UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND cao điểm truyền thông về ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2025.
Theo đó, mục đích của đợt cao điểm truyền thông này nhằm tạo chuyển biến thực chất trong nhận thức và hành động của các chủ thể, bao gồm: Người tiêu dùng, người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Trong đó chú trọng khơi dậy và phát huy cao độ ý thức về quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân được sử dụng thực phẩm an toàn, được bảo vệ sức khỏe; quyền của người tiêu dùng thực phẩm, đồng thời là khách hàng, là thị trường có vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Cùng với đó, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, trong đó, an ninh, an toàn thực phẩm được đề cao, trở thành yêu cầu thường trực, bắt buộc; kiên trì đấu tranh trên mặt trận truyền thông với mọi đối tượng, mọi hành vi gây mất an toàn, vệ sinh thực phẩm, gây nguy cơ dịch bệnh, tổn hại đến sức khỏe cộng đồng.
“Truyền thông liên tục, thường xuyên, định kỳ, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, truyền tải các thông điệp hữu ích, dễ nhớ, dễ làm, dễ lan tỏa trong cuộc sống.
|
Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra hồ sơ pháp lý, nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn của một khách sạn trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Thu Trang |
Mặt khác, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, kết hợp các loại hình thông tin truyền thống và hiện đại, chú trọng các loại hình truyền thông mới, tối đa hóa tiếp cận các đối tượng thụ hưởng thông tin”, UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Ngoài hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí của thành phố, đợt cao điểm này còn đẩy mạnh tuyên truyền trên trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.
Cụ thể, đăng tải thông tin kịp thời trên các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Lotus... về hoạt động triển khai của các cấp, các ngành thành phố; lan tỏa những thông tin tích cực, gương người tốt - việc tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hay trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của thành phố; góp phần cùng với các cơ quan báo chí, truyền thông đấu tranh, phê phán các hành vi gây mất an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, thiết lập trang Fanpage chính thức (có tick xanh) của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố nhằm cung cấp thông tin chính thống, tập trung, kịp thời; đồng thời là kênh tương tác hai chiều giữa người dân và các cơ quan chức năng trong tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm.
Đây cũng là kênh thông tin uy tín, đáng tin cậy để các cơ quan truyền thông khai thác thông tin, góp phần lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố.
UBND thành phố cũng yêu cầu, nội dung tuyên truyền phải thường xuyên, kiên trì tuyên truyền, khẳng định và làm nổi bật quan điểm của Đảng rất quan tâm đến công tác an toàn thực phẩm; gắn an toàn thực phẩm với vấn đề an ninh theo tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TƯ ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới;
Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 16/8/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội, coi “an ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc”.
Bên cạnh đó, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, tăng cường lồng ghép tuyên truyền các nội dung về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhấn mạnh nhóm quyền “lựa chọn” để phát tín hiệu thị trường, cảnh báo cộng đồng, đấu tranh, lên án các chủ thể vi phạm pháp luật, tẩy chay sản phẩm thực phẩm vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn về vệ sinh, an toàn…
Thúy Nga