Có hay không việc ăn cắp bài thi và đoạt giải?
Theo nội dung lan truyền trên các trang mạng, một tài khoản Facebook có tên M.C (HS lớp 9 Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh) cho hay em tham gia Genius Olympiad 2023.
Ngoài đề án âm nhạc, em còn có một đề án viết. Thế nhưng sau vòng một, thầy giáo nói em rớt đề án viết này. Tuy nhiên, tên trên số báo danh giống hệt như tên em và tên đề án cũng giống nên em kiểm tra lại.
"Thầy nói đó là của một bạn bên Vinschool do họ có cuộc thi viết về SG nên đề tài có thể trùng với mình, mình im lặng và tin đó là sự thật" - em này viết.
Mãi đến khi đi thi bên Mỹ, em này mới phát hiện ra poster thuyết trình của một anh khác giống như sao chép toàn bộ từ bài "đã trượt" của em. Người này tên N.Q.U, mang số báo danh của em trước đó là 2190, cũng là học sinh của thầy giáo tại trường Gia Định - người đã nói em trượt cuộc thi.
"Thầy có nói: "Bài trùng bài là chuyện bình thường." Mình cũng đã cố để nghĩ thế ngay tại cuộc thi. Mẹ mình còn nói thêm: "Giờ con làm lớn chuyện này thì các bạn Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng, danh dự của Việt Nam tại Mỹ cũng sẽ xấu đi". Vậy nên mình cố gắng kiên nhẫn thêm cho chính mình. Nhưng giây phút anh U. lên nhận giải, cảm xúc của mình giống như vỡ tung. Nước mắt đến khóe nhưng không khóc được. Đau nhưng không nói được. Buồn nhưng không thở được thành lời" - M.C viết.
Theo M.C, gia đình em nói chuyện với người nhà của U. sau cuộc thi, chỉ mong có một lời xin lỗi nhưng mẹ của U. còn đe doạ sẽ kiện.
Lập vi bằng các bài viết trên Facebook để bảo vệ con
Chiều 7-7, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với lãnh đạo Trường THPT Gia Định, phụ huynh em Q.U tại trường này.
Tại đây, phụ huynh em Q.U khẳng định những nội dung đang lan truyền trên mạng xã hội là hoàn toàn sai sự thật, chỉ đưa thông tin một chiều. Đó là những hành vi cố tình tấn công vào HS, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe HS.
Phụ huynh này cũng khẳng định đã lập vi bằng tất cả những bài viết, tin nhắn, comment... liên quan để bảo vệ danh dự cho con và gia đình.
Theo phụ huynh này, cụ thể sự việc có thể tóm gọn như sau: Ngay sau khi có kết quả cuộc thi và trao giải, Q.U đã post hình lên facebook cá nhân nhưng ngay sau đó phía gia đình M.C gây áp lực buộc em Q.U phải gỡ hình ảnh.
"Con gọi về cho gia đình vì con đang ở nước ngoài một mình không có người thân đi theo. Tôi chủ động nói con gỡ hình xuống vì lo sợ an toàn cho con. Tôi nói con về Việt Nam mẹ sẽ cho con đăng hình lên lại. Sau khi về Việt Nam, Q.U đăng hình lúc được trao giải và từ đó xuất hiện bài viết trên các trang mạng xã hội"- chị V, phụ huynh em Q.U, khẳng định.
Poster trong phần thi thuyết trình của em Q.U do phụ huynh cung cấp và khẳng định khác hoàn toàn so với bài làm của M.C
Phụ huynh V cũng cho biết 100% đề tài của Q.U làm. Gia đình hoàn toàn có bằng chứng đưa ra bởi Q.U là người thuyết trình. Khi làm bài thi, thí sinh sẽ tương tác trực tiếp với giám khảo, poster là của Q.U và phần thuyết trình hoàn toàn là của U.
"Khi gia đình M.C đăng hình của Q.U để vu khống con, tôi có nhắn mẹ M.C về nước nói chuyện chứ không đe dọa. Gia đình cũng yêu cầu nếu tố cáo con tôi ăn cắp bài thi hãy đưa ra bằng chứng như gia đình M.C không đưa được" - chị V. khẳng định.
Tại cuộc gặp, chị V. cũng đưa ra bài làm của M.C và của Q.U để so sánh hai bài có nội dung hoàn toàn khác nhau.
