Ăn gạo lứt muối mè và luyện dưỡng sinh trị tiểu đường

Google News

(Kiến Thức) - Bà Lê Thị Kim Dung đã kiên trì thực hiện chế độ ăn gạo lứt muối mè và tập luyện để đưa đường huyết về ổn định mức bình thường.

Với mức đường huyết trên 7,2mmol duy trì trong nhiều tháng, bác sĩ đã chỉ định bà Lê Thị Kim Dung (74 tuổi ở 3A8 Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) phải dùng thuốc cả phần đời còn lại. Do sợ uống thuốc và các biến chứng nguy hiểm của tiểu đường nên bà đã kiên trì thực hiện chế độ ăn kiêng, ăn gạo lứt muối mè và tập luyện để đưa đường huyết về ổn định mức bình thường.
Không có biểu hiện nhưng đường huyết tăng cao
Bà Dung cho biết, cách đây 3 năm do thường xuyên mất ngủ, người mệt mỏi nên bà đi khám, nào ngờ xét nghiệm máu chỉ số đường huyết của bà cao 7,1mmol/l. Bác sĩ kết luận bà bị tiểu đường. Bà rất ngạc nhiên vì không thấy có các biểu hiện của bệnh như khát nhiều, ăn nhiều và tiểu nhiều... Bác sĩ giải thích, nhiều người mắc đái tháo đường, đặc biệt là người cao tuổi, không có triệu chứng. 
Ở thời điểm chẩn đoán đái tháo đường, các biến chứng muộn thường đã có mặt nhưng cũng không có triệu chứng. Người bệnh đến gặp thầy thuốc chỉ với những triệu chứng không đặc hiệu, thậm chỉ cả triệu chứng sụt cân nhẹ và vừa, thậm chí triệu chứng mệt mỏi nhẹ và vừa cũng có người bệnh bỏ qua. 
Những triệu chứng kinh điển của tăng glucose máu như đái nhiều, khát nhiều, uống nhiều và ăn nhiều thường là mờ nhạt, nếu có cũng không điển hình hoặc được lý giải theo khía cạnh bệnh lý khác. Đái nhiều có thể được lý giải nhầm là đái dầm, là không nhịn được tiểu do các vấn đề cơ học của bàng quang do tuổi tác hoặc là nhiễm trùng đường tiết niệu. Uống nhiều thường nhẹ hoặc không rõ do tăng ngưỡng của thận với glucose và giảm cơ chế khát với tuổi già. Ăn nhiều khó được nhận thấy vì người cao tuổi thường có chán ăn khi mắc bệnh...
“Nghe bác sĩ giải thích tôi rất sợ, nhất là khi đái tháo đường ở người già như chúng tôi đường huyết không cao nhiều nhưng lại có nhiều biến chứng khác như viêm đau quanh khớp vai, teo cơ, suy kiệt, tổn thương thần kinh, mất thị lực, thiếu máu cục bộ, suy tim sung huyết, bệnh mạch máu ngoại vi hoặc bệnh mạch máu não...”, bà tâm sự. Thực tế, bà thường xuyên mất ngủ, mỗi đêm tỉnh ngủ 4 – 5 lần, đặc biệt rất đau xương khớp, bị thoái hóa cột sống, xẹp đĩa đệm đau sụn... không ngồi được lâu, mỗi khi ngồi đứng dậy, phải đấm lưng mãi mới đứng thẳng được.
An gao lut muoi me va luyen duong sinh tri tieu duong
Nhờ áp dụng nghiêm ngặt chế độ ăn uống và tích cực tập luyện dưỡng sinh, mức đường huyết của bà Dung đã ở ngưỡng bình thường. 
Sợ biến chứng nên quyết liệt trong sinh hoạt
Bà Dung cho biết, bác sĩ khuyên bà trước mắt nên thực hiện chế độ ăn uống và tập luyện để điều chỉnh nếu dùng thuốc sẽ phải uống cả đời. Về nhà bà cũng thực hiện theo như bác sĩ nói nhưng sau 1 tháng khám lại đường huyết vẫn không giảm, tháng thứ 2, thứ 3, lại còn tăng cao hơn tháng đầu tiên lên 7,2mmol/l và bác sĩ bắt buộc bà phải uống thuốc để ngăn các biến chứng. Nhận thuốc về bà càng sợ vì hàng xóm nhà bà có người bị tiểu đường uống thuốc mà vẫn bị rụng cả chân, mắt nhìn mờ, bị tim mạch... Bà quyết tâm áp dụng nghiêm ngặt chế độ tập luyện và ăn uống.
Bà Dung cho biết, để giảm cân và quyết liệt giảm đường huyết, 3 tháng liền bà ăn gạo lứt muối mè đưa cân nặng từ 62kg xuống còn 58kg và hiện là 54kg. Sau đó, bà tuân thủ triệt để trong chế độ ăn: Dùng nhiều những thứ có năng lượng thấp, tăng cường rau xanh, bí ngô, bí đao, bún, miến cháo... Mỗi bữa chỉ ăn lưng bát cơm, không ăn đồ ngọt quá, kể cả những thứ hoa quả ngọt như hồng xiêm, lê, táo... Tuyệt đối không ăn phủ tạng động vật, chỉ ăn thịt nạc, lườn của gia cầm và ăn nhiều cá hơn. 
Đặc biệt, ngoài chế độ ăn gạo lứt muối mè, bà tích cực tập luyện. Sáng nào bà cũng dành hơn 1h đồng hồ để tập 56 động tác dưỡng sinh, tập thái cực quyền, thái cực kiếm... Chiều dành 50 phút – 1 giờ để đi bộ. Ngoài ra, bà cũng dùng một số loại thực phẩm chức năng để bổ sung vi chất... Nhờ đó, sau 3 tháng đường huyết của bà xuống mức 6,7mmol/l rồi 6,4 và hiện duy trì ở mức 6,2mmol/l, tức là ở ngưỡng bình thường không còn bị tiểu đường nữa. 
“Người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 đáp ứng tốt chỉ với chế độ ăn và luyện tập mà không cần dùng thuốc. Nguyên tắc chung của chế độ ăn là phải cân bằng, hợp lý về chế độ dinh dưỡng, giảm thu nhập các đường đơn và chất béo. Thành phần của chế độ ăn bao gồm 15 – 20% tổng thu nhập năng lượng là protein, 25 – 30% là chất béo và 50 – 60% là carbohydrat, dưới 10% là đường đơn. Cần chú ý đến sự phân bố đều lượng carbohydrat trong suốt cả ngày, nhất là khi luyện tập. Chế độ luyện tập phải thường xuyên, thích hợp với khả năng vận động và tình trạng cơ thể”.
PGS.TS Tạ Văn Bình (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rối loạn chuyển hóa và Đái tháo đường)
Nhật Hà