Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng- UIA cho hay, Tết Thanh minh là một ngày lễ quan trọng ở nhiều tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ.
Và cũng trong dịp này, dù ai đi đâu, ở đâu xa, đến ngày này cũng cố gắng về với gia đình để cùng họ tộc đi tảo mộ, cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp.
 |
Tết Thanh minh là dịp để bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên và cũng là để kiểm tra tình trạng mộ phần gia tiên. Ảnh: Mai Nguyễn. |
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho sạch sẽ. Mọi người mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột ... đào hang, làm tổ.
Con cháu tự làm lễ cúng thanh minh, hạn chế thuê người ngoài
TS Vũ Thế Khanh cho hay, theo phong tục, tập quán thì mọi thành viên đều nên có mặt khi đi tảo mộ trong dịp Tết Thanh minh để bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên và cũng là để kiểm tra tình trạng mồ mả gia tiên.
Nhưng đối với người cơ thể không ổn định, sức đề kháng kem như phụ nữ có thai, trẻ còn quá nhỏ, những người đang bị bệnh nặng, ung thư, bệnh tâm thần... thì dễ bị nhiễm lạnh, dễ bị nhiễm âm khí tại nghĩa trang thì không nên đi tảo mộ.
Đối với người làm chủ lễ: thông thường, trong lễ cúng, người đảm nhiệm vai trò chủ trì buổi lễ sẽ là con trưởng, cháu “đích tôn”, hoặc là người được chọn quán xuyến việc thờ tự trong dòng họ. Nên để con cháu trong gia tộc chia nhau ra phụ giúp, tự mình thực hiện các nghi thức cúng lễ, từ khâu chuẩn bị đồ lễ hay dọn dẹp khu vực thờ phụng.
Hạn chế thuê người ngoài trong những dịp quan trọng như Tết Thanh minh hoặc trong nghi thức cúng gia tiên, bởi không ai kính trọng và có trách nhiệm với gia tiên của mình bằng chính mình. Tự mình báo hiếu thì mới linh thiêng và mới có công đức, bởi theo Phật dạy “tự ăn thì no, nhờ người khác ăn làm sao no được”.
Không nên đưa thức ăn ra cúng tại mộ, bởi tại nghĩa trang hoặc tại khu mộ có nhiều uế khí do phân huỷ hài cốt, có nhiều vi khuẩn, vi trùng có thể thâm nhập vào thức ăn đồ cúng. Nếu cúng xong mà mang về nhà dùng thì không tốt, mà để lại tại khu mộ thì chim, chuột, động vật hoang dã sẽ đến ăn vương vãi gây ô uế, rồi chúng sẽ làm hang, làm tổ tại đó làm cho khu mộ mất trang nghiêm thanh tịnh.
“Có chăng chỉ nên mang theo hương, hoa và khi cúng xong thì cũng nên dọn dẹp các hoa đã héo để tránh biến mộ thành rác rưởi”, ông Khanh cho hay.
Người ở nước ngoài có thể lập bàn thờ, tâm hướng quê hương
TS Vũ Thế Khanh cho biết, đối với người Việt Nam ở xa xứ, hoặc vì điều kiện công tác, phải mưu sinh ở nơi xa mà không về thăm viếng mồ mả tổ tiên trong dịp tiết Thanh minh được thì có thể thăm viếng vào dịp khác. Bởi bản chất của việc báo hiếu không phụ thuộc vào hình thức tảo mộ trong tiết Thanh minh, mà là sự hiếu thuận trong tâm khảm, bất cứ ở đâu, bất cứ thời gian nào cũng đau đáu thiết tha về việc tri ân công đức gia tiên. Nếu ở nước ngoài thì vẫn có thể lập bàn thờ và cúng lễ tại nơi mình sinh sống và hướng tâm về quê hương là được.
“Ngoài việc phụng dưỡng trực tiếp cha mẹ, cần phải phát nguyện làm nhiều việc thiện nguyện, phóng sinh để hồi hướng cho gia tiên, tránh xa các điều ác, không làm ảnh hưởng đến danh dự truyền thống cao đẹp của tổ tông”, ông Khanh lưu ý.
Về quan điểm cho rằng “không tảo mộ người ngoài” vì sẽ “làm hỗn loạn trường khí, mất cân bằng mộ phần gia tiên, dễ mang đến điềm xui quẩy”..., theo TS Vũ Thế Khanh là vừa mê tín vừa bất nhân bất nghĩa, hẹp hòi ích kỷ.
Theo quan điểm của Phật Giáo, coi ông bà cha mẹ của người khác cũng được trân trọng như người trong gia đình mình, coi các liệt sỹ của gia đình khác cũng như liệt sỹ của gia đình mình... Có lần Đức Phật cùng đệ tử đi qua một nơi có đống xương khô, Đức Phật cũng chắp tay lễ, và nói với các đệ tử rằng trong đó có những người kiếp trước đã từng là thân quyến của mình, thậm chí đã từng là cha mẹ mình... Bậc đại hiếu phải là người là người coi gia tiên dòng họ khác cũng đáng trân trọng như dòng họ của mình.
Không đốt vàng mã khi cúng lễ Thanh minh
Theo TS Vũ Thế Khanh, tập tục đốt vàng mã chỉ là tập tục mê tín, đã du nhập và ảnh hưởng vào nền văn hoá Việt Nam từ thời Bắc Thuộc và lưu truyền nhiều đời nay.
Vào thời nhà Hạ, người dân Trung Quốc đã sử dụng đất sét để nặn thành đồ dùng, mâm bát và sử dụng gỗ tre để làm các loại nhạc khí (như đàn sáo, chuông khánh...) dùng trong để chôn cất theo người chết. Tới thời nhà Chu, người dân đã đặt ra tục “Tuẫn Táng” - đây là phong tục rất dã man khi nhà vua và quan lại chết thì sẽ đem chôn sống vợ con và bộ hạ thân thiết để có thể xuống dưới âm tiếp tục hầu hạ họ.
Tục lệ này đã được loại bỏ ở thời nhà Hán. Khoảng một trăm năm sau công nguyên, ông Vương Dũ đã sáng chế ra giấy để làm vàng bạc và quần áo thay thế cho đồ thật khi làm tang lễ cho người mất. Nhưng dần dần người dân Trung Quốc cũng tỉnh ngộ và đã cùng nhau bỏ dần đi tục lệ đốt vàng mã. Điều này khiến cho những nhà làm nghề vàng mã bị thất nghiệp.
Vương Luân là dòng dõi của Vương Dũ đã lập ra các âm mưu để phục hưng lại nghề vàng mã này. Ông cho một người giả ốm nặng cách đó vài hôm rồi loan tin chết vì bệnh ra cho người dân biết. Cái xác giả kia sẽ được khâm liệm và cho vào quan tài có đục sẵn lỗ hổng để tiếp tế thức ăn và đồ uống. Khi hàng xóm tới thăm viếng đông đúc, Vương Luân đã cùng với gia nhân và dòng họ của người đó mang tới rất nhiều đồ mã, có cả hình nhân thế mạng ra để cúng bái. Họ thực hiện cúng lễ các quan thiên phủ, địa phủ và quan nhân phủ. Trong khi người thân đang đau xót kêu khóc, khẩn khứa thì quan tài bỗng rung lên.
Vương Luân lúc này cũng đã đứng sẵn ở bên của quan tài. Khi đó người giả chết cũng đã bật nắp quan tài đứng dậy, giả vờ lù đù, nhìn trước ngó sau như người mới từ “cõi âm” trở về, rồi mới bước ra khỏi quan tài với một điệu bộ như vừa chết đi sống lại. Sau đó người này đã kể lại cho người dân nghe việc mình thấy được khi chết là các thần thánh ở âm phủ sau khi nhận được quà biếu như “hình nhân thế mạng cùng tiền bạc, vàng mã...” nên đã tha cho 3 hồn 7 vía được phục sinh để trở về nhân thế.
Tai nghe mắt thấy như vậy nên dân chúng ai cũng tin đây là thật. Từ đó nghề hàng mã cũng đã được phục hưng lại và vẫn lưu truyền cho tới ngày nay.
“Tục đốt vàng mã là tạo điều kiện để các hoạt động mê tín dị đoan phát triển mạnh mẽ, làm ảnh hưởng tới phong tục, tập quán lành mạnh của dân tộc ta, ngoài ra việc đốt vàng mã còn rất dễ gây ra hiện tượng cháy nổ, lãng phí và phá hoại môi trường, dẫn đến dân trí ngu muội, xa rời luật Nhân Quả. Đạo phật, đạo Thiên chúa... cũng không chấp nhận việc đốt vàng mã”, ông Khanh nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí của năm. “Thanh” là khí trong, còn “minh” là sáng sủa, Thanh minh nghĩa là trời mát mẻ, quang đãng.
Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập xuân 45 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Theo quy ước, tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 4 - 5/4 và kết thúc vào khoảng ngày 20 - 21/4 dương lịch, rơi vào khoảng tháng 3 âm lịch.
Người xưa chọn ngày đầu của tiết Thanh minh để làm Tết Thanh minh. Tết Thanh minh của mỗi năm có sự xê dịch khác nhau. Tết Thanh minh 2025 rơi vào ngày 4/4 Dương lịch, tức thứ Sáu ngày 7/3 Âm lịch.
Mai Nguyễn