Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách (Viện Tâm lý học và Truyền thông, Hội Tâm lý học Việt Nam) cho biết, mới tiếp nhận một cô gái trẻ tên T, (20 tuổi, ở Hà Nội) đến khám và tư vấn tâm lý vì có cảm giác như đang rơi vào trạng thái stress, trầm cảm. Tuy nhiên, sau khi test và khám lâm sàng, bác sĩ Bách kết luận, cô gái trẻ bị rối loạn “né tránh gắn bó”.
Từ khi đến tuổi dậy thì T ít nói, ít chia sẻ những suy nghĩ hay câu chuyện với mọi người. Tưởng rằng, khi lớn lên tính tình sẽ thay đổi, nhưng điều đó vẫn tiếp diễn và mọi người vẫn thường nói “thôi kệ, tính của con thế rồi”. Cụ thể, T gần như không bao giờ nhắn tin hay gọi điện cho cha mẹ, ông bà hay anh chị em.
Chia sẻ với bác sĩ, cô cho biết, bản thân luôn né tránh những cuộc họp mặt của gia đình, khi nói chuyện thì rất lạnh lùng và luôn từ chối tình cảm của người thân. “Những biểu hiện trên của T bắt đầu thể hiện rõ trong vòng 4 năm trở lại đây, khi cô trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Với các biểu hiện như vậy, nếu không test cụ thể sẽ rất dễ nhầm lẫn với các rối loạn chống đối xã hội, trầm cảm hoặc lo âu hoang tưởng bị hại”, bác sĩ Bách chia sẻ.

Rất nhiều người nghĩ ít nói là do tính cách, nhưng đó đôi khi là biểu hiện của bệnh lý tâm thần. Ảnh minh hoạ.
Sau khi test và khám lâm sàng, bác sĩ Bách đã hiểu được nguyên nhân sâu xa của vấn đề và kết luận T mắc rối loạn né tránh gắn bó. Theo đó, con có một tuổi thơ ấu khá cô đơn, thiếu sự quan tâm đúng nghĩa của cha mẹ. “Con biết họ rất yêu thương con, nhưng họ bận lắm”, T chia sẻ.
Từ năm lớp 8, T đã dừng lại ý nghĩ phải gắn bó với cha mẹ, anh chị em, cô cảm thấy bất lực, tuyệt vọng và không còn niềm tin với cha mẹ. “Thực tế, những gì đã trải qua với cô gái từ khi còn nhỏ nó không gây ảnh hưởng ngay lập tức, mà nó như những cơn mưa nhỏ dai dẳng, thấm thật sâu và tâm trí của cô gái trẻ. Để rồi không chỉ bố mẹ mà ngay cả các bạn, T cũng đối xử như vậy. T xa lánh mọi người và chui vào một cái vỏ cô độc. Cái vỏ này với T chính là thứ mà con cho rằng an toàn nhất”, bác sĩ Bách chia sẻ.
Theo bác sĩ Bách, né tránh gắn bó là những kiểu người có xu hướng độc lập, sợ và né tránh sự gần gũi, họ đặt sự tự do cá nhân, ý thích cá nhân lên hàng đầu, đặc biệt là không gian sống cá nhân của họ. Những người này sẽ cảm thấy khó chịu kèm theo lo lắng khi gần gũi người khác cả về thể chất lẫn tinh thần. Họ ngại cam kết, ngại trách nhiệm, luôn tỏ ra lạnh lùng hoặc cố ý hài hước, cũng như khó tin vào một mối quan hệ nào đó nên họ càng né tránh để không đi sâu quá vào một mối quan hệ nào.
Ngoài dễ nhầm với trầm cảm, theo bác sĩ Bách “né tránh gắn bó” còn thường được đính kèm với người có hội chứng tự kỉ nhẹ hay còn gọi là tự kỷ chức năng. Cũng có những trường hợp đặc biệt là do quá trình sống, nhất là giai đoạn 5-9 tuổi, những sang chấn tâm lý, áp lực hoặc không nhận được sự quan tâm đúng mức từ cha mẹ cũng là yếu tố tác động gây nên hội chứng này.

Bác sĩ Bách cho biết, những sang chấn ở tuổi ấu thơ rất dễ bị ảnh hưởng đến tâm lý và mắc hội chứng này.
Khi mắc hội chứng này, thường sẽ có những biểu hiện khá giống nhau như:
- Không thích liên lạc, không chủ động liên lạc với người thân;
- Tự chủ động xa lánh với các mối qua hệ xã hội;
- Thích sự độc lập, dễ bị tổn thương, không có ý chí vượt khó, tự ti nhưng lại đi kèm kiêu ngạo.
- Hay chán nản, tự đưa bản thân vào trạng thái mệt mỏi, luôn cảm thấy không an toàn, lo âu, bi quan...
“Dù đó là một đứa trẻ hay một thanh niên, một người đã trưởng thành, khi mắc hội chứng này bản thân họ chỉ có cái vỏ của sự trưởng thành còn bên trong là một thực thể rất dễ bị tổn thương. Do vậy sự quan tâm đến con cái khi còn nhỏ, đặc biệt là cảm xúc, sự gắn bó là rất quan trọng, nhất là trong xã hội hiện đại này”, bác sĩ Bách chia sẻ.
LÊ PHƯƠNG.