Thông qua hàng trăm video được thực hiện trong vòng 5 năm, Nét Việt Nam, được sáng lập và chỉ đạo sản xuất bởi cô gái trẻ 9x Phạm Thị Hạnh Chi như một “bảo tàng sống” ghi lại chân thực tinh hoa văn hóa làng nghề từ khắp các vùng miền trên dải đất hình chữ S. Đây không chỉ là hành trình để khơi gợi sự quan tâm của Gen Z – những người trẻ sống trong thời đại số mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ rằng thế hệ trẻ chính là người trực tiếp kế thừa và phát huy di sản quý giá này.
 |
Phạm Thị Hạnh Chi, sinh năm 1992, sáng lập và chỉ đạo sản xuất Nét Việt Nam. |
Chọn cách kể chuyện bằng công nghệ để tiếp cận Gen Z
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, Phạm Thị Hạnh Chi cho biết, Nét Việt Nam tập trung vào việc ghi hình và phát sóng các video trên Youtube ghi lại hành trình theo chân Gen Z khám phá những giá trị truyền thống trên khắp Việt Nam.
Thông qua góc nhìn sáng tạo và năng động của thế hệ Gen Z, Nét Việt Nam không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp thông tin, dự án còn truyền cảm hứng mãnh liệt, khuyến khích giới trẻ tìm hiểu, yêu mến và tự hào về lịch sử cũng như nét đẹp văn hóa độc đáo của đất nước. Qua những hoạt động trải nghiệm thực tế như khám phá làng nghề, tìm hiểu ẩm thực và tiếp cận di sản văn hóa, "Nét Việt Nam" tạo nên nhịp cầu kết nối thế hệ trẻ với di sản cha ông, giữ gìn và lan tỏa bản sắc Việt trong dòng chảy hiện đại.
 |
"Gen Z về làng" ở Nam Định. |
Khởi đầu bằng chương trình "Gen Z về làng", các bạn trẻ được trực tiếp trải nghiệm cuộc sống tại các làng nghề truyền thống như làng nghề đan thúng ở Nam Định, làng gốm sứ ở Hải Dương, làng làm giấy dó ở Bắc Ninh. Có những làng nghề chỉ còn một nghệ nhân duy nhất, nhiều nghề đã mai một gần như hoàn toàn.
Quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, từ việc tiếp cận tư liệu chính thống cho tới sự hỗ trợ của các cơ quan. "Nhiều nơi không có dữ liệu rõ ràng, các nghệ nhân thì đã lớn tuổi. Có lần, khi nhóm vừa đến làng nghề để phỏng vấn thì nhận tin nghệ nhân duy nhất ở đó phải nhập viện. Nhưng chính điều đó khiến tôi nhận ra rằng, nếu không làm ngay, có thể mai này chúng ta sẽ chẳng còn gì để ghi lại nữa”, Hạnh Chi tâm sự.
 |
Về làng ươm tơ Cổ Chất ở Nam Định. |
Để tiếp cận Gen Z, Hạnh Chi chọn cách kể chuyện bằng công nghệ. Nét Việt Nam không chỉ sản xuất phim tài liệu mà còn ứng dụng animation, VFX để làm nội dung trở nên sống động hơn. Bởi cũng là một Gen Z, Hạnh Chi biết rằng, thế hệ trẻ thích xem video ngắn, dễ tiếp thu. Vì thế, nhóm đã làm những phim có thời lượng từ 9 đến 12 phút trên YouTube, sau đó cắt thành những đoạn ngắn phát hành trên TikTok, Facebook Reels, YouTube Shorts để tiếp cận nhiều người hơn.
Chiến lược này nhanh chóng mang lại kết quả. Những video đầu tiên trên TikTok nhận được hàng trăm nghìn lượt xem, nhiều bạn trẻ hào hứng bình luận: "Quê em có nghề này mà em chưa từng biết!" hay "Em tự hào quá, lần đầu thấy làng nghề quê mình xuất hiện trên mạng".
Trước thực tế thị trường video và phim ngắn gần như bão hòa, muốn thành công phải có sự khác biệt. Hạnh Chi trăn trở trước việc làm thế nào để nội dung văn hóa không chỉ mang tính giáo dục mà còn đủ hấp dẫn để lan tỏa rộng rãi. Để thực hiện mục tiêu đó, Hạnh Chi cùng đội ngũ quyết định tập trung vào chất lượng, chú trọng từng phân cảnh, từng chi tiết. "Mỗi thước phim của Nét Việt Nam không chỉ ghi lại hình ảnh mà còn phải truyền tải được linh hồn của văn hóa Việt Nam”, Hạnh Chi chia sẻ.
