Trưa ngày 30/3/2017, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến Bệnh viện Bạch Mai thăm và chỉ đạo làm rõ nguyên nhân khiến 18 người sốc phản vệ khi chạy thận nhân tạo, trong đó có 7 người tử vong ở Hòa Bình.
Không né tránh, Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn thừa nhận: "Vụ 18 bệnh nhân bị tai biến trong đó có 7 người tử vong sau khi lọc máu chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là sự cố y khoa cực kỳ nghiêm trọng. Bộ Y tế và các chuyên gia đầu ngành sẽ cố gắng nhanh chóng làm rõ nguyên nhân tai biến trên. Ngoài ra ngành y tế cũng sẽ cố gắng không để thêm bệnh nhân nào tử vong".
|
Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm 1 trong 10 bệnh nhân tai biến ở Hòa Bình được chuyển xuống Bạch Mai. Ảnh: Thu Huyền. |
Bộ trưởng Tiến yêu cầu các chuyên gia đầu ngành về Hồi sức, chống độc, chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai và cả nước vào cuộc tham gia vào Hội đồng khoa học để có những đánh giá, tiếng nói độc lập về tai biến nghiêm trọng trên mà không cần đợi Sở Y tế Hòa Bình lập Hội đồng Y khoa theo quy trình.
Trao đổi với Kiến Thức, TS. BS Nguyễn Hữu Dũng Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Hiện tại, 10 bệnh nhân trong số 18 bệnh nhân bị tai biến sau chạy thận ở Hòa Bình đã được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Trong đó có 4 bệnh nhân sức khỏe đã ổn định. Những bệnh nhân còn lại vẫn được theo dõi tích cực. Những bệnh nhân chưa được lọc máu cũng đã được lọc máu tại Bệnh viện Bạch Mai theo đúng lịch để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người bệnh.
Tại Hoà Bình, vẫn còn 1 bệnh nhân khá nặng vẫn đang được điều trị, chăm sóc và cấp cứu. Bệnh nhân này không thể chuyển xuống Hà Nội cùng 10 bệnh nhân ở trên vì sức khỏe không đảm bảo để di chuyển trong đêm".
Cũng theo ông Dũng, tai biến khiến 7 người chết và 11 người khác phải nhập viện cấp cứu sau khi lọc máu chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình là tai biến hi hữu, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta. Lịch sử ngành thận nhân tạo 45 năm từ khi thành lập đến nay chưa từng xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng như tại Hòa Bình. Đây cũng chính là bài học đắt giá cho toàn ngành.
|
Một trong 10 bệnh nhân được chuyển xuống từ Hòa Bình đang được chạy thận tại Khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai. |
Trong chạy thận nhân tạo có khoảng 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu. Các tai biến này thường khá nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian rất ngắn, nếu không xử trí chính xác, kịp thời thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao. Ví dụ tụt huyết áp trong lọc máu cũng là một tai biến thường gặp. Nếu người bệnh đột nhiên bị tụt huyết áp khi chạy thận mà không được phát hiện xử lý kịp thời trong vài phút bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng. Tai biến cũng có thể xảy ra nếu có sai sót trong kỹ thuật lọc khiến khí tràn vào máu bệnh nhân. Ở trường hợp này chỉ cần khoảng 10ml khí vào máu bệnh nhân có thể gây biến chứng tắc mạnh khó cứu... và nhiều tai biến nghiêm trọng khác.
Chính vì vậy, hiện chưa thể kết luận, khẳng định chính xác nguyên nhân khiến 7 người chết 11 người nhập viện sau khi lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.
"Tuy nhiên, đây là một sự cố nghiêm trọng, chúng tôi có trách nhiệm tìm ra nguyên nhân xảy ra sự việc, xem sự cố xảy ra là ở khâu nào". Ông Dũng khẳng định.
Bệnh viện Bạch Mai miễn phí 100% chi phí điều trị cho 10 bệnh nhân tại Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, bệnh viện đang nỗ lực hết sức để cứu chữa bệnh nhân nặng còn lại trong 10 bệnh nhân được chuyển xuống viện đêm qua, quyết tâm sẽ đưa người bệnh qua giai đoạn nguy hiểm.
Bên cạnh đó, Bệnh viện sẽ miễn phí 100% những chi phí ngoài BHYT cho các bệnh nhân này. Khoa Thận Nhân tạo cũng sẽ cử cán bộ lên hỗ trợ về mặt chuyên môn nhanh chóng ổn định khoa Thận nhân tạo tại BV để hơn 100 bệnh nhân chạy thận chu kỳ sẽ không phải vất vả 2 ngày một lần vượt hàng trăm km xuống Hà Nội chạy thận.
Thu Huyền