Ngành học không lo thất nghiệp nhưng ít người lựa chọn, ra trường "hái ra tiền", thị trường luôn khát nhân lực

Google News

Đây là ngành học thiết thực, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp trong thời đại số. Với nhiều cơ hội nghề nghiệp và ứng dụng thực tế, ngành này đang thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.

Ngành học trở thành xu thế, thiết thực trong xã hội hiện đại

Ngành Nông nghiệp Công nghệ cao là một lĩnh vực đào tạo mới mẻ nhưng mang tính chiến lược. Ngành này kết hợp giữa khoa học nông nghiệp truyền thống với các tiến bộ vượt bậc của công nghệ hiện đại như công nghệ sinh học, kỹ thuật tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), cảm biến môi trường, dữ liệu lớn (Big Data)... để tạo ra những mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, bền vững và hiệu quả.

Trong những năm gần đây, ngành học Nông nghiệp Công nghệ cao được đào tạo nhằm giải quyết các vấn đề của nông nghiệp hiện đại như thiếu hụt lao động, hiệu suất sản xuất thấp, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Thay vì trồng trọt và chăn nuôi theo kinh nghiệm hoặc truyền thống, sinh viên và người lao động trong ngành được đào tạo để tiếp cận nông nghiệp bằng tư duy công nghệ và hệ thống hóa quy trình sản xuất. 

Đây là ngành học đa ngành, liên quan đến kỹ thuật, công nghệ, sinh học và cả quản trị, cho phép người học tiếp cận toàn diện các khía cạnh của sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, bùng nổ dân số và nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm an toàn, ngành Nông nghiệp Công nghệ cao trở thành xu thế. Ở Việt Nam, việc chuyển dịch từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là bước đi quan trọng để nâng cao giá trị nông sản, tăng năng suất và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nông dân.

Bên cạnh đó, thị trường nông sản hiện nay không chỉ quan tâm đến sản lượng mà còn đòi hỏi truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và tính bền vững trong sản xuất. Chỉ những mô hình sản xuất tiên tiến, có kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt và tích hợp công nghệ mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước lẫn quốc tế. 

Cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn nhưng ít người lựa chọn

Chương trình đào tạo ngành Nông nghiệp Công nghệ cao được thiết kế liên ngành, giúp sinh viên nắm vững kiến thức cơ bản về khoa học nông nghiệp, đồng thời được trang bị các kỹ năng công nghệ hiện đại phục vụ cho quá trình sản xuất và quản lý nông nghiệp.

Sinh viên sẽ được học về đặc điểm sinh học của cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật canh tác và chăm sóc hiện đại; cách sử dụng và tối ưu hóa các nguồn tài nguyên như nước, đất, phân bón theo phương pháp thông minh. Ngoài kiến thức chuyên môn, người học còn được trang bị kỹ năng mềm như tư duy hệ thống, quản lý dự án nông nghiệp, khả năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh nông nghiệp 4.0.

Với nền tảng kiến thức rộng và khả năng ứng dụng công nghệ linh hoạt, sinh viên tốt nghiệp ngành này có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Họ có thể làm việc tại các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, tập đoàn sản xuất giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hay các công ty xuất khẩu nông sản.

Một số vị trí phổ biến bao gồm kỹ sư canh tác thông minh, chuyên viên phát triển và quản lý nông trại công nghệ cao, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, nhân sự kỹ thuật tại các trung tâm nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi, hoặc chuyên viên phân tích dữ liệu nông nghiệp.

Ngoài ra, sinh viên có thể tham gia vào các dự án phát triển nông nghiệp do nhà nước hoặc các tổ chức quốc tế tài trợ, hoặc lựa chọn con đường khởi nghiệp với mô hình trang trại thông minh, nông nghiệp đô thị, canh tác không đất (thủy canh, khí canh) hoặc sản xuất thực phẩm sạch. Những người có định hướng nghiên cứu hoặc học lên cao học cũng có thể làm việc tại các viện, trường đại học hoặc tổ chức phát triển.

Mức thu nhập khởi điểm của ngành này khoảng 9-12 triệu đồng, tăng lên khoảng 15-20 triệu sau 2-3 năm.Thu nhập trung bình của kỹ sư nông nghiệp có thể lên tới hơn 32 triệu đồng một tháng.

Năm 2023, trong gần 547.000 thí sinh vào đại học, chỉ 0,86% chọn lĩnh vực Nông lâm nghiệp và thủy sản, tương đương 4.700 sinh viên. Nhiều năm liền, Bộ giáo dục và Đào tạo đánh giá đây là lĩnh vực tuyển sinh kém.

Theo PGS.TS Trần Văn Quang, Trưởng khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhiều người vẫn nghĩ học nông nghiệp sẽ phải lội ruộng, phun thuốc sâu, luôn trong cảnh chân lấm tay bùn, nên cũng có sự ngần ngại nhất định. Quan niệm này không còn phù hợp bởi ngành nông nghiệp hiện tại được các trường đào tạo theo hướng công nghệ cao.

Ngoài Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhiều trường khác đào tạo ngành liên quan Nông nghiệp công nghệ cao, như Nông lâm TP HCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Lâm nghiệp... Điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả tốt nghiệp của các trường phổ biến từ 15 đến 22.

H.A