
Ngày con trai cất tiếng khóc chào đời, là thời khắc các bậc phụ huynh vui mừng như bắt được vàng, là ngày gia đình chào đón một thành viên nhỏ, đánh dấu bước ngoặt mới trong cuộc sống hôn nhân. Chị Quách Mỹ Oanh cũng không ngoại lệ, sinh ra bé trai khỏe mạnh, trắng trẻo và cái tên “Khải Thành” được đặt cho đứa con với nhiều mong muốn về sự thành công, may mắn trong cuộc sống.
Thế nhưng, khi con trai ngày càng lớn, chị Oanh lại nhận thấy những điểm bất thường trong hành vi, sinh hoạt thường ngày của con. Chị lật đật ôm con đi khắp nơi để tìm câu trả lời, sau đó nhận được kết luận con bị chứng rối loạn ngôn ngữ, tăng động và kém tập trung, có dấu hiệu của hội chứng tự kỷ.
Chị Oanh ngỡ ngàng, bởi lúc đó người mẹ trẻ cũng chẳng biết khái niệm của hai từ "tự kỷ".
“Ban đầu, tôi cứ nghĩ tự kỷ là bệnh. Thế nhưng, sau khi nghe các chuyên gia lý giải cùng việc tìm hiểu tài liệu liên quan, tôi mới hiểu tự kỷ là một hội chứng. Và tự kỷ chẳng có viên thuốc, liệu trình nào có thể chữa khỏi. Đó là thứ mà đeo bám con suốt cuộc đời. Lúc đó, tim tôi như thắt lại, không hiểu tại sao con lại như thế, Thành cũng như những đứa trẻ khác, vô tư chạy nhảy vui đùa nhưng tại sao có sự khác biệt đến thế…” - chị Oanh nghẹn ngào.

Nhớ lại thời điểm khó khăn với việc chấp nhận về hội chứng của con trai, chị Oanh sụt sùi nước mắt. Nhìn lại hành trình 17 năm đồng hành với con, chị cứ ngỡ đó là một giấc mơ có thật. Hành trình ấy không chỉ là cuộc chiến với hội chứng tự kỷ, mà còn là sự đấu tranh của mẹ Oanh với những định kiến, sự phủ nhận từ chính người thân và cả ánh nhìn của xã hội.
“Tôi về nói với gia đình thì không ai chấp nhận hết. Ông bà còn một mực khẳng định: Cháu tôi không bị tự kỷ, gia đình mình có ai bị vậy đâu. Nếu chậm nói thì thời gian sau nó cũng biết thôi, từ từ có gì đâu mà gấp” - chị Oanh thuật lại câu nói của ông bà. Sau đó, là một hành trình dài chị thuyết phục cả gia đình, những người xung quanh để thông cảm cho con trai của mình.
Chị Oanh tâm sự ban đầu con trai có nhiều biểu hiện lạ như thiếu tập trung, đập phá đồ đạc, nằm lăn ra cửa hay giành giật đồ ăn của các bạn khiến nhiều lần người mẹ trẻ rơi vào tình huống khó xử. “Có nhiều phụ huynh ban đầu nổi giận khi thấy hành động thiếu kiểm soát của Thành. Tôi cố gắng thuyết phục mọi người thông cảm, tôi còn đi xin lỗi họ, mua lại những vật dụng, món ăn mà con trai của mình đã vô tình làm hỏng…” - mẹ Oanh bồi hồi nhớ lại. Cuối cùng, bằng sự kiên nhẫn của mình, chị Oanh cũng đã giúp mọi người xung quanh thấu hiểu về tính cách bên trong của Khải Thành.
Thời điểm đó, chị Oanh phải gác lại công việc mưu sinh, dành nhiều thời gian cho con. Chị tham gia các lớp huấn luyện để lắng nghe chia sẻ từ chuyên gia có kinh nghiệm trong việc làm bạn với trẻ tự kỷ. Trong quá trình can thiệp, hỗ trợ cho Thành, chị Oanh rút ra nhiều kinh nghiệm cho các phụ huynh khác có con tự kỷ. Đối với chị sự kiên trì, nhẫn nại luôn là chìa khóa để ba mẹ có thể gần gũi, trò chuyện với con.
“Riêng Thành học chữ, học viết rất dễ nhưng khi đối diện với các con số, phép tính thì chậm và mất nhiều thời gian để suy nghĩ hơn. Đôi lúc, nhìn thấy con áp lực hiện rõ trên khuôn mặt, thấy thương vô cùng. Do đó, biết con dễ áp lực, tôi không ép còn phải hoàn thành tất cả bài tập trong một ngày. Tôi chọn cách chia nhỏ số lượng bài vở, nếu con thấy quá trình học không thoải mái thì có thể tạm dừng để vui chơi hay hoạt động giải trí để bé có năng lượng và không bị gò bó” - chị Oanh tâm sự cách mà suốt chục năm qua chị đã giúp Thành - một đứa trẻ tự kỷ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Đương nhiên, trong cuộc sống có muôn vàn áp lực, có lúc mệt mỏi, áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai của người mẹ trẻ. Không chỉ thế, rồi cả những lời bàn tán mỉa mai, khi về nhà lại thấy con mình quấy khóc, nói không nghe khiến chị Oanh muốn buông xuôi. Nhiều lúc trong quá trình dạy con, chị Oanh cũng không kiểm soát được tâm trạng của mình, đôi khi khẽ vào tay của Thành để răn đe, tập cho con tính kỷ luật.
“Những lúc như thế, tôi đau lòng lắm. Thế nhưng, sau 1-2 lần bản thân tôi tự nghĩ lại đòn roi không giúp con tiến bộ mà lại khiến con rụt rè, tự ti hơn về cuộc sống. Và tôi rút ra bài học, trước khi dạy con, bản thân phụ huynh phải học cách kiềm chế cảm xúc nóng giận, bình tĩnh và luôn giữ trạng thái vui vẻ, thoải mái để tạo môi trường an toàn đối với con” - chị Oanh nghẹn ngào tâm sự.
Có những đêm dài chị ngồi nhìn con đang ngủ say mà tự hỏi: “Mình còn đủ sức đi tiếp không?”. Đã từng nghĩ đến chuyện đặt dấu chấm hết cho cuộc đời cả mẹ lẫn con nhưng ánh mắt ngây thơ, đôi tay nhỏ bé nắm chặt vạt áo mẹ, những lời nói ngọng nghịu chẳng thành câu của Thành lại là động lực níu chị ở lại.

