Quả vải bao gồm chủ yếu là nước (82%) và carbs (16.5%). Trong 100 gram quả vải tươi có các chất dinh dưỡng 66 calo; 16.5 gram Carbs; 0.8 gram đạm; 15.2 gam đường; 0.4 gam chất béo; 1.3 gram chất xơ.
Ngoài ra, quả vải còn rất giàu vitamin và các loại khoáng chất, bao gồm: Vitamin C, kali, đồng, vitamin nhóm B, C, E, K, beta carotene, epicatechin, rutin và nhiều hợp chất thực vật chống oxy hóa khác nhau.
Quả vải đang chín rộ, 7 nhóm người hạn chế ăn tránh gây hại sức khỏe. Ảnh minh họa
Lợi ích của quả vải đối với sức khỏe
Làm đẹp da
Vải thiều chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa có lợi cho da. Ăn vải đúng cách sẽ giúp làn da của bạn trở nên khỏe đẹp, tràn đầy sức sống và tươi trẻ hơn.
Giúp xương chắc khỏe
Tác dụng của vải thiều không chỉ làm đẹp mà công dụng tốt với hệ xương khớp. Vải thiều bổ sung phốt pho, magie và mangan để giúp cải thiện độ giòn của xương. Cùng với đó, kẽm và đồng có trong vải thiều còn thúc đẩy hoạt động của vitamin D. Từ đó, tăng cường hấp thu canxi, duy trì xương chắc khỏe.
Chống lão hoá
Vải thiều có hàm lượng polyphenol cao, là một trong những chất chống oxy hóa mạnh mẽ chống lại quá trình lão hóa của cơ thể. Kết hợp với vitamin C và B có trong vải thiều sẽ giúp ngăn ngừa ung thư da và viêm da, đồng thời bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường và tia cực tím.
Tốt cho tóc
Vitamin C có trong vải thiều chiếm một phần lớn, có vai trò tích cực trong việc ngăn ngừa các gốc tự do gây hại cho tóc, đảm bảo cung cấp đủ máu cho các nang tóc. Nhờ đó, tóc mọc tốt, chắc khỏe và giảm tình trạng khô, gãy rụng.
Tốt cho tim mạch
Một công dụng khác của polyphenol trong vải thiều là giúp cải thiện hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Ngoài ra, vải thiều còn rất giàu vitamin C giúp bảo vệ tim rất tốt, tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Phòng chống ung thư
Cùi vải thiều chứa nhiều hợp chất flavonoid, polyphenol và chất chống oxy hóa có thể ngăn ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Vải thiều có thể hạn chế tác hại của hóa trị ung thư.
Có lợi cho hệ tiêu hoá
Nhờ hàm lượng chất xơ nên ăn vải thiều sẽ kiểm soát các vấn đề về đường ruột. Vải thiều giúp dạ dày tránh tích tụ chất độc từ đó làm sạch ruột và dạ dày, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, tạo cảm giác ngon miệng và chữa chứng ợ nóng.
Giảm nguy cơ đột quỵ
Hàm lượng cholesterol và natri không đáng kể trong quả vải giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ và các tình trạng sức khoẻ khác như tổn thương oxy hoá, viêm nhiễm, xơ vữa động mạch, tim mạch, huyết áp và các vấn đề nội mô. Sự phát triển của các mảng bám trong cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng đột quỵ hoặc đau tim. Với hàm lượng vitamin C cao trong vải sẽ giúp bạn ngăn ngừa được những nguy cơ này.Giảm tình trạng chuột rút cơ bắp: Quả vải có chứa nhiều kali và nước, giúp tăng cường sức mạnh của cơ bắp và làm giảm đáng kể được tình trạng chuột rút cơ bắp thường xảy ra do cơ thể bị mất nước.
Bổ sung nước cho cơ thể
Hàm lượng nước dồi dào trong quả vải giúp chúng trở thành một cách hoàn hảo để xoa dịu cơn khát và làm mát cơ thể trong những ngày hè oi bức cao điểm. Có thể bổ sung nước và các chất điện giải cho cơ thể thông qua việc ăn vải trực tiếp hoặc ép thành nước uống.
Những ai nên hạn chế ăn vải?
Người bị tiểu đường
Trong 100g vải thiều chứa tới 15.2g đường, nếu ăn nhiều sẽ làm tăng lượng đường trong máu ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose. Ăn nhiều vải thiều khiến lượng đường trong máu vượt quá khả năng hấp thụ và chuyển hóa của gan khiến lượng đường trong máu tăng nhanh, không tốt cho người mắc bệnh tiểu đường. Do đó, bệnh nhân tiểu đường nên hạn chế tiêu thụ vải thiều.
Người nhạy cảm dị ứng
Những người có cơ thể nhạy cảm dễ dị ứng nên chú ý khi ăn vải. Trong vải có hàm lượng đường cực kỳ cao, khi được hấp thụ vào cơ thể sẽ sản sinh nhiều vi khuẩn gây hại khiến bị nổi rôm sảy, da bị mẩn đỏ hoặc thậm chí là dẫn đến tiêu chảy, ói mửa, hoa mắt, đau đầu, chóng mặt, suy hô hấp. Do đó những đối tượng này càng cần chú ý tránh ăn nhiều vải một lúc.
Người bị thủy đậu
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thủy đậu là do phong nhiệt trong khi đó vải lại là trái cây nhiều đường dễ gây phong nhiệt. Bên cạnh đó, với tính nóng vốn có của mình, quả vải có thể làm mất sự cân bằng của cơ thể, gây ra những triệu chứng khác như nổi nhiệt miệng, nóng trong người, nổi mụn.
Phụ nữ đang mang thai giai đoạn đầu
Giai đoạn đầu thai kỳ rất quan trọng nên phụ nữ cần chú ý chế độ ăn. Quả vải có lượng đường cao nên nếu ăn quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể thai phụ, khiến đường huyết tăng vọt, ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Phụ nữ mang thai thường có khả năng mắc bệnh tiểu đường cao hơn so với người bình thường do chế độ ăn nhiều chất dinh dưỡng để thai nhi phát triển toàn diện.
Người thừa cân
Vải thiều chứa nhiều hợp chất pectin và chất xơ giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng hiệu quả. Nhưng bên cạnh đó, lượng đường mà cơ thể hấp thụ từ vải thiều cũng lớn, dẫn đến tích tụ mỡ và giữ nước trong cơ thể khiến các cơ quan dễ bị phù nề, thừa cân.
Trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ là đối tượng nhạy cảm, tiêu hóa còn yếu. Quả vải có vị ngọt thanh nên trẻ thường rất thích ăn nhưng nếu trẻ ăn nhiều sẽ bị rối loạn trong quá trình chuyển hóa đường, gây nóng trong người dẫn đến khó tiêu, nổi rôm sảy và có thể gây sốt cao. Các gia đình chỉ nên ăn khoảng 5-6 quả trong một lần ăn là đã cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
Những người mắc bệnh tự miễn dịch
Bệnh tự miễn dịch là hiện tượng hệ miễn dịch bị rối loạn. Quả vải chứa rất nhiều vitamin C và hoạt chất chống oxy hóa mạnh, vì thế, với những người mắc bệnh tự miễn dịch, ăn nhiều vải sẽ làm tăng các triệu chứng bệnh như đa xơ cứng tế bào thần kinh, lupus, viêm khớp dạng thấp.
Giang Thu