Khoảnh khắc đời nghiêng ngả
Năm 2018, chị Trà My mang thai đứa con thứ hai. Trong tâm trí chị ngày đó chỉ có một mong ước, con sinh ra được khỏe mạnh, cứng cáp. Thế nên, chị chẳng ngần ngại nạp vào cơ thể những món ăn mà chị nghĩ là "tốt cho con". Cố gắng ăn nhiều thịt bò để bổ sung sắt; mỗi ngày đều đặn năm quả trứng vịt lộn, vì nghe người ta bảo: “Ăn như vậy thì con sinh ra sẽ có mái tóc dày đẹp”.
Không dừng lại ở đó, chị còn uống các loại đồ uống ngọt như: Nước mía, nước dừa hằng ngày vì tin rằng chúng sẽ bổ sung năng lượng cho cả mẹ lẫn con.
“Lúc đó mình nghĩ rằng, ăn uống đầy đủ, con sẽ cứng cáp, khỏe mạnh. Dù cơ thể tăng cân mình cũng chấp nhận. Thế nên mình ăn thoải mái từ thịt bò, lòng lợn, chân giò đến nước mía, nước dừa, chè,… Mình không nghĩ rằng những thói quen ấy lại âm thầm gieo mầm nguy cơ cho sức khỏe sau này”, chị My kể.

Chị My đã trải qua cơn đột quỵ ở tuổi 28. (Ảnh: NVCC).
Khi đứa trẻ trong bụng lớn dần, cơ thể chị My cũng theo đó mà đổi thay. Từ vóc dáng thon gọn, chị tăng cân vùn vụt, chạm ngưỡng gần 80kg. Bước chân trở nên chậm chạp, cơ thể nặng nề như mang thêm một gánh lo vô hình. Trong một lần khám thai, bác sĩ nhìn kết quả xét nghiệm, cảnh báo: “Mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ, tiểu đường thai kỳ, huyết áp thất thường, phải theo dõi kỹ”. Chị gật đầu, nhưng trong lòng lại nghĩ chỉ cần sinh con xong là ổn.
Bốn tháng sau khi con chào đời, chị My tiếp tục ăn nhiều để lấy sữa cho con bú. “Mình ăn rất nhiều chân giò hầm, đến mức bây giờ, mỗi khi nhìn thấy món chân giò, mình lại rùng mình”. Chế độ ăn nhiều chất béo trong thời gian dài khiến lượng cholesterol trong máu của chị tăng cao, kèm theo đó là chỉ số LDL xấu vượt ngưỡng cho phép. Cộng thêm căng thẳng do khối lượng công việc ngày càng nhiều, mất ngủ và stress kéo dài, khiến những dấu hiệu bất thường bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.
Những cơn đau đầu dai dẳng bám riết, nửa người bên trái thỉnh thoảng cứng đờ, cử động khó khăn. Mãi cho đến một ngày cuối năm 2018, ngay khi bước ra khỏi phòng tắm, vừa đặt chân xuống nền gạch lạnh, nhìn cả thế giới trước mắt như nghiêng ngả, chị ngã quỵ. Trong khoảnh khắc chập chờn giữa tỉnh và mê, chị My chỉ kịp nghe thấy tiếng chồng hét lên thất thanh, cảm giác cơ thể được bế xốc lên rồi lịm hẳn.
Chị My được đưa đến Bệnh viện Quân y 175 trong cơn nguy kịch. Các bác sĩ chẩn đoán bị tai biến mạch máu não, đột quỵ. Khi tỉnh lại trên giường bệnh, chị My bàng hoàng. Đầu nặng trịch, tay chân bất động, đôi mắt chìm trong bóng tối dù đã cố dụi thật mạnh. “Lúc đó mình sợ hãi vô cùng. Mình sợ có khi nào mất thị giác luôn không. Tay chân không nhúc nhích được, miệng cũng không thể thốt ra lời. Cảm giác như cơ thể mình bị khóa cứng lại, không còn là của mình nữa”, chị My nhớ lại.
Ngay lúc này, chị My mới nhận ra rằng, chính những vấn đề sức khỏe trong thai kỳ như huyết áp cao, mỡ máu cao, vốn không được kiểm soát, đã âm thầm gieo mầm cho cơn bạo bệnh sau khi sinh.
Những ngày bất lực bên con
Cơn đột quỵ ập đến đột ngột, cướp đi sức khỏe vốn có và để lại cho chị My một cơ thể chẳng còn là của mình. Những ngày sau khi xuất viện, chị rơi vào hố sâu của sự bất lực và đau đớn. Đôi chân không nghe lời, bàn tay vô lực, ngay cả việc ăn uống cũng trở thành thử thách. Hai hàm cứng đờ, không thể nhai, không thể nuốt, chỉ có thể ăn cháo xay nhuyễn, được mẹ và chồng đút từng thìa nhỏ. Chị gắn bó với chiếc xe lăn gần một tháng, mỗi ngày trôi qua như một cơn ác mộng.

