Gần đây Nga và Ukraine đã có sự thay đổi chiến thuật do số lượng vũ khí mới mà phương Tây cung cấp cho Kiev. Ban đầu, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ngày 24/2, Ukraine thực hiện chiến lược phòng thủ bằng cách sử dụng tên lửa chống tăng NLAW do Anh cung cấp và một số vũ khí khác để ngăn cản quân đội Nga tiến vào Kiev. Tuy nhiên, sau đó, Nga đã rút quân khỏi Kiev và tập trung hỏa lực vào các mục tiêu chiến lược ở phía Đông Ukraine. Quyết định tập trung vào Donbass một phần đến từ việc Nga muốn tập trung vào pháo binh bởi lực lượng của họ đã triển khai ở đây từ năm 2014 và thông thạo khu vực này.
Quân đội Ukraine tin rằng với tình hình hiện nay, họ có thể đẩy lùi quân đội Nga khỏi phía Nam Ukraine và cuộc chiến giành Kherson có thể là chìa khóa cho chiến lược mới này. Nếu giành thắng lợi, Ukraine có cơ hội để bắt đầu giành lại các khu vực hiện Nga đang kiểm soát và có lẽ cả các nước Cộng hòa nhân dân tự xưng ở Donbass được Nga hậu thuẫn.
Sở dĩ Ukraine hiện lạc quan hơn về khả năng chiến thắng bởi họ được cung cấp các hệ thống pháo phản lực HIMARS và Mỹ cam kết sẽ có thêm những đợt vận chuyển mới. Điều này khiến quân đội Ukraine có thể tiến gần hơn một cuộc phản công. Thay vì tiếp tục lép vế trước pháo binh Nga vì chỉ có số lượng vũ khí hạn chế, Ukraine hiện có thể phá hủy các kho đạn dược, hệ thống radar và các vị trí pháo binh của Nga từ khoảng cách xa hơn.
Vì sao Kherson là mục tiêu quan trọng của Ukraine?
Hiện nay, Kherson - khu vực do Nga kiểm soát từ đầu tháng 3/2022, là mục tiêu quan trọng của Ukraine. Thành phố này có ý nghĩa rất quan trọng vì vài lý do.
Đầu tiên, kiểm soát Kherson đồng nghĩa với việc tiếp cận với các cảng biển. Từ đây, Ukraine có thể xuất khẩu hàng hóa ra bên ngoài, trong đó có ngũ cốc. Ukraine cho rằng mục tiêu cuối cùng của Nga dường như là kiểm soát một khu vực trải dài tới Moldova để liên kết với lực lượng ly khai được Nga ủng hộ ở Transnistria nhằm ngăn cản Ukraine tiếp cận Biển Đen.
Vì thế, Ukaine phải ngăn chặn điều đó bằng một cuộc tấn công vào Kherson để ngăn cản Nga kiểm soát bờ biển phía Nam nước này, trong đó có Odessa. Thành phố cảng có vai trò quan trọng này gần đây là mục tiêu các cuộc không kích. Không lâu sau khi Nga và Ukraine tiến hành thỏa thuận dưới sự trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để nối lại việc xuất khẩu ngũ cốc.
Ukraine cũng coi Kherson là một phần trong quan trọng trong nỗ lực giải phóng phía Nam nước này. Ngoài ra, một số mục tiêu quan trọng ở đây, chẳng hạn như nhà máy thủy điện lớn cung cấp nước sạch cho 85% khu vực Crimea. Giành được Kherson cũng cho phép Ukraine kiểm soát tuyến cao tốc M14/P47, ngăn cản Nga tiếp cận nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất ở châu Âu.
Cuối cùng, nếu giành được Kherson, đó sẽ là một thắng lợi quan trọng với Ukraine, đồng thời là thất bại to lớn với Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tin rằng nếu Nga kiểm soát phần lớn khu vực phía Nam khi mùa đông tới, chẳng hạn như Kherson và Zaporizhzhia, Ukraine sẽ mất khả năng vận hành như một quốc gia. Ông nhận định một vài tuần tới sẽ quyết định vận mệnh của đất nước này và Ukraine đang gấp rút chuẩn bị cho một cuộc phản công. Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng Tổng thống Zelensky đã đúng khi nói nếu Mỹ không cung cấp cho Ukraine công cụ để thực hiện kế hoạch này thành công và nhanh chóng, cả Washington và Kiev sau này đều sẽ hối tiếc.
Để giành được Kherson, Ukraine cần có nhiều vũ khí hơn, đặc biệt là UAV, những phương tiện không chỉ thực hiện nhiệm vụ trinh sát mà còn thực hiện các cuộc tấn công vào lực lượng của đối phương
Mỹ có sẵn sàng hỗ trợ Ukraine?
Giao tranh giữa Nga và Ukraine đang diễn ra ác liệt ở khu vực phía Nam và phía Đông Ukraine giữa bối cảnh Moscow tuyên bố mục tiêu chiến tranh mới là kiểm soát lãnh thổ Ukraine nhiều nhất có thể trước khi mùa Đông tới trong khi Kiev khẳng định quyết tâm cao giành lại những gì đã mất.
