Tại khoa Ngoại Gan mật - Tiêu hóa - Ung bướu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, nữ bệnh nhân 46 tuổi tới khám được đánh giá sức khỏe ổn định, chỉ số xét nghiệm chức năng gan tốt. Nhìn dáng vẻ bên ngoài và kết quả này ít ai biết rằng chị đang điều trị căn bệnh ung thư gan trong suốt 4 năm qua và đây là lần tái khám.
Năm 2018, bệnh nhân phát hiện mắc ung thư với khối u 6,5cm trong gan, được phẫu thuật cắt bỏ. Năm 2019, chị tiếp tục trải qua hai lần đốt gan. Tháng 9/2020, bệnh nhân được điều trị nút mạch.
Nhiều người thường quan niệm người mắc ung thư gan đồng nghĩa với nhận "án tử", thời gian sống rất ngắn. Tuy nhiên, nhờ tuân thủ điều trị, bệnh nhân này vẫn khỏe mạnh, tăng thêm 5kg. Người phụ nữ này còn tâm sự người dân ở làng mình sinh sống không ai tin chị là bệnh nhân ung thư gan.
Chia sẻ về một trường hợp điển hình khác, bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Khoa Ngoại Gan Mật - Tiêu hóa - Ung bướu, cho biết đó là nữ bệnh nhân 61 tuổi được cấp cứu thành công dù vào viện với khối u gan khổng lồ. Sau mổ 4 tháng, sức khỏe, các chỉ số xét nghiệm, chức năng gan của bà đều ổn định.
Thực tế, các bác sĩ của khoa còn ghi nhận nhiều bệnh nhân khởi phát ung thư gan từ viêm gan B vẫn có thể kéo dài thêm thời gian sống nếu được điều trị tốt.
Thông tin về phương pháp điều trị căn bệnh này, bác sĩ Giang cho biết bệnh nhân có thể được đốt u, đốt mạch, cắt, ghép gan. Trong đó, cắt gan vẫn là biện pháp chính. Tuy nhiên, việc điều trị ung thư gan là quá trình phối hợp lâu dài giữa nhiều biện pháp, không thể giải quyết chỉ bằng một liều thuốc hay một cuộc phẫu thuật.
Hiện nay, nước ta có gần 8 triệu người mắc viêm gan B, 1 triệu người mắc viêm gan C. Trong khi đó, nhận thức về viêm gan virus của người dân còn hạn chế dẫn tới các biến chứng âm thầm hậu quả dẫn tới xơ gan và ung thư gan.
Do đó, bác sĩ Giang khuyến cáo để việc phòng chống ung thư gan đạt hiệu quả, người dân cần khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc viêm gan bằng xét nghiệm máu, hạn chế uống rượu bia, ăn uống lành mạnh, tăng cường tập luyện…