Một buổi chiều năm 1988, tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ông Mao đến trường mẫu giáo để đón con trai Mao Yin về nhà. Trên đường về, thấy con trai 2 tuổi rưỡi kêu khát nước nên ông Mao đã dừng lại trước khách sạn Kinlin trên đường Xidajie để vào lấy nước cho con. Không ngờ, chỉ thoáng chốc quay ra, ông đã không thấy con trai mình đâu nữa.
Mẹ của Mao Yin, bà Li Jingzhi khi đó đang đi công tác liền vội vã trở về Tây An trong đêm. Trên đường về, bà còn tự an ủi mình, nhỡ đâu chỉ là ai đó đang đùa, biết đâu con sẽ sớm xuất hiện. Thế nhưng khi trở về nhà, Li Jingzhi được biết gia đình và bạn bè đã tìm kiếm con suốt cả ngày trời.
Không biết đã bao nhiêu đêm, bà Li chẳng thể chợp mắt cho đến tận bình minh. Đủ mọi suy đoán và lời tự trách cứ ám ảnh trong đầu bà. Từ đó, cuộc sống yên bình của vợ chồng họ đã không còn nữa.
Những ngày hạnh phúc bên con trai nhỏ chỉ còn là kỷ niệm với bà Li.
Sau vụ mất tích, cặp vợ chồng đã in cả trăm nghìn tờ thông báo tìm con, gửi đến cơ quan và khắp mọi nẻo đường. Biết rằng việc này như mò kim đáy bể nhưng chỉ cần có một chút manh mối, hai người họ sẽ lập tức lên đường. Để tiết kiệm tiền, họ sẽ đạp xe khi đến các địa điểm trong thành phố và vùng ngoại ô, ăn bánh bao cầm chừng.
Mối quan hệ giữa vợ chồng họ dần rạn nứt rồi đi đến ly hôn. Sau khi đường ai nấy đi, Li Jingzhi chọn tiếp tục một mình tìm con. Suốt 32 năm, bà đã đến khắp các thị trấn và làng mạc ở 20 tỉnh bao gồm Thiểm Tây, Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam, An Huy, Chiết Giang… thu thập đầu mối của hơn 300 đứa trẻ có thể là con trai Jiajia bé nhỏ của mình. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, niềm hy vọng của bà đều bị vùi dập khi kết quả xét nghiệm ADN không trùng khớp.
Khi đã 52 tuổi, bà thậm chí còn đăng ký tham gia một cuộc thi tài năng, dùng hình thức đặc biệt này với những mong có thể tìm được con trai. Trong cuộc thi ngày hôm đó, bà lấy ra bức ảnh của con trai mình và kể về việc con trai bà đã mất tích như thế nào. Nước mắt tuôn rơi trên khuôn mặt hốc hác của người phụ nữ khiến khán giả không khỏi xúc động.
Trong khi tìm kiếm con trai của chính mình, Li Jingzhi cũng giúp đỡ nhiều gia đình khác cùng cảnh ngộ. 29 đứa trẻ nhờ có bà đã tìm được về với cha mẹ đẻ của mình. Bà chia sẻ: "Sau bao năm tìm kiếm con, tôi đã trải qua quá nhiều đau đớn và khổ sở. Tôi chân thành mong rằng mọi người trong xã hội hãy quan tâm đến vấn đề buôn bán trẻ em và lan tỏa tình yêu thương nhiều hơn nữa”.
Trong quá trình tìm con, bà Li đã giúp 29 đứa trẻ tìm về với gia đình.
Và rồi, sau 32 năm, điều kỳ diệu đã đến với bà Li vào cuối tháng 4 năm 2020. Cảnh sát Tây An nhận được tin báo rằng một người đàn ông ở tỉnh Tứ Xuyên đã mua một đứa trẻ từ Thiểm Tây vào cuối những năm 1980. Họ đã xác định được thông tin của Mao và sau đó xác nhận anh chính là người con trai bị bắt cóc của bà Li Jingzhi sau khi xét nghiệm ADN.
Văn phòng công an thành phố đưa tin, Mao Yin năm xưa đã bị bắt cóc và bán cho một cặp vợ chồng không có con ở tỉnh Tứ Xuyên với số tiền 6.000 tệ (hơn 20 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại). Cặp vợ chồng này đã nuôi nấng cậu như con ruột của mình, đổi tên thành Gu Ningning. CNN đưa tin, Mao nhớ từng thấy bà Li nói về đứa con trai mất tích của mình trên truyền hình, nhưng chưa bao giờ nghĩ đó lại chính là mình.
Cuối cùng, hành trình 32 năm tìm kiếm con của bà Li đã kết thúc có hậu.
Vào đúng Ngày của mẹ năm 2020, người đàn ông 34 tuổi đã có cuộc đoàn tụ đầy xúc động với cha mẹ ruột của mình. Tại buổi đoàn tụ do cảnh sát Tây An tổ chức, Mao Yin bước ra từ cửa, chạy sà vào vòng tay của mẹ.
“Đây là món quà tuyệt vời nhất mà mẹ từng nhận được”, bà Li xúc động nói.
Mao Yin khi đó đang điều hành một doanh nghiệp chuyên làm trang trí ở Tứ Xuyên. Chia sẻ về kế hoạch tương lai, anh cho biết mình sẽ chuyển đến Tây An để sống với mẹ ruột.
BẢO BẢO