Ốc đắng là một loài ốc nước ngọt nhỏ bé, gắn liền với đời sống của người dân miền Tây Nam Bộ. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, con ốc này không chỉ là một phần của tự nhiên, mà còn là một phần ký ức, một phần hồn quê của bao thế hệ. Người ta vẫn thường bảo: "Đã là dân miền Tây, không ai không biết đến ốc đắng", câu nói ấy như một sự khẳng định cho vị trí đặc biệt của loài ốc nhỏ này trong đời sống miệt vườn.

Ốc đắng có thân hình tròn, màu nâu sậm, đuôi nhọn, kích thước chỉ cỡ đầu ngón tay trỏ. Vỏ ốc xoắn đều, trông khá giống với ốc gạo. Chúng sinh sống quanh năm ở ao hồ, ruộng đồng, kênh rạch – bất kỳ nơi nào có nước là nơi đó có thể tìm thấy dấu vết của loài ốc này. Dù nhỏ nhắn, không nhiều thịt như ốc bươu hay ốc lác, nhưng ốc đắng lại có hương vị riêng khiến ai ăn thử một lần cũng thích mê.
Sức sống của ốc đắng rất bền bỉ. Chúng bám vào thân cây mục, trú dưới các dạ cầu, nấp trong mương dẫn nước hay bờ ruộng, bờ mương. Mùa mưa là mùa sinh sản của ốc, nên thịt lúc này thường teo lại, ăn không ngon. Nhưng vào tháng 3 âm lịch, khoảng thời gian cuối xuân đầu hè, ốc đắng bước vào thời kỳ béo mập nhất. Lúc này, ốc không chỉ phát triển tự nhiên mà còn được ăn ké thức ăn của cá trong mương, nên thịt càng thêm chắc, ngọt.

Từ một nguyên liệu dân dã, ốc đắng giờ đây đã vươn lên thành món đặc sản, mang lại nguồn thu nhập cho bà con vùng sông nước. Chúng được bán với giá khoảng 120.000 đồng/kg.
Ốc đắng được chế biến đa dạng: luộc chấm mắm, xào sả ớt, kho nước dừa, làm chả, hay nâng tầm lên thành món lẩu, gỏi cuốn trong các nhà hàng. Trong đó, món gỏi cuốn ốc đắng được xem là tinh tế và đặc biệt hơn cả. Mỗi cuốn gỏi là sự kết hợp hài hòa giữa vị giòn của rau sống, vị béo của thịt ba chỉ, vị dai ngọt của ruột ốc, tất cả cuốn trong bánh tráng mềm mại.
Anh Thanh, một người con của Cà Mau, vẫn không quên được ký ức tuổi thơ với con ốc đắng. Anh kể, ngày xưa ốc nhiều lắm, chỉ cần mang rổ ra ao là có cả bữa ăn thịnh soạn. Mỗi độ mưa đầu mùa, nước tràn đồng cũng là lúc ốc đắng bước vào mùa đẻ. Ốc mập ú, bên trong chứa những trứng non béo ngậy, ăn vào bùi bùi, giòn sật, ngon đến khó tả.
Sáng sớm là thời điểm lý tưởng để bắt ốc, khi chúng ngoi lên ăn rong rêu, bám chặt vào lá dừa, nhánh mía hay các vật mục dưới nước. Có khi chỉ cần thả vài tàu lá xuống ao, sáng hôm sau vớt lên là đã đầy ốc. Ngày ấy ốc nhiều mà chẳng ai buôn bán, chẳng ai nghĩ có ngày con ốc bé nhỏ ấy lại thành đặc sản.

Thời gian qua đi, ốc đắng dần thưa thớt. Nhu cầu nhiều mà nguồn cung không đủ, nên giờ đây, loài ốc từng gắn bó với bữa cơm nghèo lại trở thành món ngon quý giá, được người ta săn tìm. Nhưng dẫu thế nào, với người miền Tây, ốc đắng không chỉ là món ăn, nó còn là cả một trời kỷ niệm, là hương vị của quê nhà không thể nào phai.
PHÚ NGUYỄN