Tướng Thệ và hồi ức lịch sử tại Dinh Độc Lập ngày 30/4

Google News

“Các ông đã thua. Các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả!”, Trung tướng Phạm Xuân Thệ hồi tưởng lại thời khắc lịch sử 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.

Trưa ngày 30/4/1975 lịch sử, cả Sài Gòn rung chuyển trong tiếng reo hò chiến thắng. Giữa thời khắc thiêng liêng ấy, tại Dinh Độc Lập, Đại úy Phạm Xuân Thệ (nay là Trung tướng), Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, đã trực tiếp chỉ huy mũi nhọn đánh chiếm dinh lũy cuối cùng của địch, bắt giữ nội các chính quyền Sài Gòn và buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Gần 50 năm trôi qua, ký ức về những giờ phút hào hùng, quyết đoán và đầy kịch tính ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí vị Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Thệ.
Tuong The va hoi uc lich su tai Dinh Doc Lap ngay 30/4
 Đại úy Phạm Xuân Thệ (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội bắt và đưa Tổng thống Dương Văn Minh từ dinh Độc Lập ra Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu.
"Không bàn giao gì cả!": Lời khẳng định chiến thắng ở Dinh Độc Lập.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi được Ban Chỉ huy Trung đoàn bộ binh 66 giao nhiệm vụ cùng một số sĩ quan trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 7. Đây là lực lượng đi đầu, cùng xe tăng của Binh đoàn thọc sâu Quân đoàn 2 tiến công vào nội đô Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Tiểu đoàn 8 được giao đánh chiếm Đài Phát thanh, còn Tiểu đoàn 9 đánh chiếm Bộ Tư lệnh Hải quân và cảng Ba Son.
Ngày 30/4/1975, trời vừa tảng sáng, sau khi đánh chiếm cầu Sài Gòn, đơn vị chúng tôi tiến đến cầu Thị Nghè. Tại đây, địch tiếp tục chống cự. Chúng tôi chiến đấu khoảng 15-20 phút, bắn cháy 3 xe thiết giáp của địch. Sau đó, nhờ sự dẫn đường của một người dân, chúng tôi theo đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn) tiến thẳng vào Dinh Độc Lập.
Tuong The va hoi uc lich su tai Dinh Doc Lap ngay 30/4-Hinh-2
 Trung tướng Phạm Xuân Thệ hồi tưởng lại ký ức với những khoảnh khắc lịch sử. Ảnh: Mai Loan.
Cách Dinh Độc Lập khoảng 100 mét, tôi thấy chiếc xe tăng đi đầu của ta chạm vào cánh cổng chính rồi khựng lại. Chiếc thứ hai vòng sang bên phải, húc tung cánh cổng phụ và tiến vào bên trong. Lúc này, chiếc xe Jeep chở ban chỉ huy nhẹ của tôi, trong đó có đồng chí Nguyễn Khắc Nhu và một số đồng chí vệ binh, chiến sĩ truyền đạt và thông tin, cũng lao vào sân Dinh.
Vào đến sảnh, chúng tôi dừng xe và bước xuống. Mục đích ban đầu là tìm đường lên nóc Dinh cắm lá cờ Giải phóng mang theo. Khi chúng tôi hỏi đường, nhiều người có mặt tại sảnh (sau này biết là nhân viên và quan chức của chính quyền Sài Gòn) chỉ dẫn rằng có thể lên bằng cầu thang bên trái hoặc bên phải đều được.
Lên hết chiếu nghỉ thứ nhất của cầu thang, một người đàn ông to cao chặn chúng tôi lại. Ông ta giới thiệu: “Tôi là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các đang ở trong phòng họp”. Lúc này, chúng tôi mới biết toàn bộ chính quyền Dương Văn Minh vẫn còn ở trong Dinh.
Chúng tôi theo Chuẩn tướng Hữu Hạnh đi tiếp lên sảnh tầng hai. Ông dẫn chúng tôi đến trước một căn phòng lớn. Nhìn qua cửa kính, thấy bên trong rất đông người. Khi thấy chúng tôi với súng trên tay tiến đến cửa, một số người trong phòng vội dời ghế ra xa. Ông Hạnh chỉ vào người đàn ông to cao nhất và giới thiệu: “Đây là Tổng thống Dương Văn Minh”. Ông chỉ tiếp vào một số người mặc com-lê: “Đây là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và các thành viên nội các”.
Tuong The va hoi uc lich su tai Dinh Doc Lap ngay 30/4-Hinh-3
 Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 gặp chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng thống Dương Văn Minh tại tầng 1 của Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu: QĐND.
Sau khi ông Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu xong, Tổng thống Dương Văn Minh nói: “Chúng tôi đã biết quân Giải phóng tiến công vào nội đô, đang chờ các ông đến để bàn giao”.
