Sữa mẹ là tốt nhất, vậy sữa công thức có khiến trẻ khó tiêu hóa hơn, nên bổ sung thế nào cho đúng?

Google News

Không thể phủ nhận sữa mẹ là tốt nhất với trẻ nhỏ, nhưng rất nhiều gia đình vẫn bổ sung các loại sữa công thức khác trong quá trình nuôi con. Vậy điều này liệu có nên thực hiện và có làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ?

Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất cho trẻ

Với một em bé vừa mới chào đời, việc cho trẻ bú sữa mẹ càng sớm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ, vì đó là nguồn sữa non vô cùng quý giá. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, trong 6 tháng đầu đời nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, vì đây là thức ăn hoàn chỉnh và thích hợp nhất đối với trẻ.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp, phù hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng nguy cơ suy dinh dưỡng.

Theo đó, sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm khuẩn. Trong sữa mẹ có kháng thể là yếu tố bảo vệ cơ thể trẻ mà không một thức ăn nào có được. Do tác dụng kháng khuẩn của sữa mẹ nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh. Ngoài ra, trẻ bú mẹ ít bị dị ứng, eczema như ăn sữa bò.

Sữa mẹ là tốt nhất, vì thế Bộ Y tế khuyên hãy nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Ảnh minh họa. 

Dưới góc độ kinh tế, việc cho con bú sữa mẹ sẽ thuận lợi về kinh tế, không phụ thuộc vào giờ giấc không cần phải chế biến, không cần dụng cụ pha chế, lại rất tiện lợi. Trẻ bú sữa mẹ sẽ thuận lợi, kinh tế hơn nhiều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi người mẹ ăn uống đầy đủ, tinh thần thoải mái sẽ có đủ sữa cho con bú. Không chỉ có vậy, nuôi con bằng sữa mẹ giúp gắn bó tình mẫu tử, người mẹ có nhiều thời gian gần gũi tự nhiên, đó là yếu tố tâm lý quan trọng giúp cho việc phát triển hài hoà của đứa trẻ.

Có nên kết hợp nuôi con bằng sữa công thức cùng với sữa mẹ

Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời là rất cần thiết và quan trọng. Sau đó, trẻ có thể kết hợp cho bú sữa mẹ, ăn dặm và bổ sung bằng sữa công thức phù hợp, thậm chí một số trường hợp trẻ dưới 6 tháng vẫn phải nuôi bằng sữa công thức.

Theo đó một số trường hợp trẻ cần phải sử dụng sữa công thức như trẻ bị sinh non hoặc mắc một số bệnh lý nào đó, khi ấy trẻ có thể cần nhiều hơn sữa mẹ. Mục đích của việc bổ sung sữa công thức thường là giúp trẻ tăng cân.

Hay trường hợp người mẹ có ít sữa, hay mắc một số bệnh lý nào đó khiến việc sản xuất sữa mẹ có thể bị cản trở. Khi đó trẻ không nhận đủ dinh dưỡng thông qua bú sữa mẹ, thì sữa công thức sẽ là phương án bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Với trẻ trên 6 tháng tuổi, khi đó nguồn dưỡng chất cần bổ sung nhiều hơn, khi đó người mẹ có thể sẽ phải quay trở lại công việc, vì thế bổ sung thêm sữa công thức vào chế độ ăn của trẻ là cần thiết.

Hoàn toàn có thể kết hợp nuôi con bằng sữa mẹ và sữa công thức, nhất là trong một số trường hợp đặc biệt. Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, không ít trường hợp lo ngại rằng, trẻ đang bú mẹ chuyển sang dùng sữa công thức có thể gây nên tình trạng khó tiêu hóa? Theo các chuyên gia nhi khoa, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng khó tiêu khi dùng sữa công thức, nhất là ở trẻ sơ sinh vì khi đó hệ vi sinh đường ruột chưa hoàn thiện, thiếu hụt probiotic (các vi khuẩn có lợi) và prebiotic thức ăn cho các vi khuẩn này. Ngoài ra, việc thay đổi đột ngột hay lựa chọn sữa có thành phần không phù hợp cũng có thể khiến trẻ khó tiêu, khi đó hệ tiêu hóa sẽ phải mất thời gian làm quen.

Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo rằng, khi bổ sung sữa công thức cho trẻ nên lưu ý các triệu chứng, nếu thấy trẻ bị nôn trớ, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, bú kém… thì hãy cẩn trọng, có thể tạm dừng hoặc đổi loại sữa phù hợp với trẻ. Về bản chất, sữa công thức nếu được sản xuất an toàn, được kiểm định đúng quy định thì không hề xấu hay gây hại với trẻ và hoàn toàn có thể sử dụng những loại phù hợp với cơ địa và hệ tiêu hóa của trẻ.

Nên bổ sung sữa công thức cho trẻ thế nào?

Theo Viện Dinh dưỡng, việc bổ sung sữa công thức cho trẻ sẽ tùy thuộc vào lứa tuổi, nhu cầu và thậm chí là loại sữa vì mỗi loại sữa sẽ có thành phần khác nhau. Ngoài vấn đề chung là bổ sung dinh dưỡng thiết yếu, các loại sữa còn có những thành phần và tác dụng khác nhau ví dụ như sữa công thức được bổ sung thêm sữa non, sữa có thành phần giúp tăng chiều cao, cân nặng hay thêm một số vi chất dành cho một số trẻ bị thiếu hụt các vi chất đó.

Với trẻ dưới 6 tháng cần nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, trừ một số trường hợp như đã nói trên. Với trẻ trên 6 tháng, có thể kết hợp sữa mẹ và sữa công thức để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ phát triển. Ban đầu khi mới cho trẻ sử dụng sữa công thức, cần cho sử dụng ít để “nghe ngóng” phản ứng cơ thể của trẻ như tình trạng dị ứng, có tiêu hóa tốt không,…

Khi cho trẻ sử dụng sữa công thức cần phải lưu ý một số điểm để không ảnh hưởng sức khỏe của trẻ. Ảnh minh họa. 

Khi đã chọn được loại sữa công thức phù hợp, việc sử dụng dụng cụ cho trẻ ăn cũng rất quan trọng, bởi nhiều trẻ sẽ không quen bú bình do đã quen với mùi cơ thể của mẹ. Khi đó, các mẹ hãy kiên trì tập cho con bú bình hoặc có thể pha sữa và sử dụng thìa để bón cho con ăn.

Đặc biệt, không pha chung sữa công thức với sữa mẹ cho trẻ sử dụng vì sẽ gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa. Nếu trẻ bú sữa mẹ chưa đủ no, mẹ có thể rút ngắn thời gian giữa 2 cữ, bổ sung sữa công thức cho bé ở cữ sau. Nếu cữ trước vẫn còn sữa mẹ, ở cữ sau mẹ nên cho trẻ tiếp tục bú mẹ.

Cuối cùng, khi nuôi con bằng sữa công thức cần đặc biệt lưu ý đến việc vệ sinh, tiệt trùng dụng cụ để tránh vi khuẩn xâm nhập. Không hâm nóng sữa bằng cách quay lò vi sóng, nên sử dụng máy hâm sữa đúng cách theo hướng dẫn của từng loại máy. Tuyệt đối, không để sữa ở ngoài nhiệt độ phòng quá 2 giờ sau khi pha và cần pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất và pha đủ số lượng theo độ tuổi của trẻ.

LÊ PHƯƠNG.