Phát biểu trước phái đoàn gồm 5 nghị sĩ Mỹ tuần trước ở Kiev, ông Zelensky nhắc lại yêu cầu Washington cung cấp vũ khí nhiều hơn và hiện đại hơn. Ông cũng tiết lộ, ông đang yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden đưa quân Mỹ tới Kiev để cải thiện sự hợp tác giữa 2 nước trên tất cả các lĩnh vực.
Sau khi Hạ nghị sĩ bang Florida Michael Waltz đã đặt câu hỏi cho Tổng thống Ukraine rằng liệu ông có ủng hộ việc điều thêm quân Mỹ tới Ukraine để thúc đẩy sự hợp tác hay không, ông Zelensky đã ủng hộ ý tưởng này.
"Ngay khi tôi nêu ý tưởng, ông ấy đã nói rằng, 'chúng tôi cũng đang yêu cầu điều đó. Chúng tôi hoan nghênh việc này. Chúng tôi đã đề xuất ý tưởng như vậy. Vấn đề còn lại nằm ở Nhà Trắng".
Tổng thống Zelensky đã đề nghị quân đội Mỹ và Ukraine sẽ thành lập 3 trung tâm điều phối chung, tập trung vào việc lên kế hoạch, thực hiện công tác hậu cần và trao đổi chiến lược. Dù vậy, ông Waltz cho biết, Mỹ sẽ không triển khai quân đội ở tiền tuyến Ukraine mà họ sẽ làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Kiev. Ông nhận định, sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ với chương trình cứu trợ và cung cấp vũ khí cho Ukraine trị giá 40 tỷ USD sẽ phai nhạt dần nếu không có sự giảm sát trực tiếp hơn.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Adam Smith, người dẫn đầu phái đoàn nói rằng ông ủng hộ ý tưởng của Tổng thống Zelensky trong việc triển khai nhiều quân Mỹ tới Kiev hơn. Tuy nhiên, một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden lo ngại điều đó sẽ khiến Mỹ can thiệp sâu hơn vào cuộc xung đột.
"Chính quyền Tổng thống Biden phản đối điều này bởi họ lo ngại căng thẳng sẽ leo thang. Ngoài ra, nếu các quân nhân Mỹ làm việc tại các trung tâm chỉ huy ở Ukraine, họ có thể trở thành mục tiêu quân sự" của Nga.
Bất đồng trong Lầu Năm Góc
Theo ông Smith, hiện có một số ý kiến trong Lầu Năm Góc về việc cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà Tổng thống Zelensky yêu cầu, trong đó có tên lửa tầm xa và UAV hiện đại. Các quan chức Mỹ cũng lo ngại kho vũ khí của Mỹ sẽ cạn kiệt và những UAV bị Nga chiếm được để Moscow nghiên cứu nhằm phát triển công nghệ đối phó với chúng.
"Tôi hiểu rủi ro đó. Điều đó không phải là không quan trọng. Nhưng tôi nghĩ rủi ro Nga chiến thắng và kiểm soát Ukraine thậm chí còn lớn hơn", ông Smith nhận định.
Tổng thống Zelensky thông báo với các nghị sĩ Mỹ rằng quân đội Ukraine cần Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) MGM-140 - một hệ thống tên lửa đất đối đất có thể nhắm trúng mục tiêu cách xa hơn 300 km, gấp gần 4 lần tầm bắn tên lửa Mỹ hiện cung cấp cho nước này. Loại tên lửa trên sẽ cho phép quân đội Ukraine di chuyển xa hơn tầm bắn các loại pháo của Nga, trong khi có thể tấn công sâu vào lãnh thổ của đối phương và buộc Nga phải trải dài tuyến hậu cần.
Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden lo ngại Ukraine có thể sử dụng tên lửa này để tấn công vào lãnh thổ Nga, khiến căng thẳng leo thang, mặc dù Tổng thống Zelensky đã đảm bảo với Nhà Trắng rằng những tên lửa này sẽ không được sử dụng để nhắm vào các mục tiêu trong lãnh thổ của Nga.
Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Elissa Slotkin cũng nhấn mạnh về tính cấp bách trong yêu cầu của Tổng thống Zelensky. Ông cho biết những tuần tới và tháng tới sẽ mở ra cánh cửa cơ hội để Ukraine giành lại lãnh thổ. Nếu Kiev thất bại, bà cho rằng hy vọng cho một cuộc đàm phán sẽ ngày càng xa vời.
"Bất kỳ sự thúc đẩy nào để đưa Ukraine vào bàn đàm phán đều phải đi kèm với những chiến thắng quân sự và chúng ta nên hỗ trợ họ đạt được chiến thắng đó", hạ nghị sĩ này cho hay.
Nhà quan sát Josh Rogin nhận định trên Washington Post, chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp cho Ukraine một khoản hỗ trợ lớn nhưng toàn bộ nỗ lực này có thể đổ sông đổ bể nếu không có một đợt cung cấp vũ khí mới. Nếu Nga kiểm soát thêm lãnh thổ Ukraine trong năm nay, các mục tiêu của Nga sẽ tiến xa hơn trong năm tới. Thời gian đang cạn kiệt dần cho Tổng thống Zelensky để giành chiến thắng hoặc ít nhất là đàm phán ở vị thế sức mạnh./.
Theo Kiều Anh/VOV