhiều mô hình đổi mới hiệu quả. Mục tiêu lọt vào top 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh KHCN hàng đầu là hoàn toàn khả thi nếu tận dụng tốt các cơ hội hiện có.
 |
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu. |
TSKH Phan Xuân Dũng cũng nhấn mạnh vai trò nền tảng của ngành nông nghiệp và môi trường. Mặc dù tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm, ngành này vẫn giữ vai trò trụ đỡ an sinh xã hội, cung cấp việc làm và ổn định đời sống cho hàng triệu người dân. Trong lĩnh vực môi trường, Việt Nam kiên định với quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, chuyển hướng sang kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên - những định hướng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nếu thực thi tốt Nghị quyết 57.
Với 3,7 triệu hội viên, trong đó có hơn 2,2 triệu trí thức và 574 tổ chức KHCN trên cả nước, VUSTA đã xây dựng được phong trào nghiên cứu sâu rộng, thu hút đông đảo lực lượng trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp và môi trường. Đáng chú ý, ngày càng nhiều doanh nhân kiêm nhà khoa học đã góp phần tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp song hành với phát triển quốc gia. Bên cạnh nguồn vốn Nhà nước, VUSTA còn huy động được nguồn lực xã hội hóa lớn gấp hàng chục lần.
TSKH Phan Xuân Dũng kiến nghị các Bộ, ngành tăng cường đặt hàng nghiên cứu, sử dụng hiệu quả kết quả khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực phát sinh từ thực tiễn như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, cần đẩy mạnh truyền thông phổ biến tri thức đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, và tôn vinh đội ngũ trí thức để tạo thêm động lực phát triển trong kỷ nguyên mới.
Chuyển đổi số trở thành yêu cầu tất yếu
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, chuyển đổi số hiện nay không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu.
 |
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc hội nghị.
|
Trong bối cảnh ngành đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu gay gắt, tài nguyên suy giảm và áp lực tăng trưởng xanh, các mô hình sản xuất truyền thống không còn phù hợp. Do đó, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm và bảo vệ môi trường sống, toàn ngành cần đổi mới tư duy và lấy khoa học công nghệ, chuyển đổi số làm nền tảng phát triển.
Bộ trưởng cho rằng, dù thời gian qua ngành nông nghiệp và môi trường đã đạt một số kết quả tích cực như triển khai nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cảm biến trong giám sát môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và khí tượng, nhưng để đạt được “đột phá phát triển” như yêu cầu của Nghị quyết, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Môi trường đề xuất 5 nhóm giải pháp then chốt: hoàn thiện thể chế để tháo gỡ các rào cản, cải cách tổ chức nghiên cứu theo hướng tinh gọn và tự chủ, thay đổi cách thức đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu và đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, đây là cơ hội quý giá để Bắc Ninh và ngành Nông nghiệp và Môi trường Bắc Ninh được tiếp cận những tâm huyết chuyên sâu từ các nhà khoa học, chuyên gia và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương, doanh nghiệp, viện trưởng nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết thành các chương trình, đề án, mô hình triển khai hiệu quả tại địa phương.
Theo ông Vương Quốc Tuấn, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đứng trước yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ nhằm đáp ứng các xu thế mới của phát triển bền vững, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, việc phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là động lực then chốt để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động, bảo vệ tài nguyên, môi trường và chất lượng sống của người dân.
 |
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn tại hội nghị. |
Thực hiện Nghị quyết 57, Nghị quyết 193, Nghị quyết 71, tỉnh Bắc Ninh tập trung vào chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Tỉnh đang hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận các công nghệ mới như: cảm biến giám sát độ ẩm, hệ thống tưới tự động, ứng dụng AI trong phân tích sâu bệnh, sử dụng dữ liệu vệ tinh và bản đồ số để dự báo sản lượng cây trồng, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR.
Bắc Ninh khuyến khích các mô hình hợp tác công - tư trong nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong lai tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh.
“Trong thời gian tới, chúng tôi chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chiều sâu, bền vững; trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm, nông nghiệp đô thị; thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ngành nông nghiệp và các ngành thương mại, dịch vụ - du lịch… xây dựng và phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực chất lượng, có thương hiệu gắn với quy trình chế biến, bảo quản và xuất khẩu giá trị cao…”, ông Vương Quốc Tuấn cho biết.
Bắc Ninh đang xây dựng nền tảng dữ liệu số tổng hợp về môi trường và đất đai, phục vụ công tác quy hoạch, kiểm soát ô nhiễm, và quản lý biến đổi khí hậu trên địa bàn. Tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường đang từng bước chuyển đổi từ mô hình quản lý truyền thống sang quản lý số hóa, minh bạch, công khai và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Bắc Ninh cũng là địa phương đi đầu hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các làng nghề truyền thống và các khu vực trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cam kết, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các sáng kiến, kết quả nghiên cứu, giải pháp đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đưa vào ứng dụng thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực nội sinh, sức cạnh tranh, đưa nông nghiệp Bắc Ninh phát triển hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết một loạt văn bản hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, nhằm mở rộng liên kết ứng dụng vào thực tiễn.
 |
Lễ ký kết các văn bản hợp tác về khoa học công nghệ. |
Gia Đạt