Người mẹ Hà Nội gửi con thơ “xẻ dọc Trường Sơn” cứu nước

Google News

Gửi con thơ, từ Hà Nội bước ra trận tuyến đường Trường Sơn khốc liệt, bà Hoàng Thị Kim Vinh, cựu thanh niên xung phong, vợ liệt sĩ đã đi qua cuộc chiến bằng tuổi thanh xuân, nỗi nhớ con đau đáu và lòng yêu nước cháy bỏng.

Năm 1965, trong bối cảnh Mỹ chính thức phát động chiến tranh miền Bắc Việt Nam, người phụ nữ 25 tuổi Hoàng Thị Kim Vinh (Hàng Chiếu, Hà Nội), mẹ của cậu con trai 2 tuổi, đã có một quyết định giằng xé mà dũng cảm: viết đơn tình nguyện gia nhập Thanh niên xung phong, hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”. Ba năm nơi tuyến lửa Trường Sơn khốc liệt, đối mặt với bom rơi, đạn nổ, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, bà Vinh cùng những người đồng đội của mình đã viết nên bản hùng ca huyền thoại, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Nguoi me Ha Noi gui con tho “xe doc Truong Son” cuu nuoc
 Bức ảnh bà Hoàng Thị Kim Vinh chụp cùng con trai trong chuyến về phép thăm nhà năm 1967 hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
“Mẹ muốn cống hiến khi mẹ còn trẻ”
Lưng đã còng, chân có phần bước chậm, nhưng gương mặt, ánh mắt, nụ cười bà Hoàng Thị Kim Vinh, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn vẫn ánh lên nét tươi tắn, rạng rỡ rất trẻ. Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống về những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ký ức của bà vẫn tươi rói như vừa mới hôm qua, niềm tự hào xen lẫn bùi ngùi, xúc động nhắc tới những chia cách, mất mát, hy sinh.
“Năm 1965, con trai tôi mới 2 tuổi. Cùng với người dân Hà Nội, mẹ tôi bế cháu đi sơ tán. chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, Hà Nội bước vào những ngày sơ tánLúc đó, phong trào "Ba sẵn sàng" (Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần) lan tỏa mạnh mẽ trong thanh niên Thủ đô. Là Bí thư chi đoàn, tôi vận động thanh niên viết đơn tình nguyện. Chính tôi cũng viết đơn," bà Vinh nhớ lại.
Lá đơn của bà ban đầu khiến Thành đoàn có chút ngần ngại. Họ nghĩ bà chỉ viết để làm gương, bởi hoàn cảnh con nhỏ níu chân. Nhưng trong lòng người mẹ trẻ ấy, ngọn lửa yêu nước, khát khao cống hiến cũng đang hừng hực cháy bỏng như bao thanh niên khác.
Nguoi me Ha Noi gui con tho “xe doc Truong Son” cuu nuoc-Hinh-2
 Bà Hoàng Thị Kim Vinh, cựu thanh niên xung phong, vợ liệt sĩ, người đã để lại con thơ để dấn thân vào tuyến lửa. Ảnh: Mai Loan.
Trong cuốn nhật ký bà viết cho con trai sau này, có những dòng tâm sự gan ruột, lý giải cho quyết định hệ trọng của cuộc đời: "Con ạ! Lúc nộp đơn, mẹ suy nghĩ rất nhiều, nộp đơn để mà đi, hay nộp đơn vì hình thức. Một số người xung quanh mẹ cho rằng, mẹ chỉ nộp đơn cho có vẻ ta đây tiến bộ chứ có con mọn thì đi làm sao được... Còn mẹ nghĩ khác, mẹ muốn được cống hiến khi mẹ còn trẻ..."
Và rồi, người mẹ trẻ đã quyết định. Bà gửi lại đứa con bé bỏng cho ông bà ngoại chăm sóc, khoác ba lô lên đường, gia nhập Đại đội 812, thuộc Đội Thanh niên xung phong (TNXP) Thủ đô N43. Nhiệm vụ của bà và đồng đội là mở đường, đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoạ/
Ngày 13 tháng 7 năm 1965, bà Vinh cùng các thanh niên Thủ đô tập trung tại sân Nhà văn hóa Thiếu nhi (nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội) để nghe phổ biến nhiệm vụ. Bà được phân công làm Trưởng A6 (tiểu đội trưởng). Sau buổi tập trung, mọi người được về nhà chuẩn bị tư trang, quân dụng. Ngày 17 tháng 7, cả đơn vị tập kết tại khu vực Nhà hát Nhân dân (nay là Nhà hát Lớn Hà Nội) chuẩn bị lên đường.
