Kịch trần rồi lại giảm sàn đến chóng mặt
Tính cuối tháng 5 đến 13/6, chuỗi kịch trần liên tiếp đẩy thị giá QCG tăng phi mã 137% lên ngưỡng 12.050 đồng/cp. Nếu so với vùng đáy hồi giữa tháng 11/2022 thì giá QCG cao gấp 3,6 lần, vốn hóa tăng thêm hơn 2.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên từ 14 - 20/6, cổ phiếu QCG lại bất ngờ quay đầu vừa giảm sàn vừa đỏ điểm, qua đó chấm dứt chuỗi 13 phiên tăng trần liên tiếp từ 26/5-13/6. Cổ phiếu lại về đáy 8.900 đồng/cp xác lập trong phiên 20/6. Lực bán ồ ạt khiến nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng, không kịp trở tay, có phiên lên đến hơn 5 triệu cổ phiếu được giao dịch.
QCG lại cho cổ đông "đi tàu lượn siêu tốc" khi bật trần trở lại 3 phiên sau đó (21-23/6) để hồi lên 10.850 đồng/cp.
Nhưng ngay sau phiên ĐHĐCĐ thường niên được tổ chức vào ngày cuối tuần 24/6, mở phiên đầu tuần 26 và 27/6, cổ phiếu QCG "đáp trả" hai bằng phiên "lau sàn" trở lại để về mốc 9.400 đồng/cp.
|
Biến động cổ phiếu QCG từ đầu tháng 6 đến nay |
Giai đoạn cổ phiếu QCG liên tục tăng trần, Quốc Cường Gia Lai cho biết giá cổ phiếu tăng trần là sự việc khách quan, nằm ngoài kiểm soát của doanh nghiệp. Công ty không có bất kỳ sự tác động nào làm ảnh hưởng đến giá giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý giai đoạn đó Quốc Cường Gia Lai nhận được Quyết định thi hành án chủ động của Cục thi hành án dân sự TP. HCM về việc hoàn trả số tiền gần 17 tỷ đồng đang tạm giữ tại tài khoản của Cơ quan an ninh điều tra CA TP.HCM.
Đồng thời, Quốc Cường Gia Lai cũng nhận được phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến vụ tranh chấp giữa QCG và CTCP Đầu tư Sunny Island liên quan tới dự án Phước Kiển. Theo đó, VIAC tuyên bố QCG đã chấm dứt hợp đồng đúng theo quy định và buộc Sunny Island phải hoàn trả cho QCG toàn bộ hồ sơ đền bù đất, giải phóng mặt bằng mà Sunny Island đã nhận theo biên bản giao nhận ngày 31/3/2017. VIAC cũng tuyên bố rằng việc Sunny Island giao hồ sơ đền bù đất, giải phóng mặt bằng khoảng 65 ha đất từ QCG cho SCB mà không có sự đồng ý bằng văn bản hoặc ủy quyền của QCG là vi phạm quy định.
Theo phán quyết, Sunny Island phải hoàn trả cho QCG 50% phí trọng tài gần 3,4 tỷ đồng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lập phán quyết (10/5).
|
Dự án Phước Kiển |
Dự án Phước Kiển có liên quan đến Vạn Thịnh Phát?
Còn giai đoạn cổ phiếu QCG giảm sàn xen kẽ tăng trần vài phiên, Quốc Cường Gia Lai không xuất hiện thêm thông tin nào cho đến khi ĐHĐCĐ được diễn ra ngày 24/6 với mục tiêu năm 2023 doanh thu thuần sụt giảm 29% về 900 tỷ đồng, lãi trước thuế lại tăng 13% lên 50 tỷ đồng.
Dù đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trái chiều nhưng Quốc Cường Gia Lai lại định hướng hoạt động trong năm 2023 theo hướng khá bị động khi tiếp tục triển khai thủ tục pháp lý các dự án, cố gắng duy trì hoạt động để chờ sửa đổi luật, chính sách pháp lý ngành bất động sản khôi phục trở lại.
Về dòng tiền, Quốc Cường Gia Lai sẽ cơ cấu lại nguồn vốn tại các công ty con và công ty liên kết để tránh gánh nặng tài chính cho các khoản đầu tư chưa sinh lời. Đồng thời, QCG cho biết sẽ không thực hiện chia cổ tức 2022 với lý do cần nguồn vốn đầu tư cho các dự án dở dang để bán sản phẩm vì nguồn vốn vay hiện tại đang rất hạn chế. Còn đối với phần cổ tức 2021, QCG sẽ dời thời gian chi trả phần cổ tức này đến quý 3/2025.
Đặc biệt, điều nhà đầu tư quan tâm tại ĐHĐCĐ của Quốc Cường Gia Lai là theo hợp đồng, QCG nhận từ Sunny Island 2.882 tỷ đồng, nếu QCG vi phạm sẽ trả số tiền trên cộng thêm 50%. Nhưng theo VIAC, QCG đúng theo hợp đồng nên chỉ cần trả 50%, tức 1.441 tỷ đồng.
Để có tiền trả cho Sunny Island trong bối cảnh nguồn vốn vay rất hạn chế, QCG đối mặt với 2 lựa chọn một là bán rẻ dự án với giá bằng 50% giá mua vào, hai là bán thủy điện. Cuối cùng, QCG đã chọn bán cái không lỗ là thủy điện.
Trong khi sổ đỏ của dự án hiện không còn do Sunny Island nắm giữ mà đang ở Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03). Cơ quan này đang xem xét sự việc liệu có liên quan đến Vạn Thịnh Phát (VTP Group) không rồi mới xác định số tiền cụ thể sẽ trả Sunny.
Hiện dự án Phước Kiển còn khoảng vài phần trăm diện tích đất chưa đền bù được do trước đó, QCG thương lượng với các hộ dân là khi nào thực hiện dự án đến phần đất của họ thì họ sẽ hỗ trợ đền bù. Tuy nhiên, theo luật mới, QCG phải đền bù 100% mới được thực hiện dự án và Công ty hiện đang không thể thương lượng được với các hộ dân này.
QCG đã có tờ trình gửi cơ quan chức năng để nhờ giải thích với các hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Mặt khác, QCG lo ngại việc vướng pháp lý đất công xen cài hơn là việc đền bù, giải phóng mặt bằng.
Minh An