Sau nhiều năm miệt mài bên con, Khải Thành giờ đây đã trưởng thành hơn, có thể tự lập trong sinh hoạt cá nhân, biết nấu ăn, và đặc biệt là luôn hỗ trợ mẹ trong công việc thường ngày. Sự tiến bộ của con là món quà lớn nhất mà chị Oanh từng nhận được.
Không chỉ là người truyền cảm hứng thông qua chính câu chuyện của gia đình mình, chị Oanh đã và đang từng ngày giúp đỡ nhiều đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ thông qua lớp Aerobic của mình. Mà học phí được mẹ Oanh tính bằng những nụ cười rạng rỡ trên môi của các học viên, là những giọt mồ hôi mà cả các con, và khoảnh khắc các gia đình cùng nhau vận động vào mỗi buổi học. Từ đó các con có sức khỏe, rèn luyện thể chất và tăng tính tương tác đối với những người xung quanh.

Sinh con đã khó, nuôi dạy con khôn lớn lại là hành trình nhọc nhằn gấp bội. Với những gia đình có con tự kỷ, đó là thử thách dài lâu và cần sự kiên trì, phối hợp giữa ba mẹ, con cái để cùng nhau vượt chông gai. Nhờ câu chuyện của chị Oanh, chúng ta mới thấu hiểu được tình yêu thương, sự kiên nhẫn và niềm tin của gia đình mới có thể tạo nên điều phi thường nhỏ bé.
Nhắn gửi trong chương trình Eva Chatting, chị Oanh mong rằng các bậc phụ huynh có con tự kỷ hãy cố gắng chấp nhận và giúp đỡ các con, dù hành trình ấy không dễ dàng. Đặc biệt, trên hành trình can thiệp trẻ tự kỷ, nó sẽ không bắt đầu từ thuốc men mà “trái ngọt” sẽ đến từ sự nhẫn nại, tình yêu vô điều kiện của ba mẹ.
Thông qua câu chuyện của chị Oanh, thạc sĩ Tâm lý Lê Minh Huân đã mở ra nhiều góc nhìn sâu sắc về trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhìn nhận trẻ bằng sự tôn trọng và thấu hiểu. Bởi sự phát triển của trẻ tự kỷ không đơn thuần phụ thuộc vào chẩn đoán hay phương pháp trị liệu, mà còn đến từ chính thái độ kiên nhẫn, sự đồng hành và những cánh tay đưa ra đúng lúc từ người lớn.
Eva Chatting: Clip chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý Lê Minh Huân và mẹ Quách Mỹ Oanh, 17 năm nuôi con tự kỷ
TẤN PHƯỚC