Nhớ 3 mẹo này, ra chợ chỉ cần nhìn qua sẽ biết đâu là giá đỗ sạch tốt cho sức khỏe, đâu "ngậm" hóa chất

Google News

Giá đỗ là thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng cũng rất dễ "ngậm" hóa chất. Vậy làm sao để nhận biết và lựa chọn được giá đỗ an toàn?

Mới đây, thông tin hàng nghìn tấn giá đỗ ngậm hóa chất được tuồn ra thị trường, bán cả trong siêu thị khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Rất nhiều người thắc mắc, khi mua giá đỗ làm sao để phân biệt được giá được ủ bằng hóa chất và giá đỗ an toàn. Theo các chuyên gia, nếu mua ào ào thì rất khó phát hiện, chưa kể thói quen tiêu dùng của người Việt luôn thích rẻ nhưng phải đẹp và ngon.

Về cách lựa chọn giá đỗ an toàn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Chuyên gia về Công nghệ sinh học và thực phẩm cho biết, khi nói đến hóa chất nhiều người thường nghĩ sẽ có mùi đậm đặc hoặc rất hắc… Tuy nhiên, với hóa chất ủ giá đỗ là 6-benzylaminopurine được hòa tan trong dung dịch Na2CO3 và tẩm vào làm giá đỗ, khi đưa ra thị trường nếu chỉ ngửi thì rất khó để nhận ra sự khác biệt.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, khi lựa chọn giá đỗ an toàn có thể nhìn bằng mắt thường. Ảnh: Lê Phương.

Ông Thịnh cho rằng, để nhận biết chính xác nhất giá đỗ có bị tồn dư hóa chất hay không thì cần đưa đi xét nghiệm, nhưng với nhu cầu sử dụng của người dân, việc làm này quá tốn kém và không phù hợp. Hơn nữa, với số lượng ăn của mỗi gia đình thì việc gây ngộ độc cấp tính sau ăn cũng khó xảy ra.

Do vậy, vị chuyên gia này khuyến cáo, nên phân biệt và lựa chọn bằng mắt thường. “Cách phân biệt dễ nhất đó là nhìn qua phần rễ của giá đỗ. Theo đó, giá đỗ ủ bằng hóa chất có chất tăng trưởng nên phát triển nhanh, giá thường không có rễ. Với giá đỗ tự ủ, thường thời gian thu hoạch phải 3-5 ngày, khi đó rễ đã phát triển nên sẽ có nhiều rễ ở phần gốc”, ông Thịnh tư vấn.

Theo ông Thịnh, với các loại giá đỗ ủ bằng hóa chất, việc loại bỏ tồn dư là điều không thể, vì có rửa đến mấy cũng không hết được hóa chất. “Các loại hóa chất khi ủ sẽ ngấm sâu vào trong giá, khi rửa sẽ không thể hòa tan hết. Thậm chí, nấu chín chúng vẫn còn tồn dư và đi vào cơ thể”, ông Thịnh cảnh báo.

Giá đỗ ủ bằng hóa chất thường mập, ngắn và không có rễ. Ảnh minh họa. 

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, rất khó để nhận biết được chính xác 100% đâu là giá đỗ có hóa chất, đâu là giá đỗ an toàn. Thông thường, việc nhận biết chỉ theo cảm tính bằng mắt thường, tuy nhiên qua đó cũng có thể thấy được sự khác biệt khá rõ ràng.

Về màu sắc: Giá an toàn có màu trắng đục, trắng sữa. Còn giá đỗ có chất kích thích thân giá có màu trắng muốt, trắng sứ, trông bóng bẩy hơn, bởi trong chất kích thích có chất tẩy trắng.

Về thân hình: Giá đỗ an toàn thân thường mảnh, không bóng, thân cứng và khó đứt gãy, mầm lá được đẩy ra ngoài. Trong khi giá đỗ ngậm hóa chất, trông bóng và dễ bị đứt gãy, lá không nảy ra khỏi hạt mầm, thân cây giá mập, ngắn, rễ không phát triển.

Ngoài ra, vỏ hạt đỗ được bong ra từ cây giá an toàn có màu xanh như màu xanh hạt đỗ bình thường. Còn đối với vỏ hạt đỗ được bong ra từ cây giá có chất kích thích có màu xanh đen, do phản ứng hóa học tác động khiến vỏ đỗ đen đi nhiều.

Giá đỗ an toàn thường cọng dài, có rễ và lá màu xanh giống như vỏ hạt đỗ trước khi làm giá. Ảnh minh họa. 

Khi nấu chín: Giá đỗ an toàn khi nấu lên sẽ không bị mềm nhũn, vị ngọt thanh, giòn, đặc và ra ít nước. Trong khi, giá đỗ ngậm hóa chất ăn sẽ khô, xốp và ít vị ngọt, không thơm ngon.

Cuối cùng, cả hai vị chuyên gia đều khuyến cáo, để có được giá đỗ an toàn sử dụng trong gia đình, tốt nhất mọi người nên tự làm ở nhà, vì làm giá đỗ rất đơn giản. Theo đó, trước khi làm cần ngâm đỗ trước, tùy theo mùa thời gian ngâm đỗ có thể kéo dài từ 6 đến 10 tiếng.

Sau khi ngâm thấy hạt đỗ nứt ra thì cho vào dụng cụ để ủ, khi ủ dùng vải tối màu phủ, dùng vật nặng nén lên trên tấm vải phủ. Hàng ngày, cần tưới nước cho giá đỗ. Tùy vào sở thích ăn giá đỗ dài hay ngắn mà thời gian có thể kéo dài từ 3 đến 4 ngày là có thể thu hoạch được.

LÊ PHƯƠNG.