Văn hóa hiện diện từ bữa cơm có rau muống chấm tương…
Hạnh Chi cho biết, tình yêu đối với văn hóa nước nhà của Chi được bồi dưỡng truyền thống gia đình, phong tục tập quán, nét đẹp truyền thống tại quê hương mình. Tuổi thơ của Chi là những câu chuyện của bà trước giờ đi ngủ về những phong tục xưa, những câu chuyện lịch sử mà không có trong sách giáo khoa.
 |
"Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong, màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp". |
Càng lớn lên, tình yêu ấy càng mạnh mẽ. Khi theo học tại Học viện Ngoại giao, Hạnh Chi nhận ra rằng giới trẻ không hề thờ ơ với lịch sử, văn hóa dân tộc như nhiều người vẫn nghĩ. Chi thấy trên mạng xã hội, nhiều bạn rất hào hứng khi xem những nội dung liên quan đến lịch sử, nhưng cách tiếp cận truyền thống lại quá cứng nhắc, khô khan. Chi trăn trở, tại sao chúng ta không kể câu chuyện theo cách khác, dễ tiếp nhận hơn?
Cùng với đó, khi chứng kiến sự “lép vế” của nhiều giá trị truyền thống trước làn sóng văn hóa ngoại nhập, Chi tự hỏi văn hóa Việt Nam sẽ ở đâu trong những biến động của thời đại? Mai một đi hay sẽ tồn tại dưới một chiếc áo mới? Chi nhớ tới lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nhắc lại câu nói của tiền nhân tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ”Văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”… Chi quyết tâm phải làm cái gì đó, đem công sức nhỏ bé của mình đóng góp vào công cuộc bảo tồn văn hóa nước nhà.
Thế rồi, Nét Việt Nam đã ra đời vào năm 2024, cụ thể hóa cho tình yêu và trăn trở của Chi và team Nét Việt Nam đối với văn hóa nước nhà. “Tôi tin rằng văn hóa không phải là thứ gì xa vời, mà hiện diện ngay trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta – từ lời mẹ ru, từ bữa cơm có rau muống chấm tương, từ tiếng rao buổi sáng. Nhưng nếu không được bảo tồn, những thứ đó có thể biến mất rất nhanh”, Hạnh Chi tâm sự.
Với suy nghĩ đó, Hạnh Chi mong muốn xây dựng một dự án có thể hệ thống lại những giá trị văn hóa này, giúp các bạn trẻ nhận ra rằng văn hóa thực sự gần gũi, tồn tại trong mọi thứ xung quanh chúng ta – trong những gì chúng ta có thể cầm, sờ và chạm vào hằng ngày. Chính những yếu tố đó đã hình thành nên đặc điểm và tính cách của người dân Việt Nam hôm nay.
Hạnh Chi và đội ngũ không chỉ muốn lưu giữ những nét đẹp truyền thống mà còn muốn giới trẻ hôm nay hiểu và yêu quý những giá trị này qua những trải nghiệm thực tế và chân thật nhất về làng nghề, ẩm thực và di sản Việt.
Thời gian tới, Nét Việt Nam sẽ được triển khai với quy mô và cách thức tổ chức hoàn chỉnh. “Mục tiêu của Net Việt Nam là xây dựng một nền tảng văn hóa Việt Nam toàn diện, với mong muốn tạo ra một bảo tàng sống, giúp thế hệ trẻ tiếp cận lịch sử và văn hóa theo cách thức mới mẻ và dễ tiếp thu hơn”, Hạnh Chi chia sẻ.
Nét Việt Nam gồm 3 Series. Trong đó, “Gen Z về làng”: Khám phá các làng nghề truyền thống đang mai một, đồng thời kết nối văn hóa làng nghề với giới trẻ và những người yêu thích di sản.
“Gen Z cùng Hương vị Việt” sẽ hướng đến việc tìm hiểu về lịch sử của ẩm thực Việt và sự khác biệt qua từng vùng miền. Các tập phim không chỉ tái hiện quy trình chế biến mà còn truyền tải câu chuyện văn hóa đằng sau từng món ăn qua lăng kính sáng tạo của Gen Z.
Còn “Gen Z cùng Di sản Việt” sẽ tập trung vào việc khám phá nghệ thuật dân gian, từ âm nhạc truyền thống, múa dân gian đến các loại hình sân khấu cổ như chèo, tuồng. Những tập phim này hứa hẹn sẽ mang lại một góc nhìn trẻ trung hơn và gần gũi hơn về nghệ thuật dân gian.
Thông qua những hoạt động trải nghiệm thực tế, như khám phá làng nghề truyền thống, tìm hiểu hương vị ẩm thực và tiếp cận các di sản văn hóa độc đáo trên khắp 3 miền Tổ quốc, Nét Việt Nam hy vọng tạo nên một nhịp cầu vững chắc giữa thế hệ trẻ và những giá trị quý báu của cha ông.
Mời quý độc giả xem video Phạm Thị Hạnh Chi, người sáng lập Nét Việt Nam chia sẻ về ý nghĩa sự sum họp ngày Tết cổ truyền. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Nguyễn