Tôi đáp ngay: “Các ông đã bị bắt làm tù binh. Các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả!”. Sau đó, chúng tôi kiên quyết yêu cầu Tổng thống Dương Văn Minh phải ra Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng.
Lúc này, bên ngoài Dinh, tiếng súng vẫn nổ ran. Xe tăng và bộ đội ta từ các hướng tiến vào nội đô rất đông. Chúng tôi biết các cánh quân của ta đã làm chủ tình hình. Tuy nhiên, Tổng thống Dương Văn Minh tỏ ra chần chừ, lấy lý do súng nổ nguy hiểm, xin được tuyên bố đầu hàng tại chỗ thay vì ra đài phát thanh.
Tôi khẳng định: “Chúng tôi đã làm chủ thành phố Sài Gòn, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các ông”. Sau khoảng 15-20 phút giằng co, chúng tôi kiên quyết đưa ông Minh và ông Mẫu rời phòng họp, ra xe để đến Đài Phát thanh.
“Chúng tôi biết thế nào cũng thất bại”
Khi xuống sân, Tổng thống Dương Văn Minh chỉ vào chiếc xe limousine của ông ta và mời tôi lên xe. Tôi nói: “Tôi có xe đưa ông đi rồi”. Sau đó, tôi đưa Tổng thống Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu lên chiếc xe Jeep của mình, cùng với bộ phận chỉ huy nhẹ của Trung đoàn. Đồng chí Phùng Bá Đam (Trợ lý cán bộ Trung đoàn) lên một chiếc xe vận tải chở bộ đội Tiểu đoàn 7 đi cùng để hộ tống.
Tuong The va hoi uc lich su tai Dinh Doc Lap ngay 30/4-Hinh-4
 Tổng thống Dương Văn Minh chuẩn bị ghi âm tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Trong ảnh: Trung úy Phùng Bá Đam đứng thứ 6 từ trái qua. Ảnh: Tư liệu/ QĐND.
Ra khỏi cổng Dinh, đường Thống Nhất đã đông nghịt bộ đội, xe tăng của ta và người dân đổ ra chào đón. Tôi hỏi Tổng thống Dương Văn Minh: “Ông thấy sức mạnh của quân Giải phóng thế nào?”. Ông ta trả lời: “Khi quân Giải phóng tiến vào nội đô, chúng tôi biết thế nào cũng thất bại”. Tôi hỏi tiếp: “Biết thất bại sao không tuyên bố đầu hàng sớm mà để chúng tôi phải bắt?”. Tổng thống Dương Văn Minh thú thật: “Nếu tôi tuyên bố đầu hàng trước khi các ông vào tới nơi, cấp dưới của tôi còn nhiều người không đồng tình, họ có thể khử tôi mất”.
Chính Tổng thống Dương Văn Minh đã chỉ đường cho chúng tôi đến Đài Phát thanh. Rất may mắn, khi chúng tôi đến nơi, Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 66 do Tiểu đoàn trưởng Trương Quang Triều và Chính trị viên Hoàng Trọng Tình (sau này là Phó Chính ủy Quân khu 4) chỉ huy đã đánh chiếm thành công Đài Phát thanh. Các đồng chí báo cáo tình hình: “Đã chiếm được đài, nhưng nhân viên kỹ thuật bỏ chạy hết rồi”.
Tôi thông báo đã đưa Tổng thống Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu đến để tuyên bố đầu hàng và yêu cầu dẫn lên phòng thu. Lên tầng hai, chúng tôi vào phòng thu âm. Tại đây, tôi, với vai trò là chỉ huy cao nhất lúc đó, đã trực tiếp chắp bút soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh, cùng với các đồng chí trợ lý của Trung đoàn 66 cũng vừa tới nơi.
Khi đang soạn thảo, một người to cao đến hỏi tôi là ai. Sau khi nghe tôi trả lời, người đó giới thiệu: “Tôi là Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203”. Từ đó, chúng tôi cùng nhau hoàn thiện bản thảo.
Soạn xong, chúng tôi đưa cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc. Nhưng ông ta nói không đọc được. Chúng tôi đành đọc cho Tổng thống Dương Văn Minh chép lại. Viết xong, đến phần ghi âm thì gặp trục trặc. Chiếc máy ghi âm cassette hai cửa băng của đơn vị cứ bấm ghi là băng lại bị rối.
Đang lúc loay hoay, một nhà báo nước ngoài (sau này tôi biết là phóng viên Tây Đức tên Börries Gallasch) mang chiếc máy ghi âm chuyên dụng của ông ấy đến đề nghị giúp đỡ. Chúng tôi đã dùng máy của ông để thu lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Sau khi nghe lại, kiểm tra thấy đạt yêu cầu, chúng tôi chuẩn bị cho phát sóng.
