Vậy sốc phản vệ là gì mà có thể khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng như vậy?
|
Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, nơi xảy ra vụ việc 18 nạn nhân bị sốc phản vệ khi đang chạy thận nhân tạo. Nguồn ảnh: Vietnamnet. |
Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong nhất nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Không những thế, sốc phản vệ còn gây hoang mang cho cả các y bác sĩ điều trị do tai biến này xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc sau 30 phút dùng thuốc. Nếu triệu chứng bệnh xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sốc phản vệ, trong đó, thuốc là nguyên nhân gây sốc phản vệ hàng đầu cho người bệnh. Các đường thuốc đưa vào cơ thể như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da, trong da; uống, xông, nhỏ mắt, đặt âm đạo hay thuốc bôi ngoài da...đều có thể gây sốc phản vệ. Tuy nhiên, đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất.
Triệu chứng lâm sàng của sốc phản vệ thông thường xảy ra ở tất cả các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Bệnh nhân có thể thấy khó thở, ngạt, tím tái, suy hô hấp cấp. Sốc phản vệ cũng có thể làm giãn tĩnh mạch, tụt huyết áp, trụy tim mạch. Hệ thần kinh cũng bị ảnh hưởng nhanh chóng sau khi bệnh nhân bị sốc phản vệ, gây đau đầu, chóng mặt, chân tay run, nhận thức lơ mơ, co giật toàn thân và có thể ngất xỉu hay hôn mê. Nếu bị sốc phản vệ do thực phẩm hay thuốc qua đường uống gây nên, bệnh nhân sẽ đau bụng dữ dội, nôn, buồn nôn, thậm chí chảy máu tiêu hóa.
Trong vụ việc bệnh nhân bị sốc phản vệ khi đang chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình, theo các bác sĩ, trường hợp sốc phản vệ tập thể 18 người là việc hi hữu. Một bác sĩ ở BV Bạch Mai (Hà Nội) xác nhận, trên thực tế có việc bệnh nhân sốc phản vệ khi đang chạy thận nhân tạo nhưng chỉ một vài ca, như bỗng dưng bệnh nhân có biểu hiện rét run, run người thì ngay lập tức bác sĩ ngừng quá trình lọc máu, cấp cứu người bệnh thì không có tử vong. Tuy nhiên, ở trường hợp này, hàng loạt bệnh nhân đều gặp sốc phản vệ do đó không thể do thuốc bởi mỗi bệnh nhân có loại thuốc khác nhau. Ví dụ bệnh nhân bị tăng huyết áp kèm suy thận sẽ dùng thuốc khác, tiểu đường kèm suy thận sẽ dùng thuốc khác.
Vị cán bộ này nghi ngờ, có thể do nước trong quá trình chạy thận. Nước để chạy thận nhân tạo buộc phải là nước siêu tinh khiết.
Trong hệ thống chạy thận nhân tạo, nước là một trong hai nhân tố quan trọng nhất. Trung bình một bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần tới 22.000 lít nước siêu tinh khiết mỗi năm. Do thận hư không còn khả năng lọc các tạp chất, ion và vi khuẩn xâm nhập vào máu từ nước truyền nên rất dễ có những rủi ro bất ngờ, kể cả tử vong. Các nguyên tố vô cơ như nhôm, thuỷ ngân, đồng, chì kẽm và các độc tố hữu cơ như nitơrat, nitrit, amoniac, chloramine, vi khuẩn, tảo, nấm đều gây tai biến. Do đó, nước dùng cho thận nhân tạo cần phải được xử lý nghiêm ngặt.
Nhiều chuyên gia y tế cũng nhận định, nếu một bệnh nhân chạy thận khi sử dụng nước có vấn đề là bệnh nhân có biểu hiện rét ngay. Bác sĩ biết can thiệp sớm thì bệnh nhân tránh được nguy cơ sốc phản vệ. Được biết, theo người thân, sau khi tiến hành chạy thận được khoảng 45 phút tại Khoa chạy thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, các bệnh nhân đồng loạt có biểu hiện ngứa ngáy, buồn nôn, huyết áp cao, có người bị sốc hô hấp ngay tại chỗ.
Tính đến thời điểm này, số nạn nhân tử vong trong vụ sốc phản vệ khi chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đã lên tới con số 7. Hiện tại, 10 bệnh nhân đã được chuyển xuống BV Bạch Mai để tiếp tục điều trị.
Trong một diễn biến khác, Bộ Công an đã chỉ đạo cục chức năng thuộc bộ vào cuộc điều tra vụ 18 người chạy thận nhân tạo sốc phản vệ khi đang chạy thận, trong đó có 6 người tử vong.
Lê Thịnh (tổng hợp)