Tay trắng khởi nghiệp với loại cây “không lá”, anh nông dân miền Tây nhẹ nhàng bỏ túi 5 tỷ đồng/năm

Google News

Với lợi ích kinh tế cao lại không cần vốn đầu tư nhiều, chăm sóc đơn giản, dễ thích nghi với môi trường sống, trồng nấm bào ngư hiện đang là mô hình làm giàu được nhiều bà con nông dân áp dụng ngay tại địa phương.

Nấm bào ngư còn được gọi với nhiều cái tên khác như nấm sò, nấm trắng. Nấm bào ngư thường mọc thành từng cụm xếp chồng lên nhau, sinh trưởng rất tốt trên thân cây gỗ, các loại mùn, rơm rạ. Trong tự nhiên, chúng thường được mọc trên các thân cây mục ẩm. Hiện nay, loại nấm này có thể được trồng nhân tạo ở rất nhiều nơi.

Nấm bào ngư trông rất bắt mắt.

Nấm nói chung và nấm bào ngư nói riêng là loại thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng cần thiết cho con người, hàm lượng protein có trong nấm tương đương với thịt, cá và rất giàu chất khoáng. Ngoài những lợi ích đối với sức khỏe, nấm bào ngư còn được ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon. Có nhiều món ăn làm từ nấm bào ngư như súp nấm, nấm bào ngư chiên, nấm bào ngư xào thịt bò…

Nấm bào ngư có giá trị dinh dưỡng cao.

Đây là mặt hàng đang bán chạy trên thị trường do nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao. Giá thành nấm bào ngư tươi dao động từ 30.000-80.000 đồng/kg; nấm bào ngư khô rơi vào khoảng 600.000 đồng/kg. Đối với người nông dân, việc trồng nấm bào ngư theo hình thức sản xuất trên diện tích rộng sẽ thu hoạch được nhiều, đem lại lợi nhuận cao. 

Anh Nguyễn Thanh Long (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) được biết đến là tấm gương vượt khó nhờ mô hình kinh doanh trồng nấm bào ngư. Vốn là người gốc Thái Bình, nhưng anh Long đã tới miền Tây sông nước để theo học ngành kinh doanh thương mại của trường ĐH Cần Thơ. 

Anh Long ngày càng mở rộng trang trại trồng nấm.

Năm 2016, anh ra trường và có công việc ổn định ở Thái Bình. Đến năm 2018, vì niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp, anh quyết định nghỉ việc, trở lại miền Tây để tìm kiếm cơ hội lập nghiệp từ việc chăn nuôi, trồng trọt. 

Tình cờ biết đến mô hình trồng nấm bào ngư, cũng như thấy được tiềm năng phát triển nên anh quyết tâm đầu tư trại trồng nấm tại Vĩnh Long. Ban đầu, anh nhập 20.000 bịch phôi nấm với giá hơn 100 triệu đồng về trồng. Tuy nhiên, vụ đầu tiên đã không thành công khi nhiều phôi không ra nấm. 

Nhận thấy cách làm của bản thân chưa phù hợp và còn thiếu kinh nghiệm, anh Long quyết trở về Thái Bình để học hỏi thêm. Sau khi tự tin với kiến thức tích lũy được, anh trở lại Vĩnh Long đầu tư máy móc, thiết bị, lò hấp và mở rộng diện tích trại nấm lên 500m2, thực hiện quy trình khép kín vừa sản xuất phôi, trồng và bán sản phẩm. 

Sau đó, anh Long đã thành công và ngày càng mở rộng mô hình kinh doanh thành trang trại nấm. Hiện nay, nếu thu hoạch hết công sức các trại nấm, mỗi ngày anh Long sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 300-400kg nấm, thương lái đến tận nơi mua giá 45.000 đồng/kg. Nhờ vậy, mỗi tháng, anh Long kiếm được thu nhập gần 400 triệu đồng từ trại nấm, doanh thu đạt 5 tỷ đồng/năm.

Tại Nghệ An, anh Nguyễn Văn Quang (xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn) cũng khởi nghiệp thành công với mô hình trồng nấm bào ngư. Bắt đầu từ năm 2009, anh tận dụng nhà kho rộng hơn 50m2 để trồng nấm theo phương pháp truyền thống nhưng đã thất bại.

Anh Quang mở rộng quy mô trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao.

Sau một năm, anh Quang quyết định đi xuất khẩu lao động, tạo nguồn vốn chờ ngày trở về quê hương lập nghiệp. 10 năm sau, anh Quang về nước, mạnh dạn đầu tư mở trang trại trồng nấm với diện tích hơn 1.500m2 để trồng nấm bào ngư và nhiều loại nấm khác. Nhờ kinh nghiệm được tích lũy và sự quyết tâm, mô hình sản xuất nấm của anh Quang đã thành công, cho thu nhập ổn định. 

Anh Quang cho biết, giá nấm bào ngư hiện được thu mua từ 30.000 đồng/kg, nấm tai mèo từ 120.000 đồng/kg, nấm linh chi từ 800.000-1.200.000 đồng/kg tùy loại. Năm vừa qua, trang trại của anh Quang cung cấp ra thị trường hơn 20 tấn nấm thương phẩm, trừ chi phí phôi, giống, trả lương cho công nhân,... anh Quang lãi trên 500 triệu đồng.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hoài (xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng quyết định tìm cho mình một lối đi riêng với mô hình trồng nấm bào ngư. Trước đây, gia đình chị Hoài kiếm tiền chủ yếu dựa vào trồng lúa và các loại cây ăn trái. 

Chị Hoài đi lên từ mô hình trồng nấm bào ngư.

Năm 2006, sau khi tham quan mô hình trồng nấm của người bạn ở huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), chị Hoài bắt đầu học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và chuyển sang kinh doanh nấm. Ban đầu, chị Hoài xây dựng 30 trại trồng nấm mèo và bào ngư trên diện tích 10.000m2. Chị đã thành công ngay từ những vụ đầu tiên và ngày càng mở rộng quy mô nuôi trồng nhiều loại nấm. 

Đến nay, mỗi vụ sản xuất chị thu được 500.000 bịch nấm, mỗi năm làm 3 vụ. Mỗi tháng cung ứng ra thị trường khoảng 15 tấn nấm mèo và 150 tấn nấm bào ngư, giá bán từ 80.000-90.000 đồng/kg (bào ngư) và 30.000 đồng/kg (nấm mèo), lợi nhuận đạt khoảng 800 triệu-1 tỷ đồng/năm. 

Hiện nay, trên thị trường đã có nhiều phôi nấm đã cấy meo nấm sẵn bán tại các cửa hàng bán đồ nông sản, cây giống để người nông dân có thể trồng tại nhà, giúp mở rộng trang trại sản xuất. Theo bà con, việc nuôi trồng nấm không quá khó nhưng đòi hỏi kiến thức kỹ thuật đúng và sự tận tâm chăm sóc, theo dõi, kiên trì thì mới có thể nuôi nấm thành công được.

THẢO ANH