Sáng 19/7, nhiều tờ báo đăng tải thông tin cảnh sát cơ động, điều tra viên của Bộ Công an và đại diện Viện Kiểm sát đã đến nhà bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, TP HCM. Nguyên nhân chính thức vì sao cơ quan chức năng có mặt tại nhà bà Loan vẫn chưa được công bố.
Giữa động thái trên, kể từ đầu phiên giao dịch 19/7 cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai đã giảm kịch sàn về mức giá 9.070 đồng/cp. Khối lượng dư bán ở mức giá sàn hơn 2,7 triệu đơn vị. Nếu tính thêm phiên sáng nay, cổ phiếu QCG đã có 6 ngày giảm liên tiếp, kể từ ngày 12/7, bất chấp tình hình chung của thị trường chứng khoán.
|
Diễn biến giá cổ phiếu QCG. |
Thực tế cổ phiếu QCG từ đầu năm đến nay đã biến động rất mạnh. Sau khi tạo đáy vào cuối tháng 2/2024 với thị giá dưới mệnh giá 10.000 đồng/cp, QCG bắt đầu tăng dựng đứng lên vùng đỉnh hơn 18.000 đồng/cp được thiết lập vào khoảng giữa tháng 4.
Từ đây, cổ phiếu của đại gia phố núi một thời lại lao dốc về vùng 9.000 đồng/cp như hiện tại. Như vậy ước tính trong khoảng ba tháng qua (tháng 4 – 7), cổ phiếu QCG đã bốc hơi 50% thị giá.
Cũng trong giai đoạn ba tháng vừa qua, Quốc Cường Gia Lai gây bất ngờ khi không thể tổ chức được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 do chỉ có đại diện hơn 18% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc QCG, vắng mặt tại cuộc họp vì lý do sức khỏe. Con gái bà Loan, bà Nguyễn Ngọc Huyền My, cũng không tham dự vì lý do cá nhân.
Hiện tại, bà Loan và bà Huyền My nắm giữ tổng cộng 51,3% vốn điều lệ của QCG, trong đó vị Tổng Giám đốc sở hữu gần 102 triệu cổ phần (37%) và bà Huyền My nắm giữ gần 39,4 triệu cổ phần (14,3%).
Ngày 23/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án hình sự về việc "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) và các đơn vị liên quan.
9 bị can, gồm các cựu cán bộ từ Tập đoàn và các công ty liên quan, đã bị khởi tố, tạm giam và khám xét. Vụ án liên quan đến sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn (TP HCM), nơi đất công đã được chuyển đổi thành đất tư sau khi nhiều lần đổi chủ.
Khu đất ban đầu thuộc quản lý của Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa. Năm 2009, Công ty TNHH Phú Việt Tín được thành lập để đầu tư dự án. Năm 2014, Công ty Phú Việt Tín đã nộp tiền cho giá trị quyền sử dụng đất hơn 186 tỷ đồng, nhưng sau đó vốn góp của hai công ty này đã được bán cho Quốc Cường Gia Lai.
Quốc Cường Gia Lai sau đó đã chuyển nhượng 94% vốn góp tại Phú Việt Tín cho hai công ty khác với tổng số tiền gần 800 tỷ đồng.
Đến năm 2017, Phú Việt Tín sáp nhập vào Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Phúc Nguyên, đổi tên thành Nova Phúc Nguyên, và hiện tại khu đất đã trở thành chung cư cao cấp.
Diễm Phương