Ảnh hưởng hình ảnh nhà trường
Bà Nguyễn Ngọc Khánh Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, cho biết cả hai em HS đều tham dự cuộc thi Genius Olympiad bởi thầy N.M.T, giáo viên Trường THPT Gia Định.
Việc thầy T. đồng hành, hướng dẫn cùng hai HS này cũng mang yếu tố cá nhân; nhà trường chỉ báo cáo Sở GD-ĐT TP về việc xin phép đi nước ngoài của GV trong trường. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6-2023, khi giữa phụ huynh của M.C. và Q.U. có những sự bất đồng quan điểm, nhà trường cũng đã đứng ra như một kênh để kết nối các phụ huynh và GV để "bốn mặt một lời".
Dù vậy, phụ huynh của M.C hiện vẫn đang ở Mỹ sau cuộc thi, chưa sắp xếp đối thoại giữa các bên.
Ngay khi lùm xùm xảy ra, nhà trường đã yêu cầu thầy N.M.T tường trình sự việc.
Theo tường trình của thầy T, trong cuộc thi Genius Olympiad, học sinh M.C tham gia vòng loại ở hai hạng mục âm nhạc (Music) và viết sáng tạo (Creative Writing). Q.U. có tham gia ôn luyện hạng mục viết sáng tạo cùng M.C. và với sự đồng hành của thầy N.M.T., nhưng ban đầu không tham gia vòng loại.
Khi tra cứu kết quả vòng loại, thầy N.M.T. nhận thấy M.C. đậu vòng loại ở hạng mục âm nhạc, nhưng không thấy M.C. cũng đậu luôn hạng mục viết sáng tạo. Theo quy định của Genius Olympiad, thí sinh chỉ chọn một hạng mục ở vòng chung kết và M.C. chọn mục âm nhạc.
Sau đó, thầy T. mới phát hiện M.C. cũng đậu vòng loại hạng mục "viết sáng tạo". Thầy T. đặt vấn đề với M.C. và ban tổ chức để được thay bài của M.C. bằng bài của Q.U., cũng viết về cùng chủ đề. Theo thầy T. thì M.C. đã đồng ý và ban tổ chức cũng chấp nhận.
Cả hai bài viết sáng tạo của các em đều có chung tựa đề "Saigon - Facing the loss of myself", đề cập đến vấn đề TP HCM đang mất dần những mảng xanh đô thị. Vì cả M.C. và Q.U đều được đồng hành bởi thầy N.M.T., nên chủ đề và tựa đề bài viết được thầy gợi ý. Tuy nhiên, nội dung làm bài bên trong hoàn toàn khác nhau.
"Hình thức này như cùng tựa đề và một chủ đề bài thi viết IELTS, nhưng nội dung của phần làm bài của mỗi người là hoàn toàn khác nhau" - cô Khánh Vân cho biết.
Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định cho biết thêm trong khi Facebook không chính thống, không khống chế những phát ngôn nên người ta sẵn sàng chia sẻ ý kiến, mục đích cá nhân vào những cộng đồng lớn, nhưng lại dùng danh tính cá nhân, tên tuổi nhà trường gây nên ảnh hưởng đến hình ảnh nhà trường.
"Các trường công lập hiện đang khó khăn, thiệt thòi ở chỗ không có hàng rào pháp lý để bảo vệ thương hiệu, chẳng hạn như có luật sư riêng như ở các trường tư thục, trường quốc tế" - cô Vân cho biết.
Vụ quán cơm bình dân gần BV Bạch Mai bị tố "chặt chém" 160 nghìn đồng/suất: Chủ quán nói gì?
Liên quan đến sự việc quán cơm gần cổng Bệnh viện Bạch Mai bị tố “chặt chém” 160 nghìn đồng/suất, ngày 7/7, trao đổi với PV, bà V.T.H. (chủ quán cơm) cho biết, ngày 6/7, bà đã lên Công an phường Phương Mai làm việc.
Theo bà H., chiều 4/7, bà đi vắng, nhân viên ở nhà bán cơm. Lúc này, có khách vào gọi cơm sườn, nhân viên bảo khách nhiều sườn là nhiều tiền hơn. Sau đó, nhân viên báo giá với khách suất cơm 160 nghìn đồng.
