Tin tức 24h: Hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi do đâu?

Google News

Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều hộ dân ở Hà Nội bất ngờ khi nhận hóa đơn tiền điện với số tiền phải chi trả gấp đôi lần thanh toán gần nhất.

Hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi, vì sao?

Những ngày đầu tháng 3-2024, nhiều khách hàng ở Hà Nội đã nhận được thông báo thanh toán tiền điện của các đơn vị điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội). Điều khiến khách hàng bất ngờ là hóa đơn tiền điện tăng vọt so với trước đó.

Bảng kê tính tiền điện điện cho 1 hộ dân được EVN Hà Nội lập.

Khách hàng Nguyễn Cẩm G. (quận Hà Đông) nhận thông báo thanh toán tiền điện tháng 2 với tổng số tiền phải thanh toàn là hơn 4,2 triệu đồng. Chị G. cho biết tiền điện lần này cao gấp đôi so với lần thanh toán gần nhất.

Tương tự, một khách hàng ở quận Nam Từ Liêm cũng phản ánh hóa đơn tiền điện tháng này ở mức hơn 2,3 triệu đồng, trong khi ở kỳ tiền điện gần nhất, gia đình chị này chỉ ở mức hơn hơn 930 ngàn đồng.

Việc hóa đơn tiền điện nhiều khách hàng ở Hà Nội tăng cao, nguyên nhân do kể từ ngày 29-2, EVN Hà Nội đổi ngày ghi chỉ số vào cuối tháng. Do đó, trong lần thông báo hóa đơn tiền điện này, số ngày tính tiền điện là gần 2 tháng (đầu tháng 1 đến hết ngày 29-2), thay vì chỉ 1 tháng như bình thường.

Theo EVN Hà Nội, số ngày tính tiền điện của đợt này là 57 ngày (số tiền điện khách hàng phải trả cho cả tháng 1 và tháng 2-2024), nên hóa đơn tiền điện tăng so với lần thanh toán gần nhất. Ngành điện cũng cho biết với hóa đơn tiền điện lần này, số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 cũng được thay đổi, từ 50 kWh (theo quy định) được giãn rộng tới 92 kWh; bậc 3, bậc 4 được giãn rộng từ 100 số lên 184 số.

Trước băn khoăn của người tiêu dùng về lượng điện tiêu thụ của khách hàng trong thời gian tăng thêm sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng khi tính giá điện sử dụng theo bậc thang, EVN Hà Nội cho biết quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo do mức sử dụng điện sinh hoạt của từng bậc được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ trong tháng có thay đổi.

Khách hàng có thể kiểm tra sản lượng điện, sử dụng công cụ tính hóa đơn tiền điện trực tuyến để tra cứu và tính hóa đơn tiền điện hàng tháng. Lượng điện năng ghi nhận để tính hóa đơn tiền điện trong tháng dịch chuyển sẽ nhiều hơn so với hóa đơn tiền điện của những tháng trước, các tháng tiếp theo đó sẽ trở lại bình thường.

Mẹ chở con nhỏ tự đâm vào thành cầu, tử vong thương tâm

Sáng 4-3, trao đổi với PLO, đại diện lãnh đạo công an huyện Cát Hải, Hải Phòng cho biết đã tiếp nhận từ Đội CSGT số 4 để điều tra vụ tai nạn giao thông xảy ra vào tối qua trên cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, địa phận huyện này.

Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, nơi xảy ra vụ tai nạn. Ảnh minh hoạ

Theo đó, sự việc xảy ra vào khoảng 23 giờ 40 phút tối qua, ngày 3-3, tại cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, đoạn Km 9+400 thuộc xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải.

Khi này, chị ĐNP (25 tuổi, ngụ thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải) điều khiển mô tô BKS 15B1-215xx, phía sau chở cháu ĐAN (2 tuổi, con chị P) đi từ hướng vòng xuyến Deep C Hải Phòng 2 về hướng phà Gót đã tự đâm vào thành cầu Đình Vũ-Cát Hải.

Hậu quả, chị P và cháu N tử vong, mô tô bị hư hỏng.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do thời tiết xấu, trên cầu có gió ngang mạnh, gây ảnh hưởng đến tay lái, dẫn đến vụ tai nạn.

