Cóc là cây ăn quả quen thuộc ở Việt Nam. Quả cóc xanh hay cóc chín đều có thể ăn được. Thứ quả này giòn, có vị chua ngọt hấp dẫn. Ít ai biết được rằng lá cóc cũng có thể ăn được, là nguyên liệu tạo nên vị chua cho nhiều món ăn nổi tiếng mà nhiều người chưa từng có cơ hội được thưởng thức, đó là lá cóc.
Ở Việt Nam, cây cóc có thể tìm thấy ở hầu khắp các tỉnh thành. Lá cóc có màu xanh, mùi thơm, vị chua thanh. Nếu biết cách chế biến, lá cóc sẽ làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn, lạ miệng.
![](https://img-4.kienthuc.net.vn/upload/1-2025/images/thuyhb/loai-la-xua-co-day-khong-ai-ngo-ngang-nay-thanh-dac-san-co-huong-vi-dac-biet-dan-thanh-pho-thich-me-a-1739175531-583-width660height550.jpg)
Người dân địa phương cho biết lá cóc phải chọn lá non, có thể lấy cả phần cọng non. Bởi cọng non thường có độ giòn và vị chua đậm đà hơn. Món phổ biến nhất là lá cóc nấu canh cá, canh hải sản, kho cá. Vị chua của lá cóc non rất đặc biệt, khi kết hợp cùng vị thơm, ngọt của thịt hải sản càng làm tăng thêm hương vị. Mùi tanh của cá sẽ bị mùi hương của lá cóc át đi, tạo thành món canh chua không hề có mùi tanh mà chỉ thoang thoảng hương thơm dịu của lá cóc.
Từ xưa lá cóc non đã được bà con ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh,... sử dụng như một loại rau ăn. Theo đó, lá cóc kết hợp với các lá rừng như lá bứa, lá vừng, sao nhái, quế vị, lá mặt trăng, lá bí bái, lá lụa, rau cần nước, bằng lăng sông, đọt cóc, trâm sắn, trâm ổi trong món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, bánh xèo miền Tây.
Hiện nay, trong nhiều nhà hàng hay quán ăn, lá cóc được nhiều đầu bếp sử dụng để làm nên những món ăn nổi tiếng như canh chua cá lóc và cá cóc, gỏi lá cóc, cá linh kho lá cóc, dùng làm rau sống, rau ghém, ăn kèm các loại thức ăn khác để loại bớt vị ngán…
![](https://img-4.kienthuc.net.vn/upload/1-2025/images/thuyhb/loai-la-xua-co-day-khong-ai-ngo-ngang-nay-thanh-dac-san-co-huong-vi-dac-biet-dan-thanh-pho-thich-me-a1-1739175531-152-width650height366.jpg)
"Ở quê mình từ xưa mọi người mọi người đã hái lá cóc non để ăn sống kèm với các loại rau rừng khác. Vốn rất thích mùi thơm của quả cóc nên mình mê cái lá này, khi ăn có vị chua nhẹ và mùi thơm thoang thoảng.
Mình còn nhớ nhất món canh cá lóc nấu lá cóc. Vị chua thanh của lá cóc kết hợp với vị ngon ngọt của thịt cá khiến ai ăn thử một lần cũng thích mê. Bây giờ thỉnh thoảng về quê, mình vẫn hái ít lá và ngọn cóc non mang lên Hà Nội, để vào tủ lạnh thỉnh thoảng đem ra ăn sống với các loại rau khác để giải ngán hoặc nấu canh chua", chị Lan (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Tại các chợ ở Hà Nội hay trên chợ mạng, sàn thương mại điện tử, lá cóc được rao bán với giá khoảng 40.000-60.000 đồng/kg. Những người đã biết tới loại lá này thì tìm mua về để nấu lại những món ăn của tuổi thơ, còn những người chưa biết tới thì tò mò mua về ăn thử.
![](https://img-4.kienthuc.net.vn/upload/1-2025/images/thuyhb/loai-la-xua-co-day-khong-ai-ngo-ngang-nay-thanh-dac-san-co-huong-vi-dac-biet-dan-thanh-pho-thich-me-a5-1739175531-772-width780height483.jpg)
Bạn Giang (ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Vị thanh thanh chua dịu nhẹ của lá cóc khá đưa cơm, mỗi lần tới nhà hàng có các món ăn từ loại lá này tôi đều gọi cho cả nhà cùng thưởng thức. Tôi lớn lên ở thành phố nên không biết loại lá này, chỉ ăn trái cóc thôi, mãi tới khi thưởng thức trong nhà hàng mới biết là lá cóc cũng là đặc sản”.
PHÚ NGUYỄN