Kết phiên sáng 14/6, cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai giảm hết biên độ (6,64%) về mức giá 11.250 đồng, khớp lệnh 2,7 triệu đơn vị và vẫn còn dư bán sàn 1,8 triệu đơn vị. Trước đó, mã này đã phi mã với 13 phiên tăng trần liên tiếp, từ vùng giá 5.000 đồng lên 11.000 đồng, tương ứng tăng 120% sau hơn nửa tháng.
Trước đó, tính từ cuối tháng 5, chuỗi kịch trần liên tiếp đẩy thị giá QCG “bốc đầu” tăng 137% lên ngưỡng 12.050 đồng/cp. Nếu so với vùng đáy hồi giữa tháng 11/2022 thì giá QCG cao gấp 3,6 lần, vốn hóa tăng thêm hơn 2.400 tỷ đồng.
|
Vì sao cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai tăng trần liên tục 13 phiên? (ảnh minh họa: Internet). |
QCG tăng nóng ngay sau khi Quốc Cường Gia Lai thông tin việc công ty nhận được quyết định thi hành án chủ động của Cục Thi hành án dân sự TPHCM về việc hoàn trả cho QCG số tiền gần 17 tỷ đồng đang tạm giữ tại tài khoản của cơ quan điều tra; kết quả phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến vụ khởi kiện Công ty CP Đầu tư Sunny Island.
Nội dung phán quyết của VIAC gồm tuyên bố rằng Quốc Cường Gia Lai đã chấm dứt hợp đồng đúng theo quy định trong hợp đồng và quy định pháp luật và buộc Sunny Island hoàn trả cho Quốc Cường Gia Lai toàn bộ hồ sơ đền bù đất, giải phóng mặt bằng đã nhận theo biên bản giao nhận ngày 31/3/2017. Phán quyết cũng tuyên bố rằng việc Sunny Island giao hồ sơ đền bù đất, giải phóng mặt bằng khoảng 65ha đất nhận từ Quốc Cường Gia Lai cho SCB mà không có sự đồng ý bằng văn bản hoặc ủy quyền của QCG là vi phạm quy định hợp đồng và quy định pháp luật.
Ngoài ra, phán quyết của trọng tài còn buộc Sunny Island hoàn trả cho Quốc Cường Gia Lai 50% phí trọng tài là gần 3,4 tỷ đồng; không chấp nhận yêu cầu của QCG về việc buộc bị đơn hoàn trả toàn bộ phí luật sư...
Trong văn bản giải trình cổ phiếu tăng trần gần nhất, phía Quốc Cường Gia Lai cho biết, giá cổ phiếu tăng trần là sự việc khách quan, nằm ngoài kiểm soát của doanh nghiệp; quyết định mua, bán cổ phiếu là sự tự lựa chọn của các nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự tác động nào làm ảnh hưởng đến giá giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Theo kế hoạch, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2023 vào chiều ngày 24/6, tại TPHCM. Tại Đại hội, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai dự kiến thông qua báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán; báo cáo của Ban giám đốc về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 và kế hoạch 2023; báo cáo hoạt động của Ban kiểm soát 2022; phương án phân phối lợi nhuận 2022. Công ty cũng dự kiến thông qua đề cử thành viên Hội đồng quản trị độc lập đối với ông Lại Thế Hiển, lựa chọn công ty kiểm toán 2023 và một số nội dung khác. Tuy nhiên, hiện Công ty CP Quốc Cường Gia Lai chưa công bố tài liệu liên quan tới kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm 2023.
Trong quý I/2023, doanh thu thuần của QCG đạt gần 166 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lãi gộp chung của công ty lại chỉ bằng một nửa cùng kỳ với 10%. Điều này dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 39%, còn hơn 16 tỷ đồng.
Mặt khác, một số chi phí phát sinh trong kỳ như chi phí tài chính và chi phí bán hàng lần lượt tăng 55% và 18%, lên 11 tỷ đồng và gần 2 tỷ đồng khiến Công ty CP Quốc Cường Gia Lai chỉ lãi vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng trong quý đầu năm 2023, giảm 91% so với cùng kỳ.
Tổng tài sản của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tính tới ngày 31/3 đạt 9.733 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm tới 73% tổng tài sản với 7.093 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 68% xuống còn hơn 24 tỷ đồng. Nợ phải trả còn 5.393 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với hơn 5.000 tỷ đồng…
Liên Hà Thái (tổng hợp)