Tạm giam thanh niên hiếp dâm bé gái 3 tuổi

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang đối với Triệu Xuân Kh. (SN 2008, trú tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang), về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" theo quy định tại khoản 3, Điều 142 Bộ luật Hình sự.

Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan chức năng xác định: Khoảng 21h ngày 22/02/2024, Triệu Xuân Kh. trên đường đi từ nhà bà nội về nhà thì nhìn thấy cháu T.N.H. (SN 2021) đang chơi một mình. Lúc này, Kh. nảy sinh ý đồ đen tối nên rủ cháu H. vào nhà mình chơi.

Sau đó, Kh. đưa cháu H. lên khu đất trống gần nhà và thực hiện hành vi đồi bại. Sau khi thực hiện xong hành vi, Kh. đưa cháu H. về nhà mình.

Khi mẹ cháu H. đi tìm và đưa con gái về nhà thì phát hiện bé có dấu hiệu bị xâm hại tình dục nên đã trình báo sự việc tới cơ quan công an.

Cảnh báo nhiều lần nhưng nhiều người vẫn ‘sập’ bẫy và mất tiền tỷ

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội, cơ quan Công an liên tục phát đi nhiều cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người do thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng.

Sáng ngày 4/3, thông tin từ Công an TP Hà Nội cho biết, Công an quận Nam Từ Liêm đang điều tra, xác minh vụ lừa đảo chiếm đoạt 1,4 tỷ đồng với thủ đoạn trên.

Theo đó, ngày 19/2, chị M (SN 1983) trú tại Hà Đông, Hà Nội có lên mạng xã hội làm cộng tác viên bán hàng online cho nhãn hàng thời trang. Chị M được hướng dẫn làm nhiệm vụ tăng tương tác cho nhãn hàng sẽ được hưởng hoa hồng. Qua đó, chị M đã nạp 1,4 tỷ đồng nhưng không rút được tiền gốc và hoa hồng. Biết mình bị lừa, chị đã đến Công an phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm trình báo.

"Mồi nhử" mà các đối tượng đưa ra rất hấp dẫn như với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng lãi cao. Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng, đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền. Nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, sinh viên có nhu cầu làm thêm, bán hàng online để kiếm thêm thu nhập đã sập bẫy của các đối tượng.

Trước đó, ngày 3/3, Công an TP Hà Nội cho biết, tại huyện Đan Phượng cũng xảy ra sự việc một người phụ nữ bị mất hơn 300 triệu đồng, vì sập bẫy thủ đoạn lừa đảo tuyển "mẫu ảnh nhí".

Sập bẫy thủ đoạn lừa đảo tuyển “mẫu ảnh nhí”, người phụ nữ ở huyện Đan Phượng, Hà Nội bị mất hơn 300 triệu đồng.

Theo cơ quan Công an, thủ đoạn của các đối tượng là thông qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo,… các đối tượng sẽ mời phụ huynh cho con tham gia ứng tuyển người mẫu nhí cho hãng thời trang. Thử thách cho các phụ huynh khi muốn con mình tham gia vào ứng tuyển "mẫu ảnh nhí" là chuyển khoản để mua sản phẩm, sau đó cho con em mình làm mẫu chụp ảnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Các đối tượng sẽ trả hoa hồng và tiền làm nhiệm vụ để "kích thích" phụ huynh tham gia. Nhưng khi số tiền chuyển vào tài khoản tăng cao các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền này.

Cụ thể, ngày 26/2, Công an thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng tiếp nhận đơn trình báo của chị N (SN 1993) trú tại Đan Phượng, Hà Nội về việc chị có lên mạng xã hội Facebook để tìm hiểu và đăng ký cho con làm người mẫu nhí. Với lời mời chào "có cánh", chị bị dẫn dụ làm nhiệm vụ mua sản phẩm mới được đăng ký cho con làm người mẫu nhí. Chị N đã chuyển 11 lần với số tiền hơn 300 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng, thế nhưng không được hoàn lại tiền nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.

Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

K.T