Trong hai cuộc kháng chiến lừng lẫy của dân tộc Việt Nam, Trần Thị Quang Mẫn(1926-2021) nổi lên như một hiện tượng có 1-0-2 khi dám giả trai để được đi đánh giặc. Bà tên thật là Trần Thị Mẫn, xuất thân trong một gia đình khá giả tại làng Thạnh Hòa, tổng Giang Ninh, quận Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang). Vì là người con thứ 5 nên dân trong vùng thường gọi bà là Sáu Mẫn.
Từ khi còn nhỏ, Sáu Mẫn đã có cá tính mạnh mẽ, nghịch ngợm không thua kém con trai, nhiều lần cầm đầu nhóm bạn đi "quậy" khiến cha bà nhiều phen kinh ngạc. Đến khi qua tuổi 18, Sáu Mẫn chứng kiến đất nước lầm than vì địch tàn phá nên đã quyết tâm tham gia vào quân đội để bảo vệ Tổ quốc. Bà cùng cô em gái Bảy Trâm trốn đi nhưng lần đầu bị ba bắt về, cắt phăng mái tóc, đốt sạch quần áo trong cơn giận dữ. Đến lần thứ 2 thì cả hai mới trốn thành công.
Bà Mẫn khi đó đã cắt tóc ngắn như con trai, lấy tên Trần Quang Mẫn, bắt em gái Bảy Trâm gọi là anh Sáu. Để không bị anh em trong quân đội phát hiện, bà quấn vải nịt thật chặt để che vòng 1,tập la, tập hét cho bể tiếng, tập tướng đi của đàn ông và bắt chước luôn cả việc hút thuốc. Vì em gái được đào tạo làm y tá nên mỗi khi bị thương, Sáu Mẫn đều nhờ em gái xử lý, do đó thân phận được giấu kín trong suốt 5 năm binh nghiệp.
Sáu Mẫn thông minh, gan dạ nên được cử đi học sĩ quan ởTrường Quân chính Quang Trung, đến năm 1947 thì trở về nhận nhiệm vụ chỉ huy đại đội 70 (đại đội cảnh vệ - sau này là trung đoàn 124 thuộc Quân khu 9). Với những thành tích chiến đấu xuất sắc, năm 1950, bà được đề bạt làm Đại đội trưởng. Không ai nghĩ người đội trưởng anh dũng, tài giỏi ấy lại là gái giả trai cho đến một ngày người bộ đội Nguyễn Văn Bé (Mười Bé)biết được thân phận của Sáu Mẫn qua lời kể của cha ruột bà đã lặn lội đi tìm và cầu hôn. Thế là đám cưới kì lạ đã diễn ra theo cách không thể bất ngờ hơn.
Má kể: "Mấy bà má cứ theo hỏi hoài. Tui cười biểu chừng đó má hay. Tới chừng vô làm đám tuyên bố, mấy đứa con nít la dữ lắm: đàn ông mà đi cưới đàn ông". Quả thực, đám cưới không váy cưới, không hoa, cũng không có quà cưới, chỉ có hai người cùng mặc quân phục nam. Vỗ bàn chỉ là bánh canh, bát chè chè do các bà má ở đó nấu. Sau đám cưới, cả hai cũng chỉ được ở với nhau vài bữa rồi lại phải xa cách vì tham gia chiến đấu ở các chiến trường khác nhau.
Trong suốt cuộc hôn nhân với ông Mười Bé, Sáu Mẫn chỉ được gặp chồng 4 lần. Đến khi bà rời quân ngũ để về nhà chuẩn bị sinh con đầu lòng thì nghe tin chồng hi sinh khi đánh đồn Chàng Chẹt. Nén lại đau thương, bà sinh con rồi không lâu sau phải để lại đứa trẻ cho bố mẹ nuôi để tiếp tục đi chiến đấu.
Tháng 11/1957, bà được phân về Đại đội 2 an ninh vũ trang (mật danh là Tiểu đoàn Ngô Văn Sở) chuyên trách công tác ám sát các sĩ quan, quan chức Việt Nam Cộng hòa ở vùng Nam Cà Mau. Đến giữa năm 1958, Sáu Mẫn nhận lệnh ám sát Thiếu tá Lâm Quang Phòng, Chi khu trưởng kiêm quận trưởng An Phước. Trong đêm 19/7/1958, bà đơn thương độc mã dùng một chiếc dao phay bén chém trọng thương tên chỉ huy địch khi hắn đang ngủ. Tuy nhiên vì áo dày nên Lâm Quang Phòng đã thoát chết trong gang tấc. Hàng chục tên lính cận vệ nghe tiếng la của Phòng đã xông vào. Sau một hồi chiến đấu thì bà đã kiệt sức và bị bắt.
Sáu Mẫnbị giam giữ và tra tấn dã man trong nhiều năm nhưng quyết không hé răng nửa lời. Bà bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa kết án 12 năm khổ sai, 5 năm biệt xứ nhưng sai đó lại được giảm xuống còn 7 năm tù khổ sai, 5 năm biệt xứ. Cuối năm 1966, Sáu Mẫn được thả tự do. Nỗi đau này chưa nguôi thì nỗi đau khác lại ập đến, một năm sau khi được địch thả, người con trai duy nhất của bà với người chồng liệt sĩ cũng hi sinh.
Sáu Mẫn vẫn tiếp tục chiến đấu quên mình trên khắp các chiến trường lớn nhỏ. Năm 1967, bà được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng, tham gia đoàn Dũng sĩ miền Nam ra Bắc, vinh dự được tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến khi trở lại miền Nam, Sáu Mẫn công tác chính trị trong Quân khu 9 cho đến khi nghỉ hưu theo chế độ với quân hàm Thiếu tá.
Với những hi sinh, đóng góp to lớn cho Tổ quốc, bà Trần Thị Quang Mẫn đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 1994. Bà cũng được trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân kỳ quyết thắng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba. Bà mất ngày 23/3/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 95 tuổi.
Theo Sở hữu trí tuệ