"Mấy anh em trong đơn vị biết hoàn cảnh của tôi, đã về báo mẹ tôi: 'Bà ơi bà bế cháu ra tiễn chị Vinh ở Nhà hát Nhân dân'. Mẹ tôi bế cháu đi xích lô ra. Bốn giờ chiều, chuẩn bị lên tàu. Tôi làm A trưởng nên đứng ở hàng đầu. Thấy mẹ bế cháu, tôi chạy vội lại ôm con vào lòng. Đúng lúc đó, Đại đội trưởng hô 'Nghiêm!', tiếng hô to làm cháu giật mình khóc thét lên. Tôi ôm chặt con, lòng đau như cắt. Khoảnh khắc ấy mãi mãi ở trong tâm trí tôi, lần nào nhớ lại, tôi cũng thương con”, bà Vinh xúc động nhớ lại.
Đoàn quân hành quân ra ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội). Chiếc ba lô nặng trĩu được đồng đội xách giúp để bà có thêm vài phút quý giá được bế con Tàu từ từ chuyển bánh, qua ô cửa kính, bà nhìn thấy dáng mẹ già và đứa con thơ đứng dưới sân ga, tay vẫn vẫy theo. Nước mắt người mẹ trẻ chan hòa, nhưng nỗi niềm riêng đành gác lại vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
"Sức phi thường" đến từ lòng yêu nước
Vào đến Thanh Chương, Nghệ An, nhiệm vụ của bà và các đồng đội là mở đường 15a từ Thanh Chương đến Hà Tĩnh. Cuộc sống nơi tuyến lửa Trường Sơn là những chuỗi ngày đối mặt với gian khổ và hiểm nguy.
"Bom đạn ác liệt lắm. Từ Quảng Bình ra đến Nghệ Tĩnh, máy bay địch quần thảo suốt ngày đêm, thả pháo sáng rực trời. Lực lượng TNXP chủ yếu làm việc vào ban đêm để tránh sự phát hiện của địch. Ca làm việc thường bắt đầu từ 5 giờ chiều và kéo dài đến 2-3 giờ sáng hôm sau.
Nguoi me Ha Noi gui con tho “xe doc Truong Son” cuu nuoc-Hinh-3
 Bộ đội "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Ảnh tư liệu.
Công việc chủ yếu là san lấp hố bom, mở rộng nền đường, đảm bảo cho những chuyến xe chở hàng, chở quân chi viện cho miền Nam được thông suốt. Khi máy bay địch bay đến, thả pháo sáng, cả công trường phải tạm dừng công việc, ẩn mình chờ đợi. "Nếu nó chỉ bay qua thì tranh thủ làm tiếp, nhưng nếu nó bắn rốc-két thì tất cả phải nhanh chóng chui vào hầm trú ẩn," bà nhớ lại.
Tử thần luôn rình rập, mọi người đều xác định có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Bà Vinh không thể quên ký ức đau thương về sự hy sinh của nữ đồng đội thân thiết với bà. Hôm đó, đơn vị đang làm đường tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh thì máy bay địch ập tới. Người đồng đội tên Sinh làm nhiệm vụ gác phòng không trên một điểm cao, có trách nhiệm đánh kẻng báo động khi phát hiện máy bay. Nghe tiếng kẻng, mọi người vội vã tìm chỗ ẩn nấp trong hầm. Máy bay địch bắn một loạt rốc-két rồi bay đi. Khi mọi người chạy ra khỏi nơi trú ẩn, một đồng chí liên lạc hớt hải chạy về báo tin: 'Chị Vinh ơi, chị Sinh hy sinh rồi!'".
Bà Vinh vội chạy từ vị trí của A6 xuống nơi người đồng đội làm nhiệm vụ, cách đó khoảng nửa cây số. "Tôi chạy đến nơi, thấy Sinh đang gục xuống. Tôi vội đỡ Sinh, ngửa đầu Sinh vào lòng mình, gọi 'Sinh ơi! Sinh ơi!'. Nhưng Sinh không nói gì nữa, lịm đi. Chị ấy bị một mảnh rốc-két găm vào đầu và hy sinh trên tay tôi.
