TP.HCM nắng nóng đỉnh điểm dịp 30/4, người dân cần chuẩn bị và tránh điều gì để không bị say nắng, say nóng?

Google News

Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thời tiết tại TP HCM dự báo sẽ nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, vì thế người dân hãy trang bị các vật dụng cần thiết để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo dự báo, nhiệt độ tại TP.HCM trong kỳ nghỉ lễ sắp tới có thể từ 36 đến 38 độ C. Với nền nhiệt trên, nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra say nắng, say nóng, sốc nhiệt, đặc biệt là ở những nơi người dân tập trung đông đúc để vui chơi, xem diễu binh, diễu hành...

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dù nguy cơ say nắng có thể xảy ra, nhưng khá thấp và hoàn toàn có thể tránh được. Theo lịch trình, lễ diễu binh, diễu hành bắt đầu từ 6h30 ngày 30/4, các lực lượng sẽ xuất phát từ phía giao lộ đường Lê Duẩn - Nguyễn Bỉnh Khiêm, di chuyển qua lễ đài chính phía trước Hội trường Thống Nhất...

Thời điểm này nền nhiệt chưa cao, nên ít tác động đến sức khỏe, tuy nhiên mọi người cũng không nên chủ quan mà hãy chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết khi đi ra ngoài trời.

Bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 cho biết, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, người dân nên hạn chế ra đường vào những giờ cao điểm (từ 11 giờ trưa đến 14 giờ chiều) vì dễ gây nên tình trạng mệt mỏi, sốc nhiệt, say nắng, say nóng…

Người dân khi ra ngoài nắng cần chuẩn bị các phương tiện bảo vệ bản thân để tránh tác động xấu với sức khỏe. Ảnh minh họa. 

Ngoài ra, những người xuyên di chuyển, làm việc hay đứng ở ngoài môi trường nắng nóng cần có phương tiện bảo hộ như mũ che nắng, áo chống nắng, găng tay… Những phương tiện này không chỉ bảo vệ làn da, mà còn giúp làm ổn định thân nhiệt tốt hơn.

Một vấn đề không thể thiếu đó là hãy chuẩn bị sẵn nước uống để bổ sung cho cơ thể, hoặc nếu có điều kiện nên chuẩn bị các loại trái cây hoặc nước trái cây giàu vitamin C là tốt nhất. Khi ở ngoài trời, nên chọn nơi có bóng mát để hạn chế bị sốc nhiệt, không nên đứng tập trung đông người quá lâu. 

Bác sĩ Thắng đặc biệt lưu ý với những người cao tuổi, trẻ nhỏ nhất là những người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiền đình, hen suyễn… không ra ngoài trời khi nhiệt độ còn cao, bất kể giờ nào.

Khi gặp trường hợp nghi ngờ say nắng, say nóng… cần phải hô hoán mọi người đưa đi cấp cứu hoặc gọi 115 gần nhất. Trong thời gian chờ đợi, hãy đưa nạn nhân vào nơi râm mát, nới lỏng quần áo, chườm mát, nếu bất tỉnh có thể làm các động tác sơ cứu như ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo…

Ngoài những vấn đề trên, bác sĩ Trần Anh Thắng đặc biệt khuyến cáo mọi người khi đi ngoài nắng về, không thực hiện một số thói quen gây hại cho sức khỏe, có thể dẫn tới say nóng, liệt mặt ngay tại nhà. “Nhiều trường hợp đi ngoài trời nắng không sao, nhưng về nhà thực hiện những thói quen xấu, khiến sức khỏe bị ảnh hưởng”, bác sĩ Thắng nói.

Một số thói quen xấu, không nên thực hiện khi đi ngoài nắng về theo khuyến cáo của bác sĩ Trần Anh Thắng:

- Vào luôn điều hòa, ngồi trước quạt: Đây là thói quen thường gặp nhất khi thời tiết nắng nóng. Mục đích của việc làm này là nhằm hạ nhiệt cơ thể. Tuy nhiên, đây là thói quen xấu không nên thực hiện. Bởi khi thân nhiệt đang cao mà ngồi luôn trong phòng lạnh hoặc ngồi trước quạt sẽ khiến cho mạch bị co, gây nên hiện tượng cứng cổ, vai gáy… thậm chí là liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên vì gặp lạnh đột ngột.

Khuyến cáo: Khi đi ngoài nắng về cần phải hạ nhiệt cơ thể xuống mức bình thường, có thể ngồi nghỉ nơi thông thoáng khí, nơi có bóng mát, bật quạt số nhỏ và cho quay chứ không nên bật thẳng vào người.

Khi đi ngoài nắng về tuyệt đối không vào ngay phòng điều hòa. Ảnh minh họa. 

- Ăn, uống đồ lạnh khi vừa đi nắng về: Cũng giống như ngồi quạt, điều hòa, thói quen ăn uống đồ lạnh sau khi đi từ ngoài trời nắng về cũng rất hay gặp. Theo đó, nhiều người có thói quen tích trữ đá, kem, nước trong tủ lạnh. Khi đi nắng về cơ thể mất nước, thân nhiệt tăng cao nên mở tủ lấy nước uống ngay.

Điều này hoàn toàn không tốt vì không chỉ khiến cơ thể bị lạnh đột ngột, mà còn gây ra tình trạng đau họng, viêm họng, mất tiếng… đặc biệt là ở trẻ nhỏ, thường rất thích ăn kem trong mùa hè.

Khuyến cáo: Nếu muốn ăn uống đồ lạnh nên đưa những đồ trong tủ lạnh ra ngoài để giảm lạnh, rồi mới sử dụng. Cách tốt nhất là uống nước lọc bình thường, tốt hơn nữa là uống oresol để bù lại lượng nước đã mất qua việc thoát mồ hôi.

- Tắm ngay sau khi đi nắng về: Đi nắng về cơ thể thường mất nước, nên ngoài nắng nóng mọi người còn có cảm giác khô, nóng rát da. Vì vậy, nhiều người thường sẽ tắm ngay sau khi đi nắng về. Việc làm này tưởng giúp cơ thể bớt nắng nóng nhưng lại vô cùng nguy hiểm do việc hạ thân nhiệt đột ngột sẽ không tốt cho sức khỏe, gây nên tình trạng sốc nhiệt, choáng, thiếu máu não cục bộ, đau đầu...

Khuyến cáo: Mọi người nên nghỉ ngơi, bù nước đầy đủ, khi thân nhiệt trở lại bình thường mới đi tắm. Khi tắm cũng không nên ngâm mình trong nước lâu.

LÊ PHƯƠNG.