Giữa vô vàn món bánh truyền thống của vùng đồng bằng sông Cửu Long, bánh bầu Sóc Trăng nổi lên như một nét chấm phá độc đáo, vừa dân dã, vừa sáng tạo. Ít ai ngờ rằng, từ loại quả mọng nước vốn chỉ quen thuộc trong món canh, món xào của bữa cơm thường ngày, người dân Sóc Trăng lại có thể nghĩ ra cách làm thành một món bánh hấp dẫn đến vậy.
Càng bất ngờ hơn khi món ăn từng là “cứu tinh” trong thời kỳ bao cấp khó khăn, nay lại trở thành đặc sản được săn đón ở thành phố, với giá bán khoảng 80.000 đồng/chục.

Bánh bầu là đặc sản của Sóc Trăng
Bầu là một loại rau quả dân dã, phổ biến khắp các vùng quê Việt Nam, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ. Gắn bó với đời sống nông dân từ bao đời nay, trái bầu không chỉ rẻ mà còn dễ trồng, dễ chăm sóc, thường xuất hiện trong những món ăn đạm bạc nhưng đậm vị quê nhà.
Tuy nhiên, ở Sóc Trăng, đặc biệt tại các huyện như Vĩnh Châu, Châu Thành, người dân lại có cách sử dụng quả bầu rất riêng: làm bánh. Khi cái ăn còn là nỗi lo thường trực trong thời kỳ khó khăn, họ đã thử dùng bầu làm thành bánh hấp để thay thế gạo, khoai… Và thật bất ngờ, món ăn "chống đói" ấy lại có hương vị thơm ngon, khiến ai ăn thử cũng thích mê mẩn.
Bánh bầu Sóc Trăng hiện có hai loại chính: bánh bầu ngọt và bánh bầu mặn, mỗi loại đều mang trong mình những nét cuốn hút riêng.

Bánh bầu ngọt và bánh bầu mặn đều có hương vị riêng
Với bánh bầu ngọt, nguyên liệu chính bao gồm bầu non gọt vỏ, nạo sợi mịn, bột gạo hoặc bột năng, nước cốt dừa, đường, muối. Tất cả được trộn đều, sau đó hấp cách thủy khoảng 20 - 30 phút. Giữa quá trình hấp, người nấu khéo léo mở nắp để xả bớt hơi nước, giúp bánh không bị nhão. Khi bánh gần chín, người ta rắc lên ít hành lá cắt nhỏ để tăng thêm màu sắc bắt mắt và mùi thơm hấp dẫn. Món bánh hoàn chỉnh được ăn kèm nước cốt dừa béo ngậy, tạo nên tổng thể ngọt thanh, mềm mịn, vừa lạ vừa quen.
Bánh bầu mặn cũng sử dụng quy trình tương tự, nhưng không cho đường vào phần bột. Nhân bánh là hỗn hợp tôm, thịt bằm nhuyễn được xào sơ cho dậy mùi, sau đó rải lên mặt bánh khi bánh vừa chín tới. Món bánh mặn này khi ăn thường kèm với nước cốt dừa pha loãng và một ít nước mắm chua ngọt, tạo sự cân bằng giữa béo và mặn, giữa mềm và đậm đà. Bánh nóng hổi, dậy hương thơm của thịt, tôm, dừa và bầu, kích thích cả khứu giác lẫn vị giác.
Bánh bầu không chỉ là món ăn ngon mà còn là một phần ký ức của người dân Sóc Trăng, nhất là những ai từng sống qua thời bao cấp. Trong cái nghèo, cái khó, người ta vẫn tìm thấy sự ấm áp từ chiếc bánh giản dị làm từ những nguyên liệu có sẵn trong vườn.

Món bánh này từng bị lãng quên, nay đã được hồi sinh,trở thành đặc sản nổi tiếng
Thế nhưng, có một thời gian dài món bánh này dường như vắng bóng, thất truyền. May mắn thay, những năm gần đây, bánh bầu Sóc Trăng bắt đầu quay trở lại, trở thành đặc sản nổi tiếng ở Sóc Trăng và ở TP.HCM. Vì hương vị độc đáo, bánh bầu được nhiều người tìm kiếm để thưởng thức.
H.A