Cùng lúc đó, nhà báo Kỳ Nhân của hãng tin AP đã chỉ dẫn nơi ở của các nhân viên kỹ thuật Đài Phát thanh. Chúng tôi cử người đi mời họ về vận hành máy móc. Lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh vang lên trên sóng phát thanh. Ngay sau đó, đồng chí Bùi Văn Tùng thay mặt Quân Giải phóng đọc lời chấp nhận đầu hàng trực tiếp qua micro, không qua ghi âm. Lúc đó khoảng 13 giờ 30 phút, ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Lòng trĩu nặng khi nghĩ tới các đồng đội hy sinh
Sau khi hoàn tất việc tuyên bố đầu hàng, tôi lại đưa Tổng thống Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu trở về Dinh Độc Lập trên chiếc xe Jeep, bàn giao lại cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 và Ban Chỉ huy Sư đoàn 304 lúc này cũng đã có mặt tại Dinh cùng các lực lượng khác của ta.
Tuong The va hoi uc lich su tai Dinh Doc Lap ngay 30/4-Hinh-5
 Nhân dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng chiếm phủ tổng thống ngụy, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát).
Lúc ở Đài Phát thanh, nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi và các đồng đội vỡ òa sung sướng. Nghĩ đến việc từ nay đất nước hoàn toàn giải phóng, được về với bố mẹ, gia đình sau nhiều năm không tin tức, thư từ… Cảm giác hạnh phúc đó không dễ gì tả được.
Nhưng tâm trạng lúc bấy giờ của tôi vừa mừng vừa lo. Mừng, là niềm kiêu hãnh của người chiến thắng. Tôi không ngờ mình là một trong hàng triệu con người đi qua cuộc chiến này lại có may mắn được chứng kiến thời khắc cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Nhưng lo là vì không biết tự mình quyết định việc Dương Văn Minh phải ra Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng đúng hay sai. Sau đó, đồng chí Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn 2 đã khen ngợi chúng tôi vì xử lý kịp thời và đúng đắn nên mới hết lo.
Khi chúng tôi đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu từ Đài Phát thanh quay trở về Dinh Độc Lập, khung cảnh đường phố Sài Gòn đã hoàn toàn khác. Nếu như lúc tiến vào dinh, đường sá còn vắng vẻ do người dân ẩn trong nhà khi các cánh quân của ta đang đánh chiếm các mục tiêu, thì giờ đây, dòng người và bộ đội đã tràn ngập các ngả đường. Không khí tưng bừng, phấn khởi. Nhiều người dân reo hò, thậm chí trèo lên cả xe tăng của bộ đội ta để trò chuyện, chia vui trong niềm hạnh phúc vỡ òa.
Bản thân tôi lúc đó cũng cảm thấy lâng lâng một niềm hạnh phúc khó tả. Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà cấp trên giao phó - bắt giữ toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc họ phải tuyên bố đầu hàng - đã hoàn thành.
Tuong The va hoi uc lich su tai Dinh Doc Lap ngay 30/4-Hinh-6
Trung tướng Phạm Xuân Thệ bồi hồi lật giở lại những bức ảnh với những thời khắc không thể quên.
Tuy nhiên, khi bước xuống xe tại Dinh Độc Lập, niềm vui chiến thắng ấy lại xen lẫn một nỗi buồn sâu sắc. Vui vì mình đã góp phần làm nên giờ phút lịch sử, nhưng lòng lại trĩu nặng khi nghĩ về những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống chỉ vài giờ trước thời khắc thiêng liêng này. Ngay tại cầu Sài Gòn, nơi địch chống cự quyết liệt, đồng chí Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn xe tăng (thuộc Lữ đoàn 203) Ngô Văn Nhỡ đã anh dũng hy sinh trên tháp pháo. Khoảng 20 chiến sĩ của Tiểu đoàn 7 chúng tôi cũng đã nằm lại nơi cửa ngõ thành phố.
Lòng tôi quặn thắt vì xúc động và tiếc thương. Những người đồng đội vừa sát cánh chiến đấu cùng mình cách đây ít giờ đã không thể chứng kiến giây phút đất nước hoàn toàn thống nhất, không được hưởng niềm vui độc lập mà chính họ đã đổ máu để giành lấy.
Bài viết ghi theo lời kể của Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Thệ.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ sinh năm 1947, ở xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Cả cuộc đời mình, ông có nhiều đóng góp cho quân đội, sự nghiệp đấu tranh và giải phóng đất nước. Với những cống hiến to lớn cho đất nước, Trung tướng Phạm Xuân Thệ vinh dự nhận nhiều huân, huy chương, bằng khen của Đảng và Nhà nước, tiêu biểu như: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Hai, Huân chương chiến công Hạng Nhất, hạng Hai, Huân chương chiến công giải phóng…

Mai Loan