Mùa thu về, những cây trám vùng cao lại bắt đầu vụ mùa mới. Và những món ăn từ quả trám lại làm người xa quê xao xuyến.
Trám om vốn là món ăn dân dã gắn liền với cuộc sống của người dân ở một số miền quê của Việt Nam. Ngày đó, cây trám mọc hoang mại, có đầy ở bãi hoang hay bìa rừng. Đến mùa, quả trám rụng đầy gốc, người dân mang về làm trám om để ăn "cứu đói" hoặc ăn với cơm.

Ngoài trám om, người ta còn làm món trám muối ăn quanh năm vì quả trám không bảo quản được lâu.
Từ món ăn của người dân ở quê, giờ đây trái trám trở thành món đặc sản lạ ở thành phố. Vài năm nay, chúng được bán ở các chợ hay trên chợ mạng với giá từ 80.000-150.000 đồng/kg. Thời điểm đầu mùa hoặc lúc khan hiếm, giá có thể lên tới 220.000 đồng/kg. Trám đen kết hợp với thịt để làm món thịt om trám đen, vị béo ngậy của thịt ba chỉ cùng vị bùi bùi của quả trám đen sẽ là món ăn lạ miệng, đưa cơm. Món cá kho trám, xôi trám... ăn vào mùa lạnh để cảm nhận được hương vị thơm, bùi.
Trám có 2 loại gồm trám xanh và trám đen. Trám xanh khi chín ngả vàng, được trồng nhiều tại các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Cao Bằng. Quả trám đen có vỏ màu tím, khi chín vẫn màu tím nhưng được bao phủ bên ngoài một lớp phấn trắng, có nhiều ở Phú Thọ, Bắc Giang và các tỉnh miền Trung.

Vì mang lại giá trị kinh tế, hiện nay nhiều bà con ở các khu vực khác nhau đã mở rộng mô hình trồng và thu hoạch trám, nhờ đó tăng thêm thu nhập, thu về hàng chục triệu đồng mỗi vụ.
Trong quả trám có chứa 12% protein, 1,09% lipid, 12% hydrat carbon và một số khoáng chất quan trọng như canxi, phốt pho. Dầu hạt trám cũng giàu các axit béo có lợi như caproic, myristic, stearic, và linoleic.
Dưới đây là một số lợi ích nổi bật của quả trám đen đối với sức khỏe
Bảo vệ gan, tăng cường giải độc
Nhờ chứa nhiều chất chống oxy hóa, quả trám giúp bảo vệ tế bào gan khỏi gốc tự do, giảm nguy cơ viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Đồng thời, nó hỗ trợ gan hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy quá trình lọc máu và loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.
Tốt cho tim mạch
Hàm lượng kali cao trong quả trám giúp điều hòa huyết áp và giảm áp lực cho tim. Chất xơ hòa tan trong trám còn giúp giảm cholesterol xấu (LDL), hạn chế nguy cơ xơ vữa động mạch và các bệnh lý tim mạch.
Chống viêm, ngăn ngừa bệnh mãn tính
Các chất chống oxy hóa và flavonoid trong quả trám giúp ngăn ngừa viêm mãn tính – nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư, tim mạch, tiểu đường và các bệnh xương khớp. Flavonoid còn có tác dụng bảo vệ tim và hỗ trợ xương khớp.
Tăng cường sức khỏe xương và thị lực
Quả trám cung cấp canxi và phốt pho giúp duy trì mật độ xương, phòng chống loãng xương. Đồng thời, vitamin A trong quả trám giúp bảo vệ mắt, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể.
Hỗ trợ tiêu hóa, cải thiết chức năng đường ruột
Quả trám là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, một yếu tố quan trọng trong việc duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa. Chất xơ hoạt động như một "cây chổi" tự nhiên, quét sạch các chất cặn bã và độc tố tích tụ trong đường ruột, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đào thải diễn ra trơn tru, ngăn ngừa tình trạng táo bón khó chịu.
Hỗ trợ bệnh nhân tiểu đường
Mặc dù có kích thước nhỏ, quả trám đen vẫn cung cấp cho cơ thể một lượng tinh bột. Tinh bột trong quả trám thuộc loại kháng tannin, có khả năng điều chỉnh quá trình chuyển hóa glucose vào máu và giảm độ nhạy insulin. Nhờ đó, bệnh nhân tiểu đường có thể kiểm soát được mức đường huyết tốt hơn. Có thể nói rằng quả trám đen là thực phẩm lý tưởng cho những người mắc bệnh tiểu đường.
H.A