Liên quan tới vụ 18 người sốc phản vệ khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, dư luận đang rất nóng lòng mong muốn sớm tìm ra được nguyên nhân sự việc.
Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình dùng máy chạy thận gì?
Có nhiều giả thiết, nghi vấn được đặt ra trong tai biến y khoa chấn động này như lỗi quy trình chạy thận nhân tạo, trình độ chuyên môn của bác sĩ, cơ địa bệnh nhân và nhiều nguyên nhân khác được đặt ra. Dư luận còn cho rằng có thể nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân cùng tử vong và biến chứng ở Hòa Bình là do công nghệ, máy móc sử dụng quá cũ kỹ.
|
Một trong những máy chạy thận đang được sử dụng tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thu Huyền. |
Tuy nhiên, các chuyên gia đầu ngành của ngành y khẳng định chưa thể kết luật, quy kết cho bất cứ nguyên nhân nào khiến bệnh nhân tử vong và biến chứng hàng loạt.
TS.BS Nguyễn Hữu Dũng Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Trung tâm chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã thành lập được 10 năm nay.
Trước khi thành lập nhóm bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã xuống tập huấn, học tập tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau đó một nhóm các chuyên gia của bệnh viện cũng lên đây ít nhất 3 tháng để trực tiếp điều trị, “nằm vùng”, “cùng ăn cùng ở” với các bác sĩ để hướng dẫn và hỗ trợ họ vận hành thuần thục các kỹ thuật nhuần nhuyễn nhất mới về. Chính vì thế trong 10 năm qua Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình vẫn thực hiện rất tốt công tác chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân trong khu vực.
Loại máy được sử dụng để chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cũng tương tự với nhiều trung tâm chạy thận nhân tạo khác ở cả nước. Đó là loại máy chạy thận nhân tạo nhãn hiệu Fresenius Medicalcare của Đức. Hiện tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn sử dụng loại máy này để chạy thận cho hàng ngàn lượt bệnh nhân vẫn cho kết quả chữa trị bệnh rất tốt".
"Hệ thống máy móc sử dụng để chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là tương đồng, không hề có nhiều sự khác biệt so với Bệnh viện Bạch Mai hay các trung tâm khác trong cả nước". Ông Dũng khẳng định.
100 bệnh nhân chạy thận định kỳ ở Hòa Bình sẽ đi đâu?
Xảy ra việc 18 bệnh nhân tai biến, trong đó có 7 người chết đồng loại sau khi chạy thận nhân tạo, trung tâm chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình sẽ bị đóng cửa tạm thời. Trước thông tin này, dư luận đặt câu hỏi: 100 bệnh nhân phải lọc máu chạy thận định kỳ tại đây sẽ phải đi đâu chạy thận để đảm bảo sức khỏe và an toàn trong những ngày sắp tới?
|
Tạm thời trong thời gian này 100 bệnh nhân phải chạy thận định kỳ ở Hòa Bình sẽ được chuyển xuống Hà Nội để lọc máu. Ảnh: Thu Huyền. |
Lý giải cho vấn đề này PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết: "Trong thời gian Trung tâm thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình tạm đóng cửa để làm rõ nguyên nhân khiến 18 bệnh nhân tai biến, những bệnh nhân đang phải lọc máu chạy thận định kỳ ở Hòa Bình sẽ được chuyển xuống các bệnh viện, Trung tâm chạy thận khác ở Hà Nội.
Một số cơ sở sẽ tiếp nhận bệnh nhân là Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Thận Hà Nội... Việc này cực kỳ quan trọng vì nếu các bệnh nhân suy thận không được lọc máu định kỳ sẽ rất nguy hiểm tới sức khỏe".
Ngoài ra, cũng theo PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, ngay chiều nay một đoàn cán bộ chuyên gia của Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ cử cán bộ lên hỗ trợ về mặt chuyên môn nhanh chóng ổn định khoa Thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Chỉ khi nào hỗ trợ ổn định hoàn toàn, chuyên môn ổn định, mọi thứ đi vào quy củ, an toàn chúng tôi mới rút người đi.
Việc này sẽ giúp hơn 100 bệnh nhân chạy thận chu kỳ ở Hòa Bình không phải vất vả 2 ngày một lần vượt hàng trăm km xuống Hà Nội chạy thận.
Như Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thì đoàn chuyên gia sẽ rà soát toàn bộ quy trình, máy móc, cán bộ tại đây nếu thiếu gì sẽ bổ sung và hoàn thiện cái đó.
Thu Huyền