Thường xuyên bị tiêu chảy, đau bụng, lúc nào cũng muốn đi vệ sinh, đối mặt với đủ loại thức ăn mình thích mà không dám ăn, bệnh tật tái đi tái lại, uống thuốc dài ngày, chịu đủ thứ hành hạ... Những rắc rối không thể tưởng tượng này có thể là trải nghiệm hàng ngày của bệnh nhân mắc bệnh Crohn hay "ung thư xanh".
Vậy bệnh Crohn là gì? Có khó điều trị không?
Bệnh Crohn (CD) là một bệnh viêm mãn tính, tái phát không đặc hiệu của đường ruột, nó cũng là một loại bệnh viêm ruột (IBD), có người gọi là bệnh ung thư xanh, tức là tỷ lệ tử vong thấp, nhưng diễn biến lâu dài và khó chữa.
Cụ thể, đây là bệnh viêm ruột xuyên thành mạn tính thường ảnh hưởng đến đoạn xa của hồi tràng và ruột kết nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa.
Theo số liệu thống kê, lứa tuổi có tỷ lệ mắc bệnh Crohn cao nhất là từ 18 đến 30 tuổi, thanh thiếu niên dưới 14 tuổi và trung niên, người già trên 50 tuổi cũng có thể mắc bệnh.
Các triệu chứng của bệnh Crohn
Biểu hiện lâm sàng của bệnh Crohn rất phức tạp và hay thay đổi, nhiều bệnh nhân Crohn giai đoạn đầu bị chẩn đoán nhầm thành viêm ruột thừa, viêm loét đại tràng, lao ruột, trĩ…
|
Ảnh minh hoạ. |
Các triệu chứng ban đầu phổ biến nhất của bệnh Crohn là tiêu chảy mãn tính, đau quặn bụng, sốt, chán ăn và sụt cân. Các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần hoặc tự khỏi.
Các lần bệnh tái phát nghiêm trọng có thể gây đau bụng dữ dội, mất nước và xuất huyết tiêu hóa. Bên cạnh đó, những người mắc bệnh Crohn thường mắc bệnh quanh hậu môn, dễ có vết nứt hậu môn. Theo các chuyên gia y tế, lỗ rò và áp xe phát triển quanh hậu môn ở một phần ba số người mắc bệnh Crohn.
Bệnh Crohn cũng có thể dẫn đến các biến chứng ở những nơi khác trong cơ thể, chẳng hạn như sỏi mật, kém hấp thu chất dinh dưỡng, nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, v.v.
Bệnh Crohn hiện chưa có thuốc chữa
Hiện nay vẫn chưa có dữ liệu giải thích rõ ràng nguyên nhân gây ra bệnh Crohn, một số học giả ước tính rằng sự xuất hiện của bệnh Crohn có liên quan đến các yếu tố như di truyền, miễn dịch, nhiễm trùng, môi trường và tinh thần.
Một số bệnh nhân có thể không có triệu chứng lâm sàng trong nhiều năm, trong khi một số bệnh nhân có thể tái phát thường xuyên. Các phương pháp điều trị hiện tại có thể kiểm soát bệnh và làm giảm các triệu chứng, nhưng chúng không thể chữa khỏi bệnh Crohn.
Điều này đồng nghĩa với việc một khi được chẩn đoán mắc bệnh Crohn, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với quá trình rất dài tìm kiếm phương pháp điều trị y tế, đồng thời chịu gánh nặng tâm lý và tài chính nặng nề.
Lời khuyên cho những người mắc bệnh Crohn
Bệnh Crohn là một bệnh đường tiêu hóa, vì vậy người bệnh nên chú ý đến sức khỏe đường ruột trong cuộc sống của mình.
Người bệnh nên ăn ít dần, chia nhiều bữa, nên bổ sung các thực phẩm giàu năng lượng, dinh dưỡng cao, ít chất xơ, ít béo, dễ tiêu hóa;
Tránh thức ăn nhiều đường, nhiều chất béo, nhiều chất phụ gia, nhiều gia vị và chất kích thích;
Không nên ăn những thức ăn cơ thể không dung nạp được như tôm, cua, lạc, v.v.
Ngoài ra, sữa có thể làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy nên người bệnh cần tránh dùng sữa và các sản phẩm từ sữa. Khi mắc bệnh, người bệnh nên kiêng ăn rau sống, trái cây và các gia vị có tính kích thích.
Có bằng chứng cho thấy hút thuốc có liên quan chặt chẽ với bệnh Crohn, vì vậy, bệnh nhân mắc bệnh Crohn phải bỏ thuốc lá.
Kiều Dụ (Theo SH)