Ấn Độ – Pakistan: Không chiến công nghệ Mỹ trên bầu trời Nam Á 07:28 13/05/2025 Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan lại bùng lên sau vụ tấn công khủng bố khiến hơn hai chục người thiệt mạng, bao gồm cả du khách, ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào ngày 22/4. Dù chưa leo thang thành chiến tranh toàn diện như các cuộc xung đột năm 1965 hay 1971, tình hình hiện tại lại khiến người ta liên tưởng đến cuộc chiến Kargil năm 1999 – giới hạn về quy mô nhưng không kém phần nguy hiểm. Pakistan tuyên bố đã bắn rơi 5 tiêm kích của Ấn Độ, song những thông tin này chưa được xác minh độc lập và phía Islamabad cũng không đưa ra chi tiết cụ thể nào. Cho đến nay, vẫn chưa có báo cáo chính thức nào về giao tranh trực tiếp giữa máy bay hai nước. Lần không chiến quy mô gần nhất giữa hai bên là vào năm 1971, khi cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chiến thắng. Lực lượng không quân Pakistan hiện sở hữu một trong những chiến đấu cơ nổi tiếng nhất thế giới: F-16 Fighting Falcon (hay còn gọi là “Viper”). Trong giai đoạn 1982–1986, Mỹ đã bán cho Pakistan tổng cộng 40 chiếc F-16A/B thông qua chương trình Peace Gate, với sự hỗ trợ tài chính từ Ả Rập Xê Út. Hiện nay, lực lượng F-16 của Pakistan gồm: 31 chiếc F-16AM Block 15; 23 chiếc F-16BM Block 15; 12 chiếc F-16C Block 52+; 9 chiếc F-16A Block 16; 6 chiếc F-16D Block 52+; 4 chiếc F-16B Block 15. F-16 từng là biểu tượng cho mối quan hệ Mỹ - Pakistan trong thời kỳ Liên Xô can thiệp vào Afghanistan. Tuy nhiên, sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ giữa hai bên dần xấu đi, đặc biệt khi Mỹ nghi ngờ cơ quan tình báo ISI của Pakistan có liên hệ với Taliban và các nhóm khủng bố khác. Việc Mỹ ngừng bán F-16 khiến Pakistan phải chuyển sang hợp tác với Trung Quốc để phát triển tiêm kích JF-17 Thunder. Ấn Độ từng là thành viên của Phong trào Không liên kết, nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào vũ khí Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là các mẫu MiG-21 và MiG-29. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Ấn đã cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, trong bối cảnh hai bên cùng lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc. TIN TÀI TRỢ Chiến đấu cơ nội địa HAL Tejas, mặc dù do Ấn Độ sản xuất, nhưng lại sử dụng động cơ phản lực của Mỹ là General Electric. Tejas Mark 1 và Mark 1A hiện dùng động cơ F404-GE-F2J3, trong khi biến thể Mark 2 tương lai sẽ sử dụng F414 INS6 – cùng loại với F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ. Dù F-16 ra đời từ năm 1976, sớm hơn Tejas đến 25 năm, nhưng phiên bản hiện tại của nó đã được nâng cấp đáng kể. F-16 có lợi thế về tốc độ, tầm bay và trần bay. Quan trọng hơn, nó là một trong những máy bay chiến đấu “đáng gờm” nhất thế giới với tỉ lệ hạ gục trên không lên tới 76:1. Tejas hiện vẫn còn non trẻ về kinh nghiệm chiến đấu. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định tiềm năng của Tejas sẽ tăng mạnh nhờ các cải tiến liên tục về radar, vũ khí và động cơ. Trong tương lai gần, Tejas hoàn toàn có thể trở thành đối thủ ngang tầm – hoặc thậm chí vượt trội – nếu được phát triển đúng hướng. Dù vậy, thắng bại cuối cùng sẽ không chỉ phụ thuộc vào máy bay, mà còn ở bản lĩnh và kỹ năng của phi công hai nước. (Nguồn ảnh: Wikipedia, Getty Images, Reuters) Dương Ngân TIN TÀI TRỢ Quân Sự Mỹ TIN TÀI TRỢ