Tại sao Quân đội Ukraine lại chọn Kherson mở cuộc phản công?
Do tuyến đường sắt ở khu vực Donbass dày đặc, nên Quân đội Nga được cung cấp đầy đủ hậu cần. Còn ở Kherson thiếu hệ thống đường sắt và không quân Nga về cơ bản không tiến vào miền trung Ukraine.
Việc Quân đội Ukraine tập kết quân là tương đối an toàn, còn công tác hậu cần của Quân đội Nga tương đối khó khăn.
Đồng thời, số lượng quân Nga ở Kherson tương đối nhỏ. Nếu ở mặt trận Donbas, quân Nga có 50-60 nhóm chiến đấu (1 nhóm chiến đấu tương đương hơn 1 tiểu đoàn tăng cường hoặc một lữ đoàn thiếu); tổng quân số tại Donbass khoảng 100.000 quân, trong đó chủ yếu là các lực lượng hỗ trợ và đơn vị bảo đảm hậu cần.
Theo thông tin được tờ Topwar đăng tải, tại Kherson, Quân đội Nga có 12 nhóm chiến đấu, lực lượng bảo đảm hậu cần chỉ có 20.000 người. Trên thực tế, với khả năng tấn công của Quân đội Ukraine, việc phát động một cuộc tấn công trên bộ để đánh bại 20.000 quân Nga đang trong tình trạng phòng ngự cũng rất khó khăn.
Do đó, chiến thuật được Quân đội Ukraine áp dụng là phá hủy tất cả các cây cầu phía sau thành phố Kherson, cắt đứt đường tiếp tế hậu cần của Quân đội Nga.
Cách đây ít ngày, truyền thông Ukraine cho biết, cầu Antonov trên sông Dnepr phía sau thành phố Kherson đã bị tên lửa HIMARS phá hủy, và hơn mười lỗ thủng lớn đã bị nổ tung trên cầu. Sau đó, có một cuộc tấn công khác trên cầu Novikahovka.
Bởi vì, Quân đội Nga cũng có thể tiến vào thành phố Kherson thông qua sông Ingulets, nên Quân đội Ukraine đã cho nổ một loạt các lỗ lớn trên mặt cầu bắc qua sông Ingulets. Các kỹ sư Nga có thể tiến hành sửa chữa khẩn cấp, nhưng họ không thể chịu được việc Quân đội Ukraine pháo kích cây cầu hai lần trong ba ngày.
Để đảm bảo sự hỗ trợ hậu cần cho hơn 10.000 quân Nga tại thành phố Kherson, Quân đội Nga một mặt bắt đầu bắc cầu phao quân sự, mặt khác bắt đầu thiết lập tàu tốc hành Dnepr và điều động một số phà và thuyền máy làm công tác vận tải.
Nhưng vấn đề của cầu phao là tải trọng nhỏ và có thể dễ dàng bị phá hủy bởi hỏa lực pháo binh. Phải mất hai, ba ngày để bắc một cây cầu phao dài khoảng một trăm mét, có thể chịu được sự qua lại của xe tăng, thiết giáp và pháo hạng nặng; nhưng để phá được một cây cầu phao như vậy, thì 10 quả đạn là đủ.
Còn vấn đề với phà và thuyền máy là chúng quá nhỏ để chở vũ khí hạng nặng và xe tải. Những chiếc phà và xuồng máy như vậy chỉ có thể chở người, hoặc lương thực.
Quân đội Nga cũng có những chiếc phà lớn, nhưng làm thế nào để vận chuyển những chiếc phà lớn từ Nga đến sông Dnepr ở khu vực Kherson bằng đường bộ, cũng là một vấn đề lớn.
Quan chức Ukraine: Không có lần cảnh báo thứ ba
Mikhailo Podoljak - cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, đã đăng trên Twitter vào ngày 27/7 rằng, quân Nga nên rời khỏi Kherson và lính Nga nên học cách bơi qua Dnepr; hoặc rời khỏi Kherson khi còn cơ hội. Có thể không có lần cảnh báo thứ ba...