Thi thể người đồng đội được đưa về nhà xác tạm thời của đơn vị – một cái lều dựng sơ sài. Từ khoảng 3 giờ chiều hôm đó cho đến 5 giờ chiều, khi các thủ tục hoàn tất và đồng đội được đưa đi mai táng, chỉ có một mình tôi ngồi bên thi thể người bạn chiến đấu. Nỗi đau mất mát át đi tất cả sợ hãi”, bà Vinh xúc động.
Dù gian khổ, hiểm nguy, nhưng tinh thần của những chàng trai, cô gái TNXP Thủ đô vẫn luôn lạc quan, sôi nổi. "Lúc đó không sợ chết đâu, bởi lòng yêu nước hừng hực, khí thế lắm, đúng như trong bài hát “Cô gái mở đường”. “Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường”, chính lòng yêu nước đã làm nên sức mạnh phi thường của chúng tôi”, bà Vinh bồi hồi.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với người chồng và nỗi đau chia xa vĩnh viễn
Khi bà Vinh lên đường nhập ngũ, chồng bà – anh Khải, một sĩ quan quân đội (Tham mưu trưởng tiểu đoàn) – cũng đang chiến đấu ở mặt trận phía Nam, đóng quân tại Vĩnh Linh, Quảng Trị. Chiến tranh khiến hai vợ chồng xa cách biền biệt. Tổng cộng thời gian họ được ở gần nhau từ khi cưới (năm 1961) đến khi anh hy sinh chỉ vỏn vẹn chừng hai tháng.
Nguoi me Ha Noi gui con tho “xe doc Truong Son” cuu nuoc-Hinh-4
 Đoàn xe vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. (Ảnh tư liệu)
Một kỷ niệm khiến bà vừa hạnh phúc, vừa có phần day dứti khi nhớ lại, đó là năm 1965, khi bà vào đến Nghệ An, thì chồng bà lại được trở ra Bắc. Trước khi đi B vào Nam chiến đấu, anh được đơn vị cho về thăm gia đình 10 ngày. Không gặp được vợ ở Hà Nội, khi tới Nghệ An, anh đã hỏi thăm và gặp được vợ.
Cuộc hội ngộ diễn ra trong sự quan tâm đặc biệt của đồng đội. "Nhà dân nơi đơn vị đóng quân có tục lệ kiêng chuyện vợ chồng gặp nhau trong nhà họ. Biết vậy, đơn vị đã dọn dẹp một cái kho để làm 'phòng hạnh phúc' cho chúng tôi. Được ở bên nhau hai tối," bà Vinh mỉm cười, nụ cười có cả hạnh phúc lẫn sự ngậm ngùi.
Trong hai ngày ngắn ngủi ấy, anh Khải không ngừng động viên vợ, hỏi han về quyết định đi TNXP của bà. "Anh hỏi tôi: “Vì sao em lại quyết đi như vậy?”, tôi trả lời: “Chúng em hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng, đi 3 năm rồi về”. Anh nghe xong bảo: "3 năm thế nào được, có thể là 5 năm, 10 năm, hoặc còn lâu hơn nữa...”. Anh không phản đối mà dặn dò tôi phải cố gắng giữ gìn sức khỏe.
Hai ngày hạnh phúc vụt qua, chồng bà trở về đơn vị rồi lên đường vào chiến trường B. Từ đó, họ chỉ còn biết tin nhau qua những cánh thư đi về giữa hai miền Nam - Bắc, những lá thư thường mất cả tháng trời mới tới nơi, và trên địa chỉ người gửi, người nhận thường không có tên đơn vị, địa phương cụ thể vì lý do bí mật quân sự. Và bà không thể ngờ, đó là lần gặp gỡ cuối cùng của hai người. 
Từ năm 1968, bà không còn nhận được tin chồng nữa, do chồng đã hy sinh. Nhưng vì không được biết, bà cứ nghĩ chồng đi làm nhiệm vụ bí mật nào đó, không viết thư về cho vợ được. Năm 1971, gia đình ở Hà Nội đã biết tin dữ qua thông báo của phường.
Chính quyền địa phương gặp bố mẹ đẻ bà Vinh, ngỏ ý muốn tổ chức lễ truy điệu cho chồng bà. Nhưng thương con gái đang đau ốm, lại sợ bà không chịu nổi cú sốc, gia đình đã xin hoãn lại, cố gắng giấu tin buồn.
“Đến năm 1972, tôi bắt đầu cảm thấy có điều gì đó bất thường. Người trong nhà cứ thăm dò: 'Lâu rồi chị có nhận được thư của anh không?. Rồi họ lại hỏi: 'Nếu chẳng may anh ấy hy sinh thì chị nghĩ thế nào?”. Nghe đến đó, tự dưng tôi bật khóc”, bà nhớ lại.
