Thường xuyên mệt mỏi ở phụ nữ tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, trầm cảm

Google News

Phụ nữ hiện đại phải đối mặt với nhiều áp lực từ công việc, đến gia đình và xã hội,... Điều này buộc họ phải tiêu hao nhiều năng lượng dẫn đến cơ thể mệt mỏi. Tuy nhiên, thường xuyên mệt mỏi hoặc mệt mỏi kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn của các bệnh mạn tính, bệnh tim hoặc trầm cảm.

Vấn đề tuyến giáp

Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các hoạt động trao đổi chất. Rối loạn chức năng tuyến giáp, như suy giáp do tuyến giáp hoạt động kém hoặc cường giáp tuyến giáp hoạt động quá mức có thể khiến cơ thể trở nên chậm chạp, dễ mệt mỏi. 

Vấn đề tuyến giáp thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đến thời kỳ tiền mãn kinh. Khi chức năng tuyến giáp bị suy giảm, phụ nữ có thể cảm thấy mệt mỏi dù không vận động nhiều, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. 

Ngoài mệt mỏi, người mắc các vấn đề về tuyến giáp còn có thể gặp các triệu chứng khác như: da khô, tăng cân và thường xuyên thay đổi tâm trạng. 

Thường xuyên mệt mỏi ở phụ nữ có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. (Ảnh minh họa).

Bệnh tim

Bệnh tim mạch được xem là "kẻ giết người thầm lặng" bởi các triệu chứng của nó thường rất khó nhận biết cho đến khi bệnh đã tiến triển. Trên thực tế, phụ nữ có nguy cơ bị mắc bệnh tim cao hơn ung thư kể cả ung thư vú. 

Mệt mỏi là một dấu hiệu ban đầu cảnh báo về các vấn đề liên quan đến tim, đặc biệt là bệnh suy tim hoặc thiếu máu cục bộ (bệnh động mạch vành).

Khi cơ tim không bơm máu hiệu quả, cơ thể không nhận được lượng oxy cần thiết để hoạt động. Điều này khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi và yếu ớt, đặc biệt là sau khi thực hiện các hoạt động đơn giản như đi bộ hay leo cầu thang. 

Ngoài ra, các triệu chứng khác của bệnh tim mạch như đau ngực, khó thở, và cảm giác nặng nề ở ngực cũng có thể xuất hiện kèm theo tình trạng mệt mỏi kéo dài.

Thiếu hụt vitamin D

Vitamin D là một dưỡng chất thiết yếu giúp cơ thể hấp thụ canxi và duy trì sức khỏe của hệ xương khớp. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hệ miễn dịch và chức năng cơ bắp. Thiếu hụt vitamin D không chỉ ảnh hưởng đến xương mà còn có thể gây ra mệt mỏi kéo dài, đau cơ và thậm chí là suy giảm tinh thần.

Nguyên nhân chính gây thiếu hụt vitamin D thường là do không tiếp xúc đủ ánh nắng mặt trời, đặc biệt là ở những phụ nữ sống trong môi trường công nghiệp hoặc làm việc trong nhà suốt cả ngày. 

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng thiếu vitamin D còn liên quan đến nguy cơ mắc trầm cảm và là một trong những nguyên nhân gây ra sự mệt mỏi, suy nhược tinh thần.

Việc tìm hiểu và xác định nguyên nhân gây mệt mỏi vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe về lâu dài. (Ảnh minh họa).

Thiếu sắt 

Thiếu máu do thiếu sắt là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên mệt mỏi ở phụ nữ, đặc biệt là những chị em đang trong độ tuổi sinh sản. Khi cơ thể thiếu sắt, lượng hemoglobin – một protein trong hồng cầu giúp vận chuyển oxy – sẽ giảm, khiến cơ thể không đủ oxy để cung cấp cho các cơ quan và mô.

Thiếu sắt không chỉ dẫn đến mệt mỏi mà còn gây ra nhiều triệu chứng khác như da xanh xao, chóng mặt, và khó thở. Phụ nữ có nguy cơ cao bị thiếu sắt do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc do mang thai, khi nhu cầu về sắt tăng lên để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.

Thiếu ngủ

Thiếu ngủ không chỉ làm giảm năng lượng mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng, khả năng tập trung và hiệu suất làm việc hàng ngày. Phụ nữ hiện đại phải gánh vác nhiều trách nhiệm từ gia đình đến công việc. Đó là lý do phụ nữ thường không có đủ thời gian để nghỉ ngơi, dẫn đến tình trạng thiếu ngủ mãn tính.

Thiếu ngủ kéo dài có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp và thậm chí là bệnh tim mạch. Việc duy trì một thói quen ngủ khoa học và giảm thiểu căng thẳng sẽ giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi.

Mệt mỏi thường xuyên là một trong những triệu chứng phổ biến ở phụ nữ hiện đại, nhưng không được xem nhẹ. (Ảnh minh họa).

Trầm cảm

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, người trầm cảm dễ bị mệt mỏi cao gấp bốn lần so với người bình thườn và những người hay mệt mỏi có khả năng bị trầm cảm cao gần ba lần. Khi phụ nữ mắc phải trầm cảm, họ không chỉ cảm thấy mệt mỏi về thể chất mà còn mất đi động lực sống, cảm thấy buồn bã và lo lắng kéo dài. 

Sự suy giảm năng lượng là một trong những dấu hiệu điển hình của trầm cảm, khiến người bệnh cảm thấy kiệt quệ dù không làm việc quá sức.

Phụ nữ thường dễ bị trầm cảm do sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai, sau sinh, hoặc trong giai đoạn tiền mãn kinh. Việc phát hiện và điều trị trầm cảm sớm sẽ giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi và mang lại sức khỏe tinh thần tốt hơn.

AN THANH