Tiểu đường là nỗi lo lắng của nhiều người trung tuổi. Có những trường hợp đường huyết không ổn định sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng cũng có người bằng phương pháp tập luyện, kết hợp dùng thuốc đã đẩy lui bệnh trong nhiều năm.
Ổn định đường huyết sau 14 năm phát hiện bệnh
Gặp ông Trần Văn Vệ (sinh năm 1950, số nhà 152, khu tập thể Viện Khoa học Nông nghiệp, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) vào một buổi chiều, khi ông vừa đi làm thêm về, không ai có thể ngờ rằng 14 năm mắc bệnh tiểu đường mà ông vẫn giữ sức khoẻ tốt như vậy. Đặt vỏ chai nước lá đã uống hết lên bàn, ông Vệ chia sẻ: “Tôi vốn là cán bộ tại Viện Khoa học Nông nghiệp. Cách đây 14 năm tôi thấy mình uống nước nhiều, khát nước, đi giải rất nhiều, đặc biệt về đêm. Ăn uống nhanh đói, mà mình không lao động nặng.
Thấy vậy, tôi đi kiểm tra sức khoẻ thì được biết mức đường huyết lên tới 14mmol/l. Tôi nằm viện 1 tuần theo dõi, sau đó được bác sĩ kê đơn thuốc Tây để uống. Tôi uống đều đặn, nhưng người vẫn hay mệt mỏi, mất ngủ, mức đường huyết lên xuống thất thường. Khi phát hiện thêm có một số dấu hiệu của biến chứng ở chân như loét một số đầu ngón chân, tôi mới lo lắng tìm hiểu nhiều cách để phòng ngừa biến chứng và ổn định đường huyết...”.
Qua nhiều người bạn đã từng tham gia tập luyện môn cảm xạ học, năm 2013, ông Vệ đã đăng ký tại Viện Năng lượng Sinh học Việt Nam để tập luyện. Nhờ sự hướng dẫn của TS Nguyễn Ngọc Sơn, chuyên gia cảm xạ học, sau 20 ngày tập luyện thì chỉ số sức khoẻ của ông đã khá tốt. Sau đó, ông Vệ tự về nhà tập luyện đều đặn và sức khoẻ tốt lên, mức đường huyết ổn định. Đặc biệt, ông không để thời gian rảnh rỗi mà đã nhận làm thêm khi về hưu.
Quan trọng là phải kiên trì
Chia sẻ về cách tập luyện, ông Vệ cho hay: “2 năm qua, tôi kiên trì ngày tập 2 lần, mỗi lần 30 - 45 phút. Tập cảm xạ là phải kiên trì, kết hợp với tập khoa học. Bạn cần tập lúc đói và cách giờ ngủ tối 3 - 4 tiếng sẽ đem lại hiệu quả. Bạn có thể tập bài múa ôm cầu tròn với nhiều tư thế như múa vắt chéo chân, chùng 2 chân, người ngả về đằng sau...
Sau khi tập xong bài múa ôm cầu tròn có thể kết hợp ngồi thiền động, thiền tĩnh. Người già thường mất ngủ thì nên tập thiền tĩnh. Tập xong có thể thực hiện thêm động tác là lấy hai tay xoa lại với nhau đến khi nóng rồi vuốt vào bàn chân, nhằm mục đích đẩy các khí độc trong cơ thể ra bàn chân, bàn tay và ra ngoài...
Sự kiên trì đó đã khiến ông Vệ đẩy lùi bệnh tiểu đường. Mấy tháng đầu, sau tập cảm xạ học ông đi thăm khám bác sĩ thì mức đường huyết đã giảm rõ rệt, xuống còn 8mmol/l. Sau 2 năm tập luyện, hiện nay mức đường huyết của ông ổn định ở mức 5,5mmol/l, ông khoẻ mạnh và có thể tham gia lao động như người bình thường. Từ khi có bệnh, ông bắt đầu nghiên cứu các tài liệu, phương pháp phối hợp trị bệnh.
Ngoài tập luyện ra, ông Vệ còn áp dụng bài thuốc từ các loại lá cây trong cuốn những thảo dược đặc trị bệnh tiểu đường. Trong đó có các loại như khoai lang tím, cây rau muống tía mọc trên cạn, vỏ củ khoai lang trắng, cây dừa nước, lá xoài, khế chua, củ và rễ phơi khô của cây chuối hột, cây cỏ ngọt, lá dâu, tất cả sao vàng sắc uống thay nước. Ngày nào ông đi làm cũng mang theo chai nước là này. Một mặt kết hợp thuốc Nam, mặt vẫn dùng thuốc Tây theo bác sĩ và tích cực tập luyện, ông Vệ đã chiến thắng được bệnh tật, tìm lại niềm vui trong cuộc sống.
Đây là phương pháp áp dụng rất khoa học để đẩy lùi bệnh tật. Người bệnh đã biết dùng Đông - Tây y và kết hợp tập luyện. Tuy nhiên, tiểu đường là bệnh mạn tính, người bệnh cần thực hiện kiên trì phối hợp nhiều biện pháp thì mới có tác dụng. Ngoài những phương pháp này ra, bệnh nhân cũng cần quan tâm đến chế độ ăn uống. Nếu những người bệnh tiểu đường biết phối hợp 4 phương pháp Đông - Tây y - thực dưỡng - tập luyện thì bệnh sẽ được đẩy lui.
Lương y Nguyễn Minh (Trung tâm Y tế Việt – Nga)
Phạm Hằng