Có nhiều loại rau rừng mọc hoang dại nhưng thực chất có thể sử dụng làm nguyên liệu cho nhiều món ăn đặc sắc. Lá thành ngạnh là một trong số đó.
Cây thành ngạnh còn có tên gọi khác là lành ngạnh, ngành ngạnh, tên khoa học là Cratoxylon cochinchinensis, thuộc họ Hypericaceae. Cây cao 6 – 12 m, có gai ở gốc.
![](https://img-4.kienthuc.net.vn/upload/1-2025/images/thuyhb/loai-la-xua-rung-day-khong-ai-biet-den-nay-thanh-dac-san-khoai-khau-co-huong-vi-dac-biet-dan-thanh-p-2-1739201995-919-width660height550.jpg)
Lá thành ngạnh mọc ở núi rừng, từ xưa đã được người dân địa phương sử dụng như một loại rau rừng trong nhiều món ăn
Lá thành ngạnh mọc đối, có hình mác hoặc bầu dục, phần gốc lá thuôn, đầu nhọn, lá dài 6 -11 cm, rộng 2,5 – 3,5 cm, mặt trên lá có lông nhỏ, dày hơn ở mặt dưới; lá non có màu hồng đỏ, có lông tơ; cuống lá ngắn.
Ở nước ta, cây thành ngạnh thường mọc lẫn với nhiều loại cây bụi khác ở đồi, ven rừng thưa hoặc nương rẫy ở nhiều nơi thuộc tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang hay các tỉnh miền Tây. Từ xưa, bà con nơi đây đã xem chúng như một loại rau rừng. Đôi khi ngọn non và nụ có thể được dùng nấu canh với cá hoặc thịt. Lá trưởng thành có thể dùng nấu nước uống như nước chè hoặc nước vối.
Lá thành ngành dùng làm nguyên liệu cho món ăn là lá non hoặc hơi bánh tẻ, khi ăn có vị chua thanh và hơi chát. Khi kết hợp với các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, dễ ngán sẽ cân bằng mùi vị và hỗ trợ hệ tiêu hoá. Ngoài ra, cây thành ngạnh còn có ý nghĩa rất lớn trong phong thuỷ, phần lá ngọn non có màu hồng đỏ may mắn nên đây còn là loài cây cảnh, trồng ở đường phố rất phù hợp. Khi cây về già có thể lấy gỗ rất tốt dùng để đóng đồ gia dụng, điêu khắc hoặc nguyên liệu sản xuất than trắng.
![](https://img-4.kienthuc.net.vn/upload/1-2025/images/thuyhb/loai-la-xua-rung-day-khong-ai-biet-den-nay-thanh-dac-san-khoai-khau-co-huong-vi-dac-biet-dan-thanh-p-1-1739201993-120-width650height450.jpg)
Lá thành ngạnh có vị chua nhẹ và hơi chát
"Trong món bánh xèo, bánh tráng Trảng Bàng có đủ các loại rau rừng, ngoài càng cua, cải trời, kim thất, đinh lăng, mã đề.... còn có các loại lá rừng như ngành ngạnh, đọt vừng, cốc rừng, lá xoài, lá bứa.
Mỗi lá này có một hương vị riêng, khi kết hợp với nhau làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Lá non của cây thành ngạnh có màu đỏ phớt, rất dễ để phân biệt. Ngày trước mình hay đi cùng với các anh chị vào bìa rừng hái các loại rau rừng để về ăn rau sống, ăn kèm với thịt luộc, cá hấp... Bây giờ những cây dại ở bìa rừng không còn nhiều, muốn hái phải vào rừng sâu. Hiện nay nhiều người còn mang về trồng trong vườn nhà để hái bán", chị Thanh (ở Kiên Giang) chia sẻ.
![](https://img-4.kienthuc.net.vn/upload/1-2025/images/thuyhb/loai-la-xua-rung-day-khong-ai-biet-den-nay-thanh-dac-san-khoai-khau-co-huong-vi-dac-biet-dan-thanh-p-3-1739201993-105-width650height450.jpg)
Lá thành ngành dùng để ăn là lá non hoặc hơi bánh tẻ, có thể ăn riêng hoặc kết hợp với nhiều món rau rừng khác
Hiện nay ở các chợ quê hay trên chợ mạng, lá thành ngành được bán riêng hoặc bán chung cùng các loại rau rừng với giá khoảng 50.000 đồng/kg.
Ở Bình Định hay tại các tỉnh miền Tây, bà con đi hái lá thành ngạnh về nhập vào trong các nhà hàng, quán ăn hoặc bán cho thương lái đưa về thành phố.
Theo đông y, thành ngạnh có tác dụng thanh giải nhiệt, giúp tiêu hóa tốt, chống xơ vữa động mạch. Rễ vỏ cây ngành ngạnh phơi khô sắc nước uống chữa ho, khàn cổ.
H.A