Có thời điểm, cân nặng của chị My chạm mốc 80kg. (Ảnh: NVCC).
Những đêm dài, chị nằm bất động, mắt đẫm lệ nhìn lên trần nhà. Nghe tiếng con òa khóc vì khát sữa vang lên ngay bên cạnh, nhưng chị chẳng thể làm gì. “Nhìn con khóc mà không thể ôm vào lòng, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Mẹ và chồng thay nhau loay hoay chăm con, còn mình chỉ có thể nằm đó, bất lực. Đó là những ngày tháng kinh khủng nhất với mình”, chị nói với giọng run run.
Không lâu sau đó, chị My bắt đầu tập vật lý trị liệu, nhưng hành trình ấy gian nan hơn chị tưởng. Thời điểm đó, nửa người bên trái đang dần teo cơ, cơ thể gần 70kg dù đã giảm 10kg vẫn quá nặng để đứng lên. Chị lê từng bước trên sàn tập, mỗi bước đi run rẩy, vụng về.
Sau một tháng, chị tập tễnh đi lại được, nhưng vẫn cần người đỡ. Những lần co quắp bàn tay, siết chặt từng ngón để lấy lại khả năng cầm nắm là cả một nỗ lực phi thường. Dần dần, chị cầm được thìa, nhưng cơ hàm vẫn bất động.
“Lưỡi tôi cứng đờ, hàm vẹo sang một bên. Tôi chưa từng nghĩ có ngày mình phải học lại cách há miệng”, chị cười buồn.
Phục hồi chức năng không mang lại kết quả như mong muốn, chị chuyển sang châm cứu. Cắn răng chịu đựng những cơn đau buốt từ kim châm suốt bốn tháng trời, cuối cùng, hàm chị cử động trở lại, mắt cũng sáng rõ hơn.
Bước đầu từ hồi phục đến hạnh phúc
Khi những dư chấn của cơn đột quỵ dần lùi xa, chị My bước vào một hành trình mới, học cách yêu thương chính mình. Các buổi tái khám dần mang tin vui, sức khỏe chị cải thiện, nhưng bác sĩ cảnh báo nguy cơ đột quỵ lần hai vẫn rình rập và có thể dẫn đến tử vong nếu chị không thay đổi cách sống.

Sau đột quỵ, chị My đã thay đổi lối sống lành mạnh hơn. (Ảnh: NVCC)
Nỗi sợ hãi khi không thể làm chủ bản thân, sợ bị liệt, trở thành động lực để chị học cách chăm sóc sức khỏe và trân trọng cuộc sống. Chị từ bỏ những món ăn từng yêu thích. Thay vào đó, chị chọn cá, rau xanh, những thực phẩm tự nhiên tốt cho sức khỏe. Chị tìm hiểu về dinh dưỡng, học cách lắng nghe cơ thể.
“Sau khi cơ thể dần tốt lên, mình nhận ra rằng thiếu hiểu biết chính là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề sức khỏe. Mình quyết định thay đổi, bắt đầu học về dinh dưỡng và tìm ra chế độ ăn Địa Trung Hải. Đây là chế độ ăn rất tốt cho những người mắc các vấn đề về tim mạch và chuyển hóa. Chế độ ăn này cũng góp phần giúp mình phục hồi sức khỏe sau đột quỵ”, chị My chia sẻ.
Kết quả, từ cơ thể gần 70kg, chị giảm cân, lấy lại vóc dáng thời son rỗi. Chị My cho biết, chế độ giảm cân mà chị áp dụng không phải là việc loại bỏ hoàn toàn tinh bột. Thay vào đó, chị lựa chọn loại tinh bột lành mạnh như quinoa (hạt chia mạch). Bên cạnh đó, chị cũng đảm bảo các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein từ cá hồi, vitamin từ rau quả.
Hiểu được thực phẩm đặc trưng của chế độ ăn Địa Trung Hải là hải sản, đặc biệt là cá, tôm, mực, chị bắt đầu nghiên cứu các món ăn giảm cân và công thức chế biến sao cho vừa giữ được hương vị hấp dẫn mà vẫn hỗ trợ quá trình giảm cân hiệu quả. Sau khi tự thử nghiệm và nhận thấy hiệu quả rõ rệt, chị chia sẻ những công thức này trên mạng xã hội, giúp mọi người có thể áp dụng những món ăn này vào chế độ ăn uống của mình mà không cảm thấy bị nhàm chán hay mất đi niềm vui ăn uống.
“Chế độ này phù hợp với các mẹ bỉm sữa, vì không yêu cầu phải ăn 100% theo kiểu Địa Trung Hải. Các mẹ vẫn có thể ăn món truyền thống của người Việt như: Cá kho, thịt kho, nhưng cần hạn chế gia vị. Mình cũng khuyến khích mọi người nên ăn theo chế độ mẫu với các món ăn đơn giản và ít gia vị như cá kho hoặc tôm kho để duy trì sức khỏe mà vẫn giảm cân hiệu quả”, chị My nói.

Chị My hy vọng mọi người chú ý, quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. (Ảnh: NVCC).
Ở thời điểm hiện tại, đi qua cơn thập tử nhất sinh, chị My có dịp nhìn nhận lại giá trị của cuộc đời mình. Chị nhận ra rằng khó khăn không chỉ là thử thách mà còn là cơ hội để khám phá lại bản thân và tìm kiếm những điều quan trọng nhất trong cuộc sống.
Chị hiểu rằng sức khỏe là tài sản quý giá nhất, và dinh dưỡng không chỉ là để duy trì thể chất mà còn để nuôi dưỡng tinh thần. Những gì chị đang làm hôm nay không chỉ là công việc mà còn là cách chị cống hiến, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng, giúp mọi người hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh và cách sống đầy đủ, cân bằng.
Chị cũng không còn nhìn cuộc sống qua lăng kính của những gian nan, trắc trở, mà là qua đôi mắt của một người đã học được cách sống trọn vẹn, biết trân trọng từng khoảnh khắc và từng bài học mà cuộc sống mang lại.
“Hạnh phúc không phải là một đích đến, mà là hành trình vượt qua khó khăn, là sự hiểu biết và sự trưởng thành từ những thử thách trong cuộc sống. Giống như sau khi trải qua lần đột quỵ, mình nhận ra rằng sức khỏe là vàng nên nhìn nhận đúng về lối sống và bệnh tật”, chị My tâm sự.
AN THANH