Ở vùng Tây Nam Bộ có một loại quả dân dã, nghe tên lạ tai nhưng đang dần trở thành đặc sản được người thành phố yêu thích, đó là trái giác.
Dây giác mọc hoang, quấn quanh những lùm cây ven sông, ven rạch. Trái giác nhỏ, hình tròn hơi dẹp, thường mọc thành từng chùm. Lúc còn non, trái giác nhỏ cỡ hạt đậu xanh, vỏ xanh bóng. Khi chín, trái chuyển sang màu đen sẫm, ruột bên trong tím thẫm như mực mồng tơi. Vị giác cũng thay đổi theo độ chín: từ chua chát khi còn non, chuyển dần sang chua thanh rồi chua ngọt khi già.

Trái giác có vị chua, khi chín chuyển sang màu đen thẫm
Mỗi khi hè về, khoảng tháng 6 hàng năm, người dân đi rừng lại bắt gặp những chùm giác xen lẫn trong tán lá, lúc xanh non, lúc chín thẫm. Có người hái về nấu canh chua, kho cá đồng, có người ngâm rượu vì vị trái giác chín ngọt ngọt, chua thanh, giống hương vị của nho. Lâu dần, trái giác từ một loại quả dại trở thành món quen thuộc trong bữa cơm của người miền Tây, rồi lan rộng đến cả những gia đình ở thành phố.
Trái giác nhìn từ xa rất giống nho, bởi thế mà người dân địa phương còn gọi chúng là “nho rừng”. Loại cây này thuộc dạng dây leo nhưng thân lại khá dai và chắc, khiến việc hái trái không hề dễ dàng. Vào mùa nắng, cây gần như trơ trụi, nhưng chỉ cần vài cơn mưa đầu mùa, dây giác lại đâm chồi, xanh tốt trở lại.

Tùy khẩu vị mà người ta chọn trái giác phù hợp: thích vị chua gắt thì chọn trái non, thích vị dịu hơn thì lấy trái già, còn ai ưa vị chua ngọt nhẹ nhàng thì chọn những trái đã ngả sang hồng tím. Đặc biệt, trái giác chín còn giúp tạo màu tím nhạt rất đẹp cho nồi canh chua.
Một trong những món đặc trưng không thể không nhắc tới là canh chua cá nấu trái giác. Người ta thường dùng cá mè vinh hoặc cá chim thu, những loại cá ngọt thịt, chắc và ít tanh để nấu cùng trái giác. Cá được làm sạch, ướp chút muối, tiêu và hành cho thấm rồi bắc lên bếp kho nhẹ với lửa liu riu. Khi nước trong nồi sền sệt lại, người nấu mới cho trái giác đã rửa sạch vào, nấu đến khi cá chín mềm, thấm đều vị chua tự nhiên.

Lúc này, chỉ cần thêm một ít tiêu giã nhuyễn và vài lát ớt sừng tươi, món canh chua trái giác đã hoàn thiện, nóng hổi, dậy mùi, hấp dẫn vô cùng. Mỗi miếng cá mềm béo kết hợp cùng vị chua thanh mát của trái giác tạo nên hương vị hài hòa, đảm bảo ai ăn một lần cũng nhớ mãi không quên.
Mấy năm trở lại đây, loại quả mọc hoang dại này bỗng trở thành một loại quả gia vị đặc sản cho nhiều món ăn của người miền Tây, hoặc để làm mứt, ngâm rượu, thậm chí còn giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập nhờ hái trái giác bán cho khách du lịch và thương lái.

Đặc biệt, trong các nhà hàng miền Tây Nam Bộ, đầu bếp đưa trái giác vào làm gia vị cho nhiều món ăn đặc sản. Nhờ vậy mà chúng được biết tới nhiều hơn.
Tại các chợ hay trên sàn thương mại điện tử, trái giác được bán với giá từ 40.000-80.000 đồng/kg.
H.A