Ngày 23/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch VUSTA cho rằng, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) so với Luật Báo chí 2016 có một số điểm mới như: Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, bổ sung quy định để nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản, quy định chi tiết để phân biệt giữa báo và tạp chí, điều kiện cấp thẻ nhà báo… Việc sửa đổi Luật Báo chí lần này cần được tiếp cận trên cơ sở khoa học, thực tiễn và phù hợp với bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, truyền thông đa nền tảng.
 |
Toàn cảnh buổi hội thảo. |
Báo chí không chỉ là phương tiện thông tin tuyên truyền mà còn là kênh phản biện xã hội quan trọng, góp phần định hướng dư luận, xây dựng niềm tin xã hội và thúc đẩy tiến bộ. Do đó, luật sửa đổi cần tạo hành lang pháp lý minh bạch, khuyến khích báo chí phát triển lành mạnh, độc lập, có trách nhiệm và bảo đảm quyền tự do báo chí theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
 |
PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch VUSTA phát biểu khai mạc hội thảo. |
Góp ý cho dự thảo Luật, TS Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế VUSTA cho rằng, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2025 đã có nhiều điểm tích cực, nhất là trong việc cập nhật xu hướng báo chí đa phương tiện, chuyển đổi số và bảo đảm quyền tự do ngôn luận theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bất cập như: Khái niệm “sản phẩm thông tin có tính chất báo chí” còn chưa rõ ràng; thiếu cơ chế bảo vệ người dân khi phát biểu ý kiến phản biện trên báo chí; quy định về các hành vi bị cấm cần cụ thể hơn để tránh bị lạm dụng. Bên cạnh đó, cần có quy định rõ hơn về quyền của nhà báo trong môi trường tác nghiệp số, cũng như cơ chế tài chính minh bạch cho các cơ quan báo chí.
 |
TS Lê Công Lương Góp ý cho dự thảo Luật. |
TS Lê Công Lương đề xuất trong dự thảo Luật cần phân biệt rõ giữa “tạp chí khoa học” và “tạp chí chuyên ngành”, từ đó xây dựng tiêu chí riêng phù hợp về cấp phép, nội dung và đội ngũ. Đồng thời, cần bổ sung chương riêng về chuyển đổi số trong báo chí khoa học, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, kết nối dữ liệu quốc tế và trao quyền tự chủ phù hợp cho các tổ chức khoa học công nghệ trong hoạt động báo chí.
Về các nội dung liên quan đến tạp chí, TS. nhà báo Hồ Quang Hòa, Tổng Biên tập Tạp chí Tâm lý Gia đình Việt Nam đề xuất cần xem xét lại quy định tại Khoản 1, Điều 29 của Dự thảo là không cấp thẻ nhà báo cho người làm việc tại tạp chí khoa học. Nhà báo Hồ Quang Hòa cho rằng đây là điểm chưa hợp lý, bởi tạp chí khoa học là một loại hình báo chí hợp pháp, thực hiện đầy đủ chức năng thông tin, phản biện và phổ biến tri thức; cần tăng cường đào tạo đội ngũ biên tập của tạp chí khoa học theo chuẩn quốc tế; có cơ chế hỗ trợ tài chính từ ngân sách hoặc Quỹ phát triển khoa học; xây dựng lộ trình hội nhập quốc tế và đẩy mạnh truyền thông khoa học.
Theo nhà báo Đặng Đình Chấn - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Việt Nam Hội nhập, cần có một tư duy phát triển mới đối với tạp chí khoa học trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Nhà báo Đặng Đình Chấn cho rằng, cần phân loại rõ các tạp chí khoa học để xác định phạm vi cấp thẻ nhà báo phù hợp, thay vì cấm hoàn toàn.
Việc duy trì cấp thẻ sẽ tạo điều kiện cho tác nghiệp, nâng cao năng lực phổ biến kiến thức, góp phần phát triển nền báo chí khoa học lành mạnh, minh bạch. Dự thảo luật cần theo hướng khuyến khích, hỗ trợ tạp chí khoa học phát huy vai trò trong thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thay vì siết chặt quản lý một cách cứng nhắc, phi thực tiễn.
 |
Nhà báo Đặng Đình Chấn góp ý tại dự thảo Luật.
|
Đồng quan điểm, Nhà báo Trần Trọng An - Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Gia Đình Mới cũng cho rằng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã thể hiện nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc hiện đại hóa quản lý báo chí, bảo vệ quyền tự do ngôn luận và thích ứng với không gian số. Tuy nhiên, để luật có hiệu lực thực tiễn cao, cần bổ sung các quy định chi tiết, minh bạch và cơ chế bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
 |
Nhà báo Trần Trọng An - Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Gia Đình Mới. |
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đề xuất dự thảo Luật cần có cách tiếp cận phù hợp hơn đối với tạp chí khoa học, tránh thu hẹp quyền thành lập cơ quan báo chí của các viện nghiên cứu, bởi điều này đi ngược lại Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Nhiều ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân loại rõ tạp chí khoa học để có quy định phù hợp.
Ngoài ra, các một số đại biểu cũng kiến nghị bổ sung quy định bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp ở các lĩnh vực thiết yếu như môi trường, nông nghiệp, an toàn thực phẩm, góp phần bảo đảm tự do ngôn luận và nâng cao chất lượng phản biện xã hội.
Gia Đạt