Vậy Nga làm thế nào để hạn chế khả năng phản công của Quân đội Ukraine vào Kherson?
Trước hết Không quân Nga phải tấn công với tần suất cao, tiến hành trinh sát, giám sát liên tục trong mọi thời tiết và tổ chức các cuộc tấn công theo thời gian thực vào các mục tiêu của Quân đội Ukraine trong phạm vi 100 km;
Đồng thời tiến hành phá hủy đường tiếp tế hậu cần để làm suy yếu hiệu quả chiến đấu của Quân đội Ukraine.
Cùng với đó, các máy bay vận tải quân sự được sử dụng để thả đạn dược và tiếp liệu, đồng thời đưa lính dù để càn quét các khu vực xung quanh, tập trung tìm kiếm và tiêu diệt các đơn vị pháo binh cơ động của Ukraine.
Hiện một số cầu phao đã được bắc qua sông Dnepr và Nga cần triển khai các trận địa tên lửa phòng không gần cầu phao, để đánh chặn các tên lửa của Ukraine, bảo vệ an toàn cho cây cầu.
Tại Kherson, do sự ngăn cách qua sông Dnepr, nên đây là nơi duy nhất mà Quân đội Ukraine có hy vọng phản công thắng lợi.
Ở các mặt trận khác, với các đơn vị mới thành lập, chủ yếu là tân binh, chỉ được huấn luyện qua loa và thiếu vũ khí hạng nặng, đồng thời thiếu chi viện hỏa lực của cả mặt đất và trên không; nên Quân đội Ukraine khó có thể tổ chức các đợt phản công.
Do vậy chiến lược tốt nhất ở các khu vực này, là củng cố công sự phòng ngự, để tiêu hao sức lực của quân Nga càng nhiều càng tốt.
Chiến thuật hiện tại của Quân đội Nga là làm mềm chiến trường, hạn chế thấp nhất thương vong của binh lính, do vậy họ dùng pháo binh bắn phá liên tục, khi quân Ukraine không chịu đựng được, mới tiến hành làm chủ chiến trường.
Với tiền đề tiêu diệt sinh lực Ukraine và phá hủy cơ sở hạ tầng, chiến thuật dùng hỏa lực làm mềm chiến trường, sẽ tiêu hao tiềm lực của Ukraine trên quy mô lớn và trong thời gian dài.
Để kiềm chế hỏa lực của Quân đội Nga, trước tiên Quân đội Ukraine đã tìm và phá hủy các kho đạn pháo và sau đó là các cây cầu trọng yếu, để làm suy yếu hỏa lực của Quân đội Nga.
Cả Quân đội Nga và Ukraine đều thừa hưởng vũ khí, chiến thuật cũng như nghệ thuật quân sự của Quân đội Liên Xô trước kia; do vậy bên nào có tiềm lực lớn hơn, bên đó sẽ giành lợi thế.
Phía Ukraine đã tổ chức phản công bốn lần vào Kherson, mặc dù có một chút tiến bộ, nhưng vẫn chưa có tiến triển đáng kể nào cho đến nay.
Chiến thắng lớn nhất của Ukraine là làm nổ tung một số cây cầu trên sông Dnepr và các con sông khác; đồng thời nhìn thấy tia hy vọng là cắt đứt hậu cần của Quân đội Nga ở Kherson.
Tuy nhiên việc xuất quân của Ukraine cũng gặp nhiều rủi ro, khi khu vực địa hình tại Kherson đều là thảo nguyên bằng phẳng, không có công sự che chắn; do vậy, rất dễ để hỏa lực không quân và pháo binh của Quân đội Nga sát thương hàng loạt.
Trong những ngày qua, hàng loạt chuyến tàu vận chuyển vũ khí hạng nặng của Nga đã đến khu vực miền Nam Ukraine; Kherson hứa hẹn sẽ là nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược giữa Nga và Ukraine.
Tiến Minh (tổng hợp)