Lúc đó, bà đang công tác tại Thành đoàn Hà Nội sau khi hoàn thành nhiệm vụ TNXP. Đến cơ quan, bà không giấu được nước mắt. Đồng nghiệp động viên, tìm đến bố mẹ bà thăm hỏi. Gia đình đành phải nói thật với cơ quan, nhưng vẫn giấu bà. Phải đến khi nhà chồng ở Sơn Tây cho người ra Hà Nội mời bà về "nhân ngày giỗ cụ", bà mới biết được sự thật.
"Dù đã phấp phỏng linh cảm điều chẳng lành, nhưng lúc biết tin anh ấy hy sinh thật rồi, tôi sốc lắm. Ngồi trên ô tô từ Sơn Tây về Hà Nội, nước mắt tuôn rơi nhưng chỉ dám khóc thầm. Về đến nhà, hai mẹ con cứ ôm nhau khóc suốt đêm”, bà Vinh nghẹn ngào.
Ngày chiến thắng và còn mãi niềm tự hào
Cuộc kháng chiến trường kỳ rồi cũng đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi đang làm việc tại cơ quan, bà Vinh cùng đồng nghiệp hồi hộp chờ đợi tin tức từ chiến trường miền Nam. "Cứ chờ từ lúc 9 giờ sáng, đến trưa, khi biết tin giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả đơn vị vỡ òa trong sung sướng, mọi người ôm nhau, reo hò, vỗ tay không ngớt. Chúng tôi còn chuẩn bị sẵn một bánh pháo để đốt, mừng vui, sung sướng lắm!", bà Vinh xúc động kể lại khoảnh khắc lịch sử.
Ngày đất nước thống nhất cũng là ngày những hy sinh, mất mát của bà và biết bao đồng đội được đền đáp xứng đáng. Dù chồng bà đã không thể trở về trong ngày vui đại thắng, nhưng sự hy sinh của anh và bao liệt sĩ khác đã góp phần làm nên hòa bình, độc lập cho dân tộc.
Nhìn lại những năm tháng đã qua, bà Hoàng Thị Kim Vinh không khỏi xúc động. Ba năm ở Trường Sơn tuy ngắn ngủi so với chiều dài cuộc chiến, nhưng đó là những năm tháng đẹp nhất, ý nghĩa nhất của tuổi thanh xuân. Bà đã sống và cống hiến hết mình, không hề nuối tiếc.
"Tôi cảm thấy tự hào vì mình đã đóng góp một phần nhỏ bé vào cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc", bà chia sẻ với ánh mắt lấp lánh niềm tự hào. 
Năm 1967, trong chuyến về phép duy nhất suốt 3 năm ở Trường Sơn, bà đã có kỷ niệm chụp ảnh cùng con trai tại hiệu ảnh Quốc tế, Hàng Khay. Bức ảnh người mẹ TNXP cười rạng rỡ bên cậu con trai nhỏ sau này trở thành kỷ vật quý giá, được bà trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng cuốn nhật ký năm 2007.
Khi cả nước đang hân hoan hướng về mốc son 50 năm thống nhất, câu chuyện đầy xúc động của bà Hoàng Thị Kim Vinh càng nhắc chúng ta về cái giá của hòa bình, về những hy sinh không thể nào đong đếm của cả một thế hệ vàng. Xin kính cẩn nghiêng mình trước bà, trước những người mẹ, người vợ, người chiến sĩ đã viết nên trang sử hào hùng của dân tộc bằng chính tuổi xuân, tình yêu và cả máu xương của mình.
Câu chuyện của bà Sinh, câu chuyện về người mẹ Thủ đô tạm gác tình riêng, gửi lại con thơ để lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng, sẽ mãi là khúc tráng ca hào hùng, là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ mai sau, nhắc chúng ta về cái giá của hòa bình, về những hy sinh không thể nào đong đếm được của một “thế hệ vàng”.
Bằng tuổi xuân, tình yêu và cả máu xương của mình, những con người bình dị ấy đã góp phần dệt nên trang sử vàng chói lọi của dân tộc trong ngày 30 tháng 4 lịch sử. Từ đây thống nhất đất nước, non sông liền một dải.
Mời quý độc giả xem video cựu TNXP Hoàng Thị Kim Vinh chia sẻ hồi ức hạnh phúc khi nhận tin giải phóng miền Nam. Thực hiện: Mai Loan.

Mai Loan