Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã giành thắng lợi vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, khép lại trang sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi lịch sử này mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
 |
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng. Ảnh tư liệu: TTXVN. |
Theo PGS, TS Đinh Quang Hải, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, một trong những yếu tố then chốt làm nên Đại thắng mùa xuân 1975 chính là sự nhạy bén, quyết đoán của Bộ Chính trị trong việc nắm bắt thời cơ chiến lược, quyết định đẩy nhanh kế hoạch giải phóng miền Nam, hoàn thành trong mùa Xuân 1975, sớm hơn so với dự kiến ban đầu (trong hai năm 1975-1976) đã được đề ra tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 - 8/01/1975).
Cục diện mới sau Hiệp định Paris: Thời cơ xuất hiện
Hiệp định Paris ký kết ngày 27/1/1973 là một bước ngoặt mang tính quyết định, tạo ra thế và lực mới vô cùng thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Mỹ buộc phải rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu, chấm dứt ném bom miền Bắc. Tuy nhiên, ở miền Nam, tiếng súng chưa dứt, hòa bình chưa thực sự lập lại do chính quyền Sài Gòn, với sự hậu thuẫn của Mỹ, vẫn tiếp tục thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước.
 |
Lễ ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu. |
Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (tháng 10/1973) đã đánh giá sắc bén cục diện mới. Nghị quyết Hội nghị chỉ rõ tình trạng chiến sự vẫn tiếp diễn ở miền Nam, đồng thời khẳng định mạnh mẽ sự lớn mạnh vượt bậc của lực lượng cách mạng: "Thế và lực của cách mạng miền Nam hiện nay mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào từ năm 1954 đến nay... Lực lượng vũ trang nhân dân ở miền Nam là lực lượng chiến thắng đang đứng vững trên các địa bàn chiến lược...".
Vị thế quốc tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng được nâng cao, đặc biệt sau khi được Hội nghị cấp cao các nước Không liên kết công nhận là chính phủ hợp pháp duy nhất. Vùng giải phóng rộng lớn, nối liền với hậu phương miền Bắc và các nước bạn Lào, Campuchia càng làm vững chắc vị trí chiến lược của cách mạng miền Nam. Thực tế chiến trường, như bà Nguyễn Thị Bình ghi nhận, cho thấy "tương quan địch - ta thay đổi nhanh chóng, có lợi cho ta".
Trên cơ sở đó, Hội nghị Trung ương 21 đã đề ra quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, khẳng định con đường bạo lực cách mạng và yêu cầu "nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công". Nghị quyết này là văn kiện lịch sử, đặt nền móng tư tưởng và chỉ đạo cho giai đoạn kết thúc chiến tranh.
Nhận định thời cơ, đẩy nhanh quyết tâm: Giải phóng miền Nam sớm hơn dự kiến
Thực hiện Nghị quyết Trung ương, hậu phương miền Bắc đã nỗ lực phi thường chi viện cho tiền tuyến. Trong hai năm 1973-1974, gần 25 vạn thanh niên miền Bắc nhập ngũ, bổ sung cho các chiến trường. Lực lượng vũ trang tại miền Nam cũng phát triển mạnh mẽ, quân số bộ đội địa phương và du kích tăng gần gấp ba lần. Hàng vạn cán bộ, thanh niên xung phong được điều động vào Nam.
 |
Thanh niên miền Bắc sôi nổi hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng (1969). Ảnh: Tư liệu TTXVN.
|
Về vật chất, khối lượng chi viện tăng vọt, đảm bảo vượt yêu cầu cho các chiến dịch lớn. Công tác hậu cần chiến lược được tổ chức chặt chẽ, hệ thống đường vận chuyển được củng cố, mở rộng. Sự chi viện to lớn này giúp các lực lượng vũ trang ba thứ quân ở miền Nam lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Các quân đoàn chủ lực mới được thành lập, trang bị mạnh, cơ động cao, tạo nên sự chuyển biến căn bản về so sánh lực lượng, giúp ta giữ vững thế chủ động, đẩy địch vào bị động.
Trong khi đó, nước Mỹ rơi vào khủng hoảng sau vụ Watergate và việc Tổng thống Nixon từ chức (8/1974). Chính quyền mới của G. Ford đối mặt nhiều khó khăn. Quốc hội Mỹ, với tâm lý chán ghét chiến tranh, đã cắt giảm mạnh viện trợ quân sự và kinh tế cho Sài Gòn. Viện trợ quân sự giảm hơn một nửa chỉ trong hai năm, tác động nghiêm trọng đến khả năng chiến đấu của quân đội Sài Gòn. Họ không thể tác chiến theo kiểu nhà giàu của Mỹ, phải chiến đấu "theo kiểu con nhà nghèo", thiếu thốn bom đạn, nhiên liệu, phương tiện, ngày càng bị động, co cụm.
Trước những chuyển biến thuận lợi, Bộ Chính trị họp từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/1974, đánh giá thời cơ chiến lược mới và thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976. Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nhấn mạnh trong thư gửi đồng chí Phạm Hùng: “Lúc này, chúng ta đang có thời cơ... chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn”. Đồng chí phân tích rõ đây là "thời cơ thuận lợi nhất", nếu bỏ lỡ sẽ rất phức tạp.
Các hoạt động Đông Xuân 1974-1975, đặc biệt chiến thắng Thượng Đức và chiến dịch Đường 14 - Phước Long (12/1974 - 1/1975), đã trở thành những phép thử chiến lược quan trọng. Việc ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long (6/1/1975) cho thấy sự yếu ớt của quân đội Sài Gòn và đặc biệt là phản ứng rất hạn chế của Mỹ (chỉ dừng ở đe dọa). Điều này khẳng định nhận định của Bộ Chính trị về khả năng can thiệp trở lại rất thấp của Mỹ và khả năng ta có thể đánh bại hoàn toàn quân đội Sài Gòn. Chiến thắng Phước Long thực sự là một đòn "trinh sát chiến lược", có ý nghĩa tầm chiến lược, "mở ra tiền đề cho cách mạng miền Nam thần tốc tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam" (Lê Duẩn).
Những thắng lợi này cung cấp cơ sở thực tiễn vững chắc cho Bộ Chính trị. Tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 - 8/01/1975), trong khi vẫn xác định kế hoạch cơ bản 2 năm, Bộ Chính trị đã dự kiến khả năng "thắng gọn trong năm 1975".
Diễn biến chiến trường sau đó ngày càng dồn dập. Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Tây Nguyên, đánh chiếm Buôn Ma Thuột làm trận then chốt mở màn (10/3/1975). Thắng lợi vang dội và sự tan rã nhanh chóng của địch tại đây đã tạo ra bước ngoặt mới. Ngay ngày 11/3, Bộ Chính trị nhận định "ta có khả năng giành thắng lợi to lớn và nhịp độ nhanh hơn dự kiến". Đồng chí Lê Duẩn đặt vấn đề xem xét đẩy nhanh kế hoạch.
Ngày 18/3, trước đà thắng lợi ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị họp và hạ quyết tâm lịch sử: hoàn thành kế hoạch giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
 |
Thanh niên miền Bắc sôi nổi hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng (1969). Ảnh: Tư liệu TTXVN.
|
Đến ngày 24/3, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng. Cục diện thay đổi căn bản. Ngày 25/3, Bộ Chính trị họp và đi đến một quyết định còn táo bạo hơn: “Thời cơ chiến lược lớn đã tới... Nắm vững thời cơ chiến lược mới... hoàn thành giải phóng miền Nam càng sớm càng tốt”, cụ thể là "hoàn thành giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa (tháng 5-1975)".
Song song đó, chiến dịch Trị Thiên - Huế (từ 5/3) và chiến dịch Đà Nẵng (từ 25/3) cũng giành thắng lợi thần tốc. Ngày 26/3, Huế được giải phóng. Ngày 29/3, Đà Nẵng và toàn tỉnh Quảng Đà được giải phóng.
Thời cơ chiến lược đã thực sự chín muồi
Thời cơ chiến lược đã thực sự chín muồi. Ngày 01/4/1975, Bộ Chính trị nhận định: "Ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ... thời cơ để mở Tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi". Bộ Chính trị quyết định: "Quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không thể để chậm". Tư tưởng chỉ đạo "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" được quán triệt.
Trên đà thắng lợi như vũ bão, quân ta liên tiếp giải phóng các tỉnh Duyên hải miền Trung, quần đảo Trường Sa. Sau khi Xuân Lộc thất thủ (21/4), Mỹ vội vã di tản và ép Nguyễn Văn Thiệu từ chức (23/4). Cùng ngày, Tổng thống Ford tuyên bố chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ.
 |
Nhân dân Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban quân quản thành phố ra mắt ngày 7/5/1975. Ảnh tư liệu: TTX. |
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 diễn ra với tốc độ "một ngày bằng hai mươi năm". Chỉ trong 55 ngày đêm (từ 4/3 đến 30/4/1975), bằng sức mạnh áp đảo về quân sự, chính trị và sự kết hợp tài tình giữa tiến công và nổi dậy, qua các trận đánh then chốt nối tiếp nhau, quân và dân ta đã đập tan hoàn toàn chính quyền và quân đội Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam đã kết thúc thắng lợi, chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân đế quốc, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam- kỷ nguyên độc lập, thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Với đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ, Đảng ta đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng, quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược. Trên cơ sở nắm vững tình hình, tranh thủ thời cơ thuận lợi, hạ quyết tâm chiến lược kịp thời, chính xác, Đảng ta đã chứng tỏ được sự đúng đắn, sắc sảo, nhạy bén trong chỉ đạo chiến lược và nghệ thuật tạo thời cơ và nắm chắc thời cơ, tạo nên những bước ngoặt chiến lược làm thay đổi cục diện có lợi cho ta để đi đến giành được những thắng lợi mang tính quyết định, kết thúc cuộc chiến tranh. Đó là nét đặc sắc nhất của chỉ đạo chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đánh giá về chỉ đạo chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) nêu rõ: “Đã nhận rõ âm mưu của đế quốc Mỹ, đánh giá đúng lực lượng so sánh giữa ta và địch và đề ra chủ trương chiến lược chính xác, sắc bén và linh hoạt để đánh bại âm mưu và hành động chiến tranh của Mỹ-ngụy trong từng thời kỳ, đi đến chiến thắng hoàn toàn chiến tranh xâm lược của chúng”.
Thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975 đã thực hiện được ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyện vọng cháy bỏng trong suốt 3o năm kể từ năm 1945 của toàn thể dân tộc Việt Nam là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
“Quá trình đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của dân tộc ta đi đến giành thắng lợi hoàn toàn và những bài học lịch sử quý giá của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị”, , TS Đinh Quang Hải cho hay.
Mai Nguyễn