Tại địa phương đẩy mạnh kiểm tra liên ngành thực hiện an toàn thực phẩm… được coi là các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Đồng loạt tăng cường giám sát chất lượng an toàn thực phẩm
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, các địa phương đều làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, nhà ăn tập thể, đối tượng theo phân cấp quản lý;
Xử lý nghiêm vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc.
Để phòng, chống ngộ độc thực phẩm, từ đầu năm đến nay, huyện Thạch Thất thực hiện tốt các mô hình về an toàn thực phẩm; triển khai, chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin về việc tổ chức các bữa cỗ tập trung đông người, các sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Thất Vương Thị Ngọc Diên cho biết, cùng với công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, huyện thường xuyên chú trọng việc lấy mẫu thực phẩm, xét nghiệm nhanh.
Đến nay, huyện đã lấy tổng số 8.090 mẫu, trong đó có 600 mẫu không đạt yêu cầu; gửi xét nghiệm 10 mẫu, phát hiện 1 mẫu không đạt yêu cầu. Tuyến xã xét nghiệm nhanh 7.500 mẫu, trong đó có 752 mẫu không đạt yêu cầu. Đối với mẫu không đạt, huyện yêu cầu các chủ cơ sở khắc phục.
Tại thị xã Sơn Tây, Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn thông tin, từ đầu năm đến nay, thị xã đã chủ động giám sát phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Do đó, trên địa bàn không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
Để làm được việc này, thị xã chủ động tổ chức hội nghị tuyên truyền văn bản mới, kiến thức an toàn thực phẩm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn về thực trạng công tác an toàn thực phẩm; công bố cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm được thực hiện đa dạng bằng nhiều hình thức, có sự phối hợp giữa UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân cùng vận động, giám sát an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, UBND thị xã bố trí kinh phí mua test xét nghiệm nhanh, lấy mẫu nước xét nghiệm xác định mối nguy trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Các đoàn kiểm tra liên ngành của thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát 2.160 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ghi nhận 1.962 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm 90,8%; xử phạt vi phạm hành chính 31 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 250 triệu đồng.
Các đoàn kiểm tra liên ngành của thị xã cũng đã tổ chức xét nghiệm nhanh 11.921 mẫu, trong đó có 11.141 mẫu đạt yêu cầu, bằng 93,4% (các mẫu không đạt do còn tinh bột ở dụng cụ ăn uống sau khi vệ sinh).
|
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại Hà Nội. |
Giám sát an toàn thực phẩm từ cơ sở
Thời gian qua, để bảo đảm công tác an toàn thực phẩm, huyện Phú Xuyên đã kiện toàn Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm và các đoàn thanh tra chuyên ngành, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn.
Trưởng phòng Y tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Thị Bích Phượng cho biết, đến nay, toàn huyện có 2.426 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.
Trong đó, thành phố quản lý 14 cơ sở; huyện quản lý 156 cơ sở; xã, thị trấn quản lý 2.256 cơ sở; ngành Nông nghiệp quản lý 856 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; ngành Công Thương quản lý 805 cơ sở; ngành Y tế quản lý 765 cơ sở (113 cơ sở thức ăn đường phố, 611 cơ sở dịch vụ ăn uống, 34 bếp ăn tập thể...).
Để giám sát an toàn thực phẩm từ sản xuất tới sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, huyện khuyến khích các cơ sở chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi, chế biến, bảo quản thực phẩm... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cung ứng cho thị trường. Nhờ đó, một số cơ sở sản xuất nông sản tại các xã: Tân Minh, Hồng Thái… tạo được thương hiệu rau xanh, thực phẩm sạch cung cấp ổn định cho các trường học.
Đặc biệt, nhằm bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung đông người trên địa bàn, huyện Phú Xuyên yêu cầu Trung tâm Y tế thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm. Theo đó, 100% số cán bộ phụ trách về vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các xã, thị trấn đều được tập huấn về giám sát, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại những buổi tiệc nhiều người tham dự...
Mặt khác, huyện thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn thực phẩm tại 100% số bếp ăn tập thể, nhất là bếp ăn tại các trường học, công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề... Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Xuyên không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
Tại Thanh Oai, từ đầu năm 2024 đến nay, nhằm nâng cao ý thức cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật An toàn thực phẩm…
Các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm từ cơ sở; qua đó, kịp thời xử lý trường hợp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Oai Lê Văn Bắc cho biết, đến nay, trên địa bàn huyện có 2.084 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó có 879 cơ sở sản xuất, 419 cơ sở kinh doanh.
Số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể là 586; cơ sở thức ăn đường phố là 200. Từ đầu năm đến nay, huyện yêu cầu các phòng chức năng, xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ngoài ra, toàn huyện thành lập 33 đoàn kiểm tra; tuyến huyện đã kiểm tra tổng số 130 cơ sở, xử lý kịp thời 8 trường hợp vi phạm, tổng số tiền phạt 178 triệu đồng; buộc tiêu hủy 120 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, 120kg thịt đùi vịt, 950kg thịt lườn vịt, 450kg nầm lợn, 117kg thịt ức và nội tạng gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Các xã, thị trấn đã kiểm tra 985 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ theo thẩm quyền quản lý, phát hiện và xử lý vi phạm 58 cơ sở; xử lý vi phạm hành chính 58/58 cơ sở, tổng số tiền phạt là 204 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 1 trường hợp ngộ độc methanol tại thị trấn Kim Bài.
Để giám sát an toàn thực phẩm từ gốc, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm, nhất là Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, huyện vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhà cung cấp, phân phối, người tiêu dùng thực phẩm tự giác, gương mẫu thực hiện quy định về an toàn thực phẩm; thay đổi hành vi, thói quen, cách sống mất vệ sinh, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu; bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân...
Bên cạnh đó, huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.
Mặt khác, huyện đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm…
Tăng cường kiểm soát và xử lý kịp thời
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, để bảo đảm an toàn thực phẩm, các địa phương cần tổ chức tập huấn cho người tiêu dùng cách lựa chọn thực phẩm, nguyên tắc trong chế biến thực phẩm an toàn, cách xử lý khi nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm.
Đồng thời, các cơ quan chức năng của huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Bên cạnh đó, các địa phương cần làm tốt các mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn; tổ chức giám sát, phát hiện trường hợp ngộ độc thực phẩm để xử lý, điều trị kịp thời; phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố trong điều tra, xử lý sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn (nếu có); tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; yêu cầu các cơ sở công khai giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, danh sách cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm... nhằm tạo nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng...
Thúy Nga