Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines - PCG (hay theo cách gọi của Việt Nam là Cảnh sát biển Philippines) được thành lập ngày 7/10/1901, trực thuộc quyền quản lý của Bộ Giao thông Vận tải và là lực lượng chấp pháp trên biển duy nhất hiện nay của Philippines. Trụ sở chỉ huy của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đóng tại Thủ đô Manila.
|
Tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Ảnh: Rappler |
PCG được tổ chức thành các cơ quan gồm: Bộ tư lệnh chấp pháp và bảo vệ bờ biển; Bộ tư lệnh bảo vệ môi trường biển; Bộ tư lệnh phục vụ an toàn hàng hải và Bộ tư lệnh huấn luyện, giáo dục.
Theo chức năng nhiệm vụ, 3 Bộ tư lệnh thuộc lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines chịu trách nhiệm quản lý 12 vùng biển, 54 trạm bảo vệ bờ biển và gần 200 phân đội chấp pháp với đường bờ biển dài khoảng 18.533km.
Nhiệm vụ chính của PCG gồm: Bảo vệ môi trường biển, chấp pháp trên biển trong đó chủ yếu là chống cướp biển, buôn lậu, đánh bắt cá trái phép, buôn người và một số hành vi vi phạm pháp luật khác; Quản lý an ninh trên biển; Duy trì trật tự giao thông, lợi ích biển; Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Trong khi thực hiện các nhiệm vụ này, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines thường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thuộc các cơ quan chức năng khác của Philippines, qua đó nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực chấp pháp trên biển của mình.
|
Hoạt động tuần tra chống cướp biển. Ảnh: PhilippineCoastGuard |
Trang bị chủ yếu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines
- Tàu tuần tra
+ 4 tàu lớp San Juan. Các tàu này chính thức đi vào hoạt động năm 2000 - 2003 có số hiệu lần lượt từ 001 đến 004.
Tàu tuần tra lớp San Juan có chiều dài 56m, rộng 10,5m, mớn nước 3m, lượng giãn nước toàn tải 508 tấn, sử dụng 2 động cơ dầu loại 3612, với tổng công suất 3,53kw, tốc độ 24,5 hải lý/giờ, khả năng hành trình liên tục 3.000 hải lý với tốc độ 15 hải lý/giờ, biên chế 38 người. Vũ khí trang bị chủ yếu gồm: 1 hệ thống rađa dẫn đường vệ tinh, 1 sàn đỗ trực thăng.
+ 4 tàu lớp Ilocos Norte, số hiệu lần lượt từ 3501 đến 3504. Các tàu này có chiều dài 35m, rộng 7,3m, mớn nước 2,3m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 117 tấn, sử dụng 2 động cơ dầu và 1 tubin khí, tốc độ 23 hải lý/giờ, khả năng hành trình liên tục 2.000 hải lý với tốc độ 12 hải lý/giờ, biên chế 11 người. Vũ khí trang bị chủ yếu gồm: 2 pháo 30mm, 2 súng máy phòng không 12,7mm, 1 hệ thống rađa dẫn đường vệ tinh.
+ 4 tàu lớp PGM-39 số hiệu PG-61, PG-62, PG-63 và PG-64. Tàu có chiều dài 30,6m, rộng 5,7m, mớn nước 2,1m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 126 tấn, sử dụng 2 động cơ dầu MTU MB 12V 493 TY57 với tổng công suất 1,6kw, tốc độ 17 hải lý/giờ, khả năng hành trình liên tục 1.400 hải lý với tốc độ 11 hải lý/giờ, biên chế 30 người. Vũ khí trang bị chủ yếu gồm: 2 pháo 20mm, 2 súng máy phòng không 12,7mm, 1 súng cối 81mm, 1 hệ thống rađa đối hải Alpelco DFR-12.
|
Tàu tuần tra lớp San Juan. Ảnh: PhilippineCoastGuard |
+ 10 tàu lớp PCF 46, tốc độ 25 hải lý/giờ, trang bị 1 súng máy phòng không 12,7mm, 1 súng máy 7,62mm, lượng giãn nước toàn tải 21 tấn.
+ 2 tàu lớp Bessang Pass, số hiệu AU-100 và AU-75. Tàu có chiều dài 44m, rộng 7,4m, mớn nước 1,5m, lượng giãn nước toàn tải 283 tấn, sử dụng 2 động cơ dầu MTU 12V 538 TB82 với tổng công suất 2,98kw, tốc độ 27,5 hải lý/giờ, khả năng hành trình liên tục 2.300 hải lý với tốc độ 14 hải lý/giờ, biên chế 32 người, trang bị 2 súng máy phòng không 12,7mm.
+ 2 tàu lớp Bojiadeqia, số hiệu lần lượt là AE-46 và AE-79. Tàu có chiều dài 54,9m, rộng 9,8m, mớn nước 3m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 478 tấn, sử dụng 2 động cơ dầu GM 6-278A với tổng công suất 0,84kw, tốc độ 10 hải lý/giờ, khả năng hành trình liên tục 4.150 hải lý với tốc độ 10 hải lý/giơ, biên chế 50 người. Vũ khí trang bị chủ yếu gồm: 1 súng máy phòng không 12,7mm, 1 rađa dẫn đường vệ tinh sóng ngắn kiểu RCA CRMN 1A-75.
+ 1 tàu Kalinga số hiệu AG 89, có chiều dài 54,8m, rộng 11,3m, mớn nước 4m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 965 tấn, lượng giãn nước toàn tải 1.058 tấn, sử dụng động cơ điện, tốc độ 12 hải lý/giờ, khả năng hành trình liên tục 3.500 hải lý với tốc độ 7 hải lý/giơ, biên chế 53 người. Vũ khí trang bị chủ yếu gồm: 2 súng máy phòng không 12,7mm, 1 rađa dẫn đường vệ tinh Sperry AN/SPS-53, đuôi tàu có 1 sàn đỗ trực thăng.
|
Máy bay trực thăng tuần tra. Ảnh: Zetaboards |
Ngoài ra, lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines còn được biên chế một số tàu tuần tra cỡ nhỏ khác gồm: 11 tàu lớp PBR; 3 tàu lớp Dehaweilan; 12 tàu lớp PCF 50; 10 tàu lớp PCF 65.
- Máy bay chấp pháp
Hiện nay, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines mới được biên chế 2 máy bay cánh cố định, một trực thăng (MBB) BO 105. Trong thời gian tới, Philippines dự định sẽ mua thêm 40 tàu tuần tra đệm khí, 300 tàu cao tốc, 2 máy bay trực thăng hạng trung và 2 máy bay tuần tra C-23C nhằm nâng cao hơn nữa năng lực chấp pháp trên biển cho lực lượng này.
Lam Ngọc