Chiều cao có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và tương lai của trẻ. Tuy nhiên, để trẻ có thể phát triển chiều cao tối ưu nhất thì phải dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố không thể can thiệp được như gene, nhưng có nhiều yếu tố có thể can thiệp được như chế độ ăn, sinh hoạt…
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để trẻ phát triển chiều cao được tốt nhất, cần phải đặc biệt lưu ý hai giai đoạn tăng trưởng chiều cao, đó là giai đoạn 1000 ngày đầu đời và giai đoạn tuổi dậy thì. Trong giai đoạn này, trẻ cần phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng môi trường sống lành mạnh được đáp ứng đầy đủ trong hai giai đoạn này thì trẻ sẽ đạt được chiều cao tối ưu.
Theo đó, ngoài vấn đề bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng và đa dạng, các bậc phụ huynh cần phải lưu ý một số yếu tố sau theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia:
Không bỏ quên thực phẩm quan trọng giúp tăng chiều cao
Trong quá trình bổ sung thực phẩm, ngoài ăn đa dạng và cân đối các nhóm thực phẩm, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số thực phẩm có khả năng tăng chiều cao cho trẻ.
- Trứng: Trong trứng chứa chất đạm có giá trị sinh học cao, dễ hấp thụ, chứa nhiều axit amin hỗ trợ hoạt động của cơ bắp, enzyme, là chất dinh dưỡng có vai trò lớn trong việc tăng chiều cao cho trẻ. Với trẻ nhỏ không nên kiêng trứng, có thể cho trẻ ăn tuần 5-7 quả trứng tốt cho sức khoẻ và sự tăng trưởng.

Trứng được coi là siêu thực phẩm, rất tốt cho phát triển chiều cao của trẻ. Ảnh minh họa.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: Thực phẩm này rất giàu canxi và protein, hỗ trợ phát triển xương và sức mạnh cơ bắp. Các nghiên cứu chứng minh rằng men vi sinh trong sữa chua giúp tăng trưởng chiều cao và phát triển ở trẻ em, phòng suy dinh dưỡng. Các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua, sữa đông..., cũng rất giàu canxi và vitamin, quan trọng cho quá trình khoáng hóa xương ở trẻ em. 1 đơn vị sữa (tương đương 100ml sữa tươi, 15gr phô mai và 100gr sữa chua) chứa khoảng 100mg canxi. Ngoài ra, có thể thay đổi sữa cho trẻ, nhất là các loại sữa vị trái cây như dâu, chuối để kích thích vị giác, giúp hệ tiêu hóa khỏe, trẻ cao hơn.
- Rau xanh: Các loại rau lá xanh đậm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin C, chất chống oxy hóa, chất xơ, folate, vitamin K, magie, sắt và kali. Ngoài ra, rau xanh còn là nguồn cung cấp canxi dồi dào rất có lợi cho việc tăng trưởng chiều cao của trẻ. Các mẹ có thể bổ sung các loại rau xanh như rau bina, cải xoăn, hoặc bông cải xanh... vào chế độ ăn của con, tuy nhiên không nên cho ăn quá nhiều rau ở trẻ nhỏ đang chậm lên cân, biếng ăn vì rau có ít năng lượng.

Các loại rau họ cải cũng rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Ảnh minh họa.
- Dầu mỡ: Đây là thành phần quan trọng trong dinh dưỡng của trẻ bởi vitamin D là một vitamin quan trọng giúp hấp thu canxi của cơ thể là vitamin tan trong dầu bởi vậy việc bổ sung dầu mỡ cho bữa ăn của trẻ là rất cần thiết: Trẻ mới ăn dặm bột cháo cần 5ml dầu/mỡ/mỗi bữa tra vào tất cả các bữa ăn, trẻ lớn hơn cần ăn cả các món xào rán trong khẩu phần. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa cho trẻ ăn thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ như đùi gà chiên, xúc xích rán, khoai tây chiên... những đồ ăn này không lành mạnh với sự phát triển của trẻ.
Giấc ngủ giúp tiết hóc môn tăng trưởng chiều cao
Giấc ngủ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Một trong những yếu tố quan trọng nhất liên quan đến giấc ngủ là sự sản sinh hormone tăng trưởng (HGH), loại hormone này được tiết ra mạnh mẽ nhất trong giai đoạn ngủ sâu (NREM), giúp trẻ kích thích phát triển chiều cao; Tăng cường sự hình thành xương và cơ bắp; Phục hồi tổn thương trong ngày. Nếu trẻ không ngủ đủ giấc, quá trình này sẽ bị gián đoạn, dẫn đến các vấn đề về tăng trưởng như thấp bé hoặc suy dinh dưỡng.
Theo các chuyên gia, khi bị rối loạn giấc ngủ trẻ thường ngủ không yên, trằn trọc quấy khóc, lăn lóc, xoay ngang, xoay dọc trên giường, hay giật mình, chỉ một tiếng động nhỏ đã bừng tỉnh dậy, rối loạn giấc ngủ còn biểu hiện bằng thời gian ngủ: Trẻ ngủ ít, vào giấc ngủ khó khăn, đi ngủ rất muộn… Chính vì ngủ ít nên trẻ rất mệt mỏi, biếng ăn và chậm lớn.
Với trẻ nhỏ, mỗi lứa tuổi thời gian ngủ khác nhau, trẻ càng nhỏ thời gian ngủ càng nhiều. Cụ thể:
- Trẻ sơ sinh ngủ 16 – 18h/ ngày, trừ những lúc thức để ăn còn lại là trẻ ngủ;
- Trẻ 2 – 12 tháng cần ngủ 14 -16h/ ngày;
- Trẻ 13 – 36 tháng cần ngủ 12 – 14h/ ngày;
- Trẻ từ 3 – 5 tuổi cần ngủ 10 – 12h/ ngày;
- Từ 6 tuổi – 10 tuổi cần ngủ 10 – 11h/ ngày;
- Từ 10 tuổi trở lên ngủ bằng người lớn 8h/ ngày.

Trẻ ngủ đủ giấc và ngủ sớm sẽ tiết ra hormone phát triển chiều cao. Ảnh minh họa.
Ngoài ngủ đủ giờ, thì thời gian vào giấc ngủ cũng rất quan trọng với phát triển chiều cao. Theo sinh lý, hormone tăng trưởng giúp tăng chiều cao do não bộ tiết ra mạnh nhất và đầy đủ nhất từ 23h đến 1-2h với điều kiện bé đã vào giấc ngủ sâu. Giấc ngủ sâu thường bắt đầu khoảng 1-2 giờ sau khi vào giấc ngủ. Vì vậy, giấc ngủ đúng phải là giấc ngủ trước 22h mỗi ngày.
Cần rèn luyện lối sống lành mạnh ngay từ lúc nhỏ
Để trẻ phát triển chiều cao, lối sống lành mạnh cũng rất quan trọng, đó chính là việc trẻ tham gia vận động nhiều, hoạt động ngoại khóa thay vì xem tivi, điện thoại hay lười vận động. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất là yếu tố quan trọng giúp kích thích sự phát triển chiều cao ở trẻ em.
Theo American Journal of Human Biology, trẻ em tham gia vào các hoạt động thể chất thường xuyên có xu hướng phát triển chiều cao tốt hơn so với những trẻ ít vận động. Hoạt động ngoài trời không chỉ giúp cải thiện sức khỏe xương mà còn thúc đẩy sự phát triển của cơ bắp và hệ thống tim mạch. Khi trẻ em dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động tĩnh tại như xem TV hoặc sử dụng smartphone, họ có xu hướng ít vận động hơn.

Hoạt động thể chất giúp trẻ phát triển toàn diện cơ thể, nhất là chiều cao. Ảnh minh họa.
Một nghiên cứu từ Journal of Pediatrics cho thấy rằng trẻ em dành nhiều thời gian cho các hoạt động tĩnh tại có nguy cơ thấp hơn trong việc phát triển chiều cao so với những trẻ hoạt động nhiều hơn. Việc thiếu hụt hoạt động thể chất có thể dẫn đến sự giảm sút sức khỏe tổng thể và ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao. Theo đó, việc ít vận động sẽ khiến cơ thể giảm tiết hormone tăng trưởng GH - đây là hormone chính trong việc giúp trẻ tăng trưởng cao. Vậy nên, khi trẻ ở nhà xem tivi và điện thoại nhiều sẽ có tác động rất lớn, hạn chế sự phát triển chiều cao của trẻ.
Do vậy, để trẻ phát triển được chiều cao, phụ huynh cũng cần cho trẻ cơ hội chơi thể thao, đi bộ, hoặc tham gia vào các trò chơi vận động không chỉ giúp cải thiện sức khỏe thể chất mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện. Muốn làm được như vậy, phụ huynh cũng cần từ bỏ hoặc giảm thời gian dùng điện thoại, mạng xã hội và tích cực tham gia hoạt động thể chất cùng trẻ.
LÊ PHƯƠNG.