Đại thắng Mùa xuân 1975: Dư luận thế giới nói gì?

Google News

TS Trần Thị Phương Hoa (Viện Sử học) chia sẻ những góc nhìn, phản ứng đa chiều của thế giới trước Đại thắng Mùa xuân 1975, mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, sự kiện mang tầm vóc quốc tế.

TS Trần Thị Phương Hoa (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay, dư luận quốc tế, hiểu là tập hợp quan điểm, thái độ của công chúng toàn cầu đối với các sự kiện có ảnh hưởng đa quốc gia, đã đặc biệt sôi động trước, trong và sau sự kiện quân dân Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tháng 4/1975. Phản ứng này diễn ra ở nhiều cấp độ, từ ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân, đến các tổ chức quốc tế và đặc biệt là qua lăng kính truyền thông. Đại thắng Mùa xuân 1975 thực sự đã trở thành một sự kiện toàn cầu.
Dai thang Mua xuan 1975: Du luan the gioi noi gi?
 Hình ảnh Báo Nhân Dân đưa tin chiến thắng về ngày Giải phóng miền Nam, số ra ngày 1.5.1975. Ảnh: Trần Vương.
Từ báo Nhân Dân, có thể thấy thông tin từ khắp thế giới, bức tranh dư luận quốc tế về chiến thắng của Việt Nam. Đặc biệt, tạp chí Newsweek (Mỹ) một trong những tạp chí chính trị uy tín nhất Mỹ, với các bài viết trong giai đoạn cuối tháng 4, đầu tháng 5/1975 cũng đã cho thấy sức hút và cách nhìn nhận đối với sự kiện lịch sử này.
Đại thắng mùa Xuân 1975 của Việt Nam - tiêu điểm của dư luận thế giới
Ngay từ ngày 1/5/1975, báo Nhân Dân đã liên tục đăng tải thông tin về làn sóng chúc mừng từ khắp nơi trên thế giới gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Điện mừng từ lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế không chỉ bày tỏ sự hân hoan, ngưỡng mộ mà còn ca ngợi chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế đã tổ chức các hoạt động chào mừng, cử đoàn đại biểu sang Việt Nam hoặc tổ chức chúc mừng tại các đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại.
Điển hình, ngày 1/5/1975, báo Nhân Dân đăng điện của lãnh đạo Nhà nước Campuchia, trong đó Quốc trưởng Norodom Sihanouk và các nhà lãnh đạo khác cảm ơn sự giúp đỡ của Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, khẳng định "Thắng lợi của chúng tôi cũng là thắng lợi của các bạn".
Thông tấn xã Liên Xô (TASS) đưa tin về việc quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân. Đảng Cộng sản Nhật Bản ra tuyên bố nhấn mạnh sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn là thắng lợi vang dội của nhân dân Việt Nam và các lực lượng chống đế quốc, yêu chuộng hòa bình thế giới, đồng thời khẳng định quyền tự quyết dân tộc là xu thế không thể đảo ngược.
Tại Ấn Độ, Quốc hội đã reo hò, vỗ tay mừng chiến thắng của Việt Nam. Chính phủ Thái Lan ra tuyên bố chúc mừng và công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Thụy Điển cũng tuyên bố ý định lập quan hệ ngoại giao. Các Ngoại trưởng Đông Nam Á đồng loạt hoan nghênh thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Lãnh đạo cao nhất của Liên Xô và Trung Quốc cũng gửi điện mừng ngay trong ngày 30/4 và 1/5. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô L.I. Brezhnev và Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo hai nước đã dùng những từ ngữ trang trọng như "thắng lợi tuyệt diệu", "thắng lợi vĩ đại", bày tỏ sự "vô cùng hân hoan, phấn khởi", tôn vinh công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần anh dũng của nhân dân Việt Nam. Cả hai cường quốc đều khẳng định mong muốn tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước thống nhất, phồn vinh.
Trong khi đó, báo chí Mỹ cũng phản ánh sự kiện Sài Gòn giải phóng. Tờ New York Times giật tít lớn "Đầu hàng". Tờ Los Angeles Times viết "Người Mỹ ra đi, người Nam Việt Nam đầu hàng, nước Việt Nam đã được trả lại cho người Việt". Tờ New York Post gọi sự dính líu của Mỹ là "sự hy sinh vô ích về sinh mạng và tiền của". Tạp chí Newsweek xem đây là "chương bi thảm trong lịch sử nước Mỹ". Truyền hình Mỹ liên tục đưa tin về cuộc di tản hỗn loạn của người Mỹ và sự kết thúc của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đáng chú ý, hãng CBS chiếu phim cho thấy cuộc sống trở lại bình thường ở Đà Nẵng. Tại California, hàng ngàn sinh viên đã hát mừng chiến thắng của nhân dân Việt Nam.
Các chính trị gia Mỹ như Thượng nghị sĩ McGovern và Hatfield cũng lên tiếng thừa nhận thất bại, kêu gọi rút ra bài học từ "cơn ác mộng Việt Nam" và không lặp lại sai lầm trong chính sách đối ngoại.
Dai thang Mua xuan 1975: Du luan the gioi noi gi?-Hinh-2
 Chiến thắng của nhân dân Việt Nam xuất hiện trên trang nhất số báo ngày 30/4/1975 của tờ báo Granma, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Cuba. Ảnh: Báo Nhân dân.
Không khí chúc mừng còn lan tỏa mạnh mẽ qua các hành động cụ thể. Lãnh đạo Cuba, Trung Quốc, Lào, Campuchia đã đến Đại sứ quán Việt Nam ngay trong đêm 30/4 và sáng 1/5 để chúc mừng. Chủ tịch Fidel Castro của Cuba gọi đây là "một chiến công lớn nhất của loài người". Liên tiếp những ngày sau đó, nhiều nước công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời, các đoàn đại biểu quốc tế (Liên Xô, Cuba, Lào, Campuchia...) đến Hà Nội chúc mừng, nhân dân nhiều nước tổ chức mít tinh trọng thể. Ngay cả những người hoạt động chống chiến tranh ở Mỹ cũng gửi lời chúc mừng, xem thắng lợi của Việt Nam là "chiến thắng của chúng tôi".
Dư luận Pháp cũng có những đánh giá sâu sắc. Cựu Bộ trưởng Sainteny nhận định về sự ra đời của một "quốc gia hùng mạnh" với "bộ binh giỏi nhất thế giới". Tờ Paris Hàng ngày ngày 3/5 viết: "Sài Gòn đã thay tên và bộ mặt thế giới cũng đổi thay... Di chúc của Bác Hồ... đang trở thành hiện thực... Con người ấy thế là đã thắng trong cuộc chống xâm lược".
Bên cạnh luồng dư luận tích cực, báo Nhân Dân cũng phản ánh và phê phán những thông tin thất thiệt do chính quyền Tổng thống Ford (Mỹ) tung ra về nguy cơ "tắm máu", "trả thù" ở Sài Gòn sau giải phóng – những luận điệu bị chính người dân Sài Gòn phẫn nộ lên án.
Dư luận Mỹ về Đại thắng mùa Xuân của Việt Nam từ tạp chí Newsweek
Newsweek đã có mặt tại Việt Nam với 5 phóng viên chiến trường, liên tục đưa tin tức Đông Dương lên trang nhất.
Số ra ngày 21/4/1975, Newsweek đã dự báo về thất bại của chính quyền Sài Gòn, khẳng định "Cộng sản chắc chắn sẽ chiến thắng", mô tả sự chuẩn bị sơ tán của Mỹ và thừa nhận sự thất bại của chính sách kéo dài cả thập kỷ của Mỹ. Tạp chí đăng một báo cáo đặc biệt dài 15 trang từ các phóng viên tại chỗ, cùng bài phân tích của Theo Sommer về thất bại chính sách đối ngoại và tâm trạng bất ổn ở Mỹ.
Dai thang Mua xuan 1975: Du luan the gioi noi gi?-Hinh-3
 Trang bìa Tạp chí Newsweek,12/5/1975. Nguồn: TS Trần Thị Phương Hoa.
Số ra ngày 5/5/1975 có trang bìa "Sự kết thúc của một kỷ nguyên" (The end of an era), mô tả những giờ phút cuối cùng của chế độ Sài Gòn và việc quân giải phóng tiếp quản miền Nam. Bài viết chính đi sâu phân tích tác động của cuộc chiến đến nước Mỹ: "Trong lịch sử xung đột của nước Mỹ, chỉ có cuộc nội chiến Bắc-Nam là chia rẽ nước Mỹ tàn khốc hơn chiến tranh Việt Nam... làm mờ đi niềm tin của nước Mỹ vào ảnh hưởng của Mỹ... niềm tin vào năng lực nước Mỹ... Cuộc chiến này là chương buồn nhất trong một thế kỷ của lịch sử nước Mỹ". Bài viết kết luận rằng cuộc chiến đã làm "méo mó mối quan hệ giữa các đồng minh" và khiến thế giới có cái nhìn khác về nước Mỹ, chỉ trích Mỹ vì những gì đã làm, không làm và cả cách thức rút lui.
Số ra ngày 12/5/1975 với trang bìa hình ảnh quân giải phóng cùng lá cờ Chính phủ Cách mạng Lâm thời giữa sự hồ hởi của người dân Sài Gòn, tập trung mô tả những ngày đầu tiên sau giải phóng. Bài báo "Thành phố Hồ Chí Minh" (The Ho Chi Minh city) thuật lại thời khắc lịch sử tại Dinh Độc lập, sự chấm dứt của chế độ cũ và chính sách can thiệp của Mỹ.
Bài báo ghi nhận sự hỗn loạn chấm dứt nhanh chóng, trật tự được thiết lập nghiêm khắc. Đài phát thanh kêu gọi người dân trở lại làm việc, học tập. Quân Giải phóng làm công tác trấn an dân chúng. Một nhà ngoại giao Pháp được dẫn lời: "Những người đàn ông nhỏ bé mặc đồ xanh lá cây đi vào các khu phố và cơ quan chính quyền. Họ biết chính xác họ cần phải làm gì và cần phải ra lệnh cho ai". Điều này cho thấy sự tiếp quản có tổ chức và hiệu quả.
Như vậy, có thể thấy, Đại thắng Mùa xuân 1975 của Việt Nam thực sự là tâm điểm của truyền thông và chính trị thế giới trong nhiều tuần lễ. Phản ứng của quốc tế vô cùng đa dạng. Một mặt là làn sóng chúc mừng, ngưỡng mộ, tôn vinh chiến thắng và công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ các nước xã hội chủ nghĩa, các nước bạn bè, các tổ chức quốc tế và lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Nhiều quốc gia nhanh chóng công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 
Đại thắng Mùa xuân 1975 không chỉ mang ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với dân tộc Việt Nam mà còn là một sự kiện có sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến cục diện chính trị thế giới và để lại những bài học lịch sử cho nhiều quốc gia. Dư luận quốc tế đa chiều xung quanh sự kiện này là minh chứng rõ nét cho tầm vóc và ý nghĩa toàn cầu của chiến thắng.
Bài viết sử dụng tư liệu từ Hội thảo “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam” của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Mai Loan