Bà H. chủ quán cơm chia sẻ với PV.
“Khách phàn nàn đắt và làm ầm lên. Nhân viên của quán bỏ bớt thịt ra và thu 100 nghìn đồng. Suất cơm khoảng 16 đến 17 miếng thịt, kèm thịt băm và rau”, bà H. nói và khẳng định suất cơm này bán như vậy là không đắt.
Bà H. cho rằng, bà bán cơm ở ngõ 4, Phương Mai, quận Đống Đa (Hà Nội) nhiều năm nay. Trước khi khách vào bàn ăn, quán đều yêu cầu khách trả tiền trước.
Trước thông tin quán bị tố nhiều lần “chặt chém”, bà H. nói: “thuận mua vừa bán, tôi không bao giờ chặt chém khách. Nếu khách không muốn ăn có thể đi ra”.
Theo chủ quán cơm, sau khi thông tin tố quán “chặt chém” khách được đăng tải lên mạng xã hội, công an đã mời bà lên trụ sở làm việc khiến bà rất mệt mỏi.
Quán cơm của bà H.
Trước đó, mạng xã hội Facebook xôn xao trước thông tin một quán cơm bình dân gần cổng sau Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) "chặt chém" khách suất cơm (gồm: cơm, sườn, chả cuốn và một ít rau) với giá 160 nghìn đồng. Nhiều người cho rằng, suất cơm 160 nghìn đồng như ảnh là quá đắt. Có không ít người cũng cho biết, quán cơm này từng nhiều lần bị phản ánh “chặt chém” khách.
Suất cơm 160 nghìn đồng bị tố trên mạng.
Liên quan đến thông tin trên, chiều 6/7, bà Bùi Thị Hằng Nga - Chủ tịch UBND phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, sau khi nắm được thông tin, chính quyền đã giao Công an phường Phương Mai vào cuộc xác minh, làm rõ.
Theo bà Nga, cách đây 10 ngày, UBND phường cũng đã có kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm, giấy phép hoạt động của nhiều quán ăn trên địa bàn, đặc biệt khu vực quanh cổng Bệnh viện Bạch Mai… trong đó có quán cơm này.
"Quán này cũng từng bị phản ánh "chặt chém" khách hồi năm 2019. Chúng tôi đang giao công an phường xác minh, làm rõ, nếu sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, bà Nga nói.
Dùng "chiêu" đáo hạn ngân hàng lừa bạn bè, người thân hơn 112 tỉ đồng
Ngày 7-7, tin từ Công tỉnh Vĩnh Phúc cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1990, ở phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Lan Anh tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp
Theo điều tra ban đầu của cảnh sát, do vay nợ tiền của rất nhiều người và không có khả năng trả nợ, Nguyễn Thị Lan Anh nảy sinh ý định tìm cách chiếm đoạt tiền của những người thân, bạn bè để có tiền trả nợ.
Khoảng cuối tháng 5-2022, Lan Anh nói với bà N.T.Y. ở phường Đồng Tâm (TP Vĩnh Yên) là mình đang liên kết làm bên bộ phận đáo hạn cho khách của một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Do đó, cần rất nhiều tiền để chứng minh tài chính lập phòng giao dịch và làm đáo hạn khoản vay cho khách.
Lan Anh rủ bà Y. tham gia cho vay tiền với lời hứa hẹn sau mỗi lần làm hồ sơ đáo hạn ngân hàng cho khách xong, Lan Anh sẽ trả lại tiền gốc cho bà Y. theo từng hồ sơ khoản vay cùng với lãi suất 3.000-10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Tin tưởng, trong khoảng thời gian 26-5 đến 24-6-2022, bà Y. đã chuyển cho Lan Anh nhiều lần với tổng số tiền hơn 74 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền từ bà Y., Lan Anh không sử dụng làm đáo hạn ngân hàng cho khách để lấy lãi như đã nói, mà sử dụng toàn bộ số tiền này trả nợ gốc, lãi cho những người vay trước. Để che giấu hành vi của mình, sau mỗi khoản bà Y. cho vay, Lan Anh lại vay tiền của những người khác để trả bớt tiền gốc kèm tiền lãi cho chủ nợ.
Tổng số Lan Anh đã trả cho bà Y. trên 49 tỉ đồng, đến nay số tiền còn nợ và không có khả năng trả cho người phụ nữ nêu trên là hơn 25 tỉ đồng.
Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác định với thủ đoạn tương tự như trên, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2022 đến tháng 6-2023, Nguyễn Thị Lan Anh đã vay tiền và chiếm đoạt của một số người khác với tổng số tiền hơn 112 tỉ đồng.
Kết quả điều tra cũng xác định tại thời điểm Nguyễn Thị Lan Anh đưa ra thông tin liên kết với các ngân hàng làm đáo hạn cho khách để vay tiền của mọi người, Lan Anh không làm cho bất kỳ ngân hàng nào. Thời điểm này, Lan Anh cũng không làm gì để có tiền và đang nợ tiền của rất nhiều người.
Cảnh báo nguy cơ lừa đảo với tour du lịch giá rẻ
Theo Bộ Công an cho biết, hoạt động mua bán tour du lịch giá rẻ "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" (Timeshare) - đã xuất hiện từ lâu và phổ biến trên thế giới nhưng gần đây, hình thức này mới trở nên phổ biến ở Việt Nam.
"Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" là mô hình du lịch cung cấp dịch vụ mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định (thường là 7 ngày/1 năm) theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm liền, tùy theo thỏa thuận ký kết giữa các bên.
Mô hình này được giới thiệu là một giải pháp kích cầu du lịch với các ưu điểm như: Chi phí tiết kiệm hơn, chỉ vài trăm nghìn đồng/đêm nghỉ tại khách sạn cao cấp bất kỳ trong hệ thống bất động sản doanh nghiệp, tiết kiệm 70% so với việc mua kỳ nghỉ thông thường; các dịch vụ tiện nghi được cung cấp nhiều hơn và hoàn toàn miễn phí; khách hàng có toàn quyền sử dụng và quyết định đối với gói lưu trú mình đang sở hữu, bao gồm trao đổi, mua bán, cho thuê…
Mô hình này được triển khai tại Việt Nam và thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đặc biệt, hiện tại đang là cao điểm mùa du lịch hè, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân tăng cao. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp, tư vấn bán sản phẩm chủ động gọi điện mời chào. Với những ưu đãi hấp dẫn, tặng voucher ưu đại để lôi kéo người dân tham gia.
Thời gian qua, cơ quan công an nhận được nhiều đơn của người dân khiếu nại, mô hình này không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ cam kết. Thậm chí còn phát sinh thêm chi phí, khách hàng không thể bán lại, cũng không thể đòi được tiền...
Trước tình hình trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các loại chi phí liên quan, cũng như điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm.
Người dân cần kịp thời phản ánh, tố giác đến cơ quan công an các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng hoạt động "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật…
Xuất hiện nhóm người với nhiều biểu hiện "quái dị", đứng quan sát nhà dân nửa tiếng đồng hồ
Ngày 7/7, Công an tỉnh Hà Nam vừa phát đi cảnh báo, khuyến cáo người dân cảnh giác với nhóm người lạ mặt, có nhiều biểu hiện bất thường xuất hiện trên địa bàn thời gian gần đây.
Theo phản ánh của người dân tại địa bàn TP Phủ Lý (đặc biệt ở xã Tiên Tân), nhóm người này thường xuất hiện ở những địa điểm vắng người qua lại, mặc trang phục nhếch nhác và đứng quan sát nhà dân 15-30 phút. Khi trời tối, nhóm người này vào nhà dân xin cơm, xin tiền rồi nhanh chóng bỏ đi. Khi được người dân gọi, hỏi chuyện, những người này thường không trả lời hoặc có trả lời thì lí nhí, không rõ câu, rõ tiếng.
Đối tượng có nhiều biểu hiện kì quái từng xuất hiện vào năm 2019 khiến người dân hoang mang, lo lắng
Công an tỉnh Hà Nam đề nghị người dân khi phát hiện người lạ có biểu hiện nghi vấn, cần nhanh chóng điện thoại đến công an xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết theo thẩm quyền.
Trước đó, vào năm 2019, báo chí từng phản ánh tại một số tỉnh thành xuất hiện đối tượng mặt bôi đen, ăn mặc kỳ quái và cầm đầu gà, xúc xích… đi vào nhà dân xin tiền, khiến người dân hoang